Tuyển sinh ĐH 2017 KV phía Nam: Liên kết để giảm thí sinh "ảo"
22/05/2017
Lần đầu tiên các trường đại học ở khu vực phía Nam liên kết thành lập nhóm, giúp các trường, đặc biệt là các trường quy mô nhỏ lọc được lượng thí sinh "ảo" để đưa ra điểm chuẩn phù hợp nhằm tăng cơ hội trúng tuyển.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trong đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, có 50% thí sinh đăng ký từ 1 - 3 nguyện vọng, 30% đăng ký từ 4 - 5 nguyện vọng. Như vậy, các trường sẽ phải đối mặt với vấn đề thí sinh "ảo" như mọi năm. Mặt khác, quy chế của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 cho phép các thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng và tất cả nguyện vọng được xét tuyển bình đẳng như nhau trong cùng một đợt. Nếu các trường đại học, cao đẳng xét tuyển riêng lẻ thì rất khó xác định điểm chuẩn phù hợp, dẫn tới số lượng thí sinh “ảo” sẽ rất lớn, khiến việc tuyển sinh gặp khó khăn. Trước tình thế này, năm nay, lần đầu tiên 87 trường đại học từ Quảng Bình đến Cần Thơ lập thành một nhóm xét tuyển để hỗ trợ cho nhau trong mùa tuyển sinh.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, khi tham gia nhóm, tất cả các trường trong nhóm đều được hưởng quyền lợi như nhau và việc đăng ký tham gia nhóm là hoàn toàn tự nguyện. Các trường tham gia nhóm sẽ nhận kết quả từ phần mềm lọc "ảo" chung cho nhóm để biết ngoài đăng ký nguyện vọng vào trường của mình, thí sinh còn đăng ký ở bao nhiêu trường khác, từ đó sẽ đưa ra điểm chuẩn phù hợp nhất.
Theo phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nếu có một nhóm trường, trước hết là các trường cùng khu vực địa lý với nhau tham gia xét tuyển chung thì sẽ giảm nhẹ rất nhiều về thời gian và mức độ phức tạp trong thời gian xét tuyển và cũng sẽ giảm thiểu được tối đa việc thí sinh được nộp hồ sơ ở nhiều trường khác nhau. Lợi ích rõ ràng nhất là xác định được điểm chuẩn vào các ngành nên thí sinh không bị trượt oan, còn các trường chủ động được nguồn sinh viên mình tuyển phù hợp theo chỉ tiêu. Mặt khác, khi các trường tuyển sinh theo nhóm lọc được thí sinh “ảo” thì sẽ đưa lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Sau đó, Bộ sẽ lọc thí sinh dịch chuyển từ phía Bắc vào phía Nam và ngược lại để ngăn được tình trạng thí sinh “ảo” rộng hơn trên phạm vi cả nước.
Việc xét tuyển theo nhóm và các trường thực hiện tuyển sinh độc lập diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 25 tới 28-7). Sau đó, từ ngày 28 tới 30-7 là thời gian Bộ GD-ĐT lọc thí sinh “ảo”. Như vậy, các trường có tổng thời gian là 6 ngày để đủ thực hiện công tác xét tuyển.
Có thể nói, việc thành lập nhóm liên kết là một giải pháp hay trong mùa tuyển sinh năm 2017. Tuy nhiên, nhiều trường đại học cũng lo ngại về việc các trường ở “tốp” trên có những quyết định và thậm chí có điều chỉnh điểm sẽ khiến các trường khác cũng bị ảnh hưởng theo. Ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi tham gia nhóm xét tuyển, các trường cùng ngồi lại với nhau để cùng bàn tính và thống nhất phương án tuyển sau khi thí sinh có điểm. Cũng theo ông Sơn, trong quá trình xét tuyển, các trường sẽ trao đổi với nhau để biết điểm tuyển của từng trường để tránh trường hợp "ảo". Khi tham gia vào nhóm thì các trường sẽ có cam kết với nhau để định ra mức tuyển.
Về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, sắp tới các trường tham gia nhóm xét tuyển sẽ phải ký cam kết không được điều chỉnh vào giờ chót để tránh những tác động dây chuyền đến các trường. Việc bổ sung thành lập nhóm xét tuyển chung hay không, không ảnh hưởng đến thí sinh mà ngược lại, làm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
Thanh Tàu
(hanoimoi.com.vn – 22/05/2017)