Thi THPT 2017: Phần mềm trắc nghiệm có đọc được đáp án đã sửa?
13/05/2017
Nhằm giúp thí sinh an tâm khi làm bài, PV đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Đại học (bộ GD&ĐT) về công tác chấm thi THPT Quốc gia năm nay.
PV: Thưa ông, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị kỹ thuật phục vụ công tác chấm thi đã được ban Chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia chuẩn bị ra sao?
Ông Trần Văn Nghĩa: Bộ GD&ĐT công bố phương án thi từ đầu năm học. Để đảm bảo các yêu cầu tổ chức thi trắc nghiệm khách quan, việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 cũng được tiến hành sớm hơn rất nhiều so với những năm trước. Bộ đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng công việc, nhất là việc xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và công tác chấm thi. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị coi như đã hoàn thành, chúng tôi sẽ bàn giao phần mềm chấm thi về cho các sở GĐ&ĐT trong tháng 5 này.
Đối với một kỳ thi lớn, số lượng thí sinh tham gia đông và được thực hiện theo phương thức thi trắc nghiệm như kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, việc thử nghiệm trên học sinh để chuẩn hóa câu hỏi thi là bước bắt buộc trong quy trình. Việc chọn mẫu thử, số lượng và đối tượng học sinh tham gia bao nhiêu được bộ phận có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy trình mà các trung tâm khảo thí hiện nay đang triển khai.
PV: Việc chấm thi năm nay có gì khác biệt so với mọi năm mà thí sinh cần lưu ý, thưa ông?
Ông Trần Văn Nghĩa: Kỳ thi năm nay là một kỳ thi đặc biệt, không chỉ ở khâu tổ chức được giao hoàn toàn cho các Sở mà còn bởi sự thay đổi trong việc chấm thi. Về quy trình chấm bài trắc nghiệm thì các Sở/ cụm thi đã làm quen mấy năm nay. Tuy nhiên đây là năm đầu tiên, kỳ thi THPT Quốc gia để xét ĐH, CĐ có điều chỉnh phần mềm chấm bởi sự xuất hiện của bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT).
Đối với các bài thi truyền thống như Toán, Ngoại ngữ thì vẫn chấm như trước. Riêng bài thi tổ hợp, bản chất là 3 bài thi của 3 môn lồng vào một bài thi trắc nghiệm. Do vậy, Bộ phải điều chỉnh phần mềm mới chấm được bài thi dạng này. Theo quy định, Bộ sẽ cấp phần mềm chấm thi môn tổ hợp cho các Sở. Hiện tại phần mềm đã được hoàn tất, dự kiến sẽ cung cấp trong tháng 5 này.
PV: Có nhiều ý kiến quan ngại về việc năm nay là năm đầu tiên xuất hiện bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội và Khoa học Tự nhiên. Việc áp dụng công nghệ mới sẽ khó tránh những sai sót. Việc này Bộ đã có phương án ra sao?
Ông Trần Văn Nghĩa: Công nghệ hình thành các đề thi trắc nghiệm tương đương đã được nhiều trung tâm khảo thí trên thế giới thực hiện. Để thực hiện được bộ đề thi đó, đòi hỏi ngân hàng câu hỏi phải được chuẩn hóa là yêu cầu đầu tiên.
Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được xây dựng theo một quy trình khoa học, nghiêm ngặt và phải được thử nghiệm trên thực tế. Vì vậy, ngay sau khi công bố phương án thi/tuyển sinh, Bộ đã triển khai ngay công việc này để đảm bảo đúng tiến độ. Khi đã có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa thì phần mềm máy tính có thể tự động thiết lập được các đề thi tương đương. Đó chỉ là vấn đề kỹ thuật.
Trên thực tế trong 3 năm qua, đại học Quốc gia Hà Nội đã sử dụng các đề thi trắc nghiệm khách quan tương đương để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực dùng tuyển sinh với điểm xét tuyển làm tròn đến 0,25 và đã có hơn 70.000 thí sinh dự thi. Năm nay, mặc dù số học sinh dự thi dự kiến lên đến gần 1.000.000, tuy nhiên số đề đưa ra cho mỗi môn cũng chỉ là 24 đề (tương đương mỗi phòng thi 24 thí sinh) điều này rất hợp lý để mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi khác nhau.
PV: Nếu sơ suất làm sai quy chuẩn, tẩy (sửa kết quả), bình thường chấm tay vẫn chấp nhận nhưng phần mềm có lọc được hay không?
Ông Trần Văn Nghĩa: Về vấn đề này thì phụ huynh và học sinh hoàn toàn yên tâm, thí sinh tô câu trả lời bằng bút chì và tẩy khi thấy phương án mình lựa chọn chưa hợp lý, máy sẽ vẫn đọc được bình thường.
PV: Đối với các môn xã hội hay môn mang tính tư duy lôgic như Toán học, nhiều phụ huynh, giáo viên vẫn còn tỏ ra băn khoăn, lo lắng không biết công tác chấm thi được thực hiện như thế nào để đảm bảo công bằng, khách quan?
Ông Trần Văn Nghĩa: Quy chế kỳ thi quy định rất rõ quy trình, yêu cầu của công tác chấm thi. Trong đó các bài thi Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan nên sẽ được chấm bằng máy và phần mềm chuyên dụng với quy trình chặt chẽ, đảm bảo an toàn, tin cậy, khách quan. Bài thi tự luận Ngữ văn được chấm theo 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra cùng tiến độ với quá trình chấm thi.
Quy chế trên cũng quy định rõ cách xử lý kết quả chấm thi khi có sự chênh lệch giữa hai lần chấm độc lập. Các quy định đều hướng tới đảm bảo chấm thi khách quan, tin cậy. Sau khi công bố điểm thi, thí sinh hoàn toàn có quyền được phúc khảo bài thi của mình. Bài thi phúc khảo sẽ được chấm lại theo quy trình chặt chẽ và lấy làm điểm chính thức của thí sinh trong kỳ thi.
Đối với các môn thi tổ hợp, các em cũng cần lưu ý phải nộp lại đề thi và giấy nháp của hai môn thi tổ hợp đầu tiên, chỉ đến môn thi cuối cùng, các em mới không phải nộp lại giấy nháp. Ngay sau khi thi xong, bộ GD&ĐT sẽ công khai đăng tải đề thi, đáp án tất cả các môn trên phương tiện truyền thông để thí sinh đối chiếu kết quả.
Công Luân
(nguoiduatin.vn – 13/05/2017)