Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Băn khoăn xét tuyển theo nhóm trường

17/05/2017

Hiện nay, thí sinh trên cả nước đã hoàn thành việc đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường đại học (ĐH). Tuy nhiên, khi các trường ĐH đang triển khai lập nhóm xét tuyển chung, đã nảy sinh nhiều vấn đề trong công tác tuyển sinh năm nay.

Kỳ vọng “lọc ảo”

Trên cả nước có hai nhóm xét tuyển gồm: nhóm miền bắc do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì; nhóm miền nam do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh chủ trì. Nhóm xét tuyển nhằm tập hợp các trường ĐH tổ chức xét tuyển chung trên cơ sở các nguyên tắc được thống nhất nhằm bảo đảm công tác tuyển sinh thuận lợi, chất lượng, hạn chế thí sinh ảo. Trong đó, nhóm xét tuyển miền bắc xét tuyển theo nguyên tắc chung là: sử dụng dữ liệu đăng ký xét tuyển và kết quả thi THPT quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cung cấp để xét tuyển đợt một; sử dụng chung một phần mềm xét tuyển; xét tuyển theo danh sách nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký; xét tuyển theo nhóm ngành; nếu số thí sinh đạt ngưỡng điểm trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu nhóm ngành thì trường quy định tiêu chí phụ… Đối với nhóm xét tuyển miền nam, theo PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, chiều 15-5, các trường chủ lực trong nhóm mới họp để chốt lại các nguyên tắc, gửi các trường dự kiến tham gia nhóm cho ý kiến, sau khoảng một tuần đến mười ngày mới có phương án chính thức cuối cùng.

Theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga, quy chế tuyển sinh năm 2017 cho phép thí sinh được đăng ký số nguyện vọng theo mong muốn. Vì vậy, thống kê của Bộ GD và ĐT cho thấy có 50% thí sinh đăng ký từ 1 đến 3 nguyện vọng, 30% đăng ký 4 đến 5 nguyện vọng, 18% đăng ký từ 6 đến 10 nguyện vọng, 1,7% đăng ký từ 11 đến 15 nguyện vọng và 0,3% số thí sinh đăng ký hơn 15 nguyện vọng. Đáng chú ý, thí sinh đăng ký nhiều nhất lên tới 48 nguyện vọng. Việc thí sinh không bị giới hạn số nguyện vọng đăng ký, nhưng mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất trong danh sách đăng ký, dẫn đến các trường rất khó trong việc xác định điểm chuẩn phù hợp chỉ tiêu đã xác định và tình trạng thí sinh ảo sẽ rất cao. Điều đó khiến cho các trường và thí sinh khá vất vả. Để giải quyết tình trạng khó khăn trong xác định điểm trúng tuyển và hạn chế tối đa tình trạng thí sinh ảo, Bộ GD và ĐT đã xây dựng phần mềm “lọc ảo” và để các trường tự chủ trong việc thành lập nhóm xét tuyển. Theo lý giải của Bộ, việc tham gia xét tuyển theo nhóm hoàn toàn không ảnh hưởng tới quyền tự chủ của các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) và quyền lợi của thí sinh. Khi tham gia xét tuyển theo nhóm, từng trường sẽ lọc được thí sinh ảo để xác định điểm chuẩn dự kiến phù hợp. Nếu số trường tham gia nhóm xét tuyển càng đông thì tỷ lệ thí sinh ảo càng giảm.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội Phạm Ngọc Thạch cho rằng: Việc tham gia vào nhóm xét tuyển sẽ giúp các trường có một bức tranh tổng thể, qua đó có thể tính toán sơ bộ được là trường cần phải trừ ảo đi bao nhiêu phần trăm khi tuyển sinh để số tuyển được sát với chỉ tiêu đã xác định. Khi phần mềm xét tuyển theo nhóm chạy thì gần như là chính xác hoàn toàn về số lượng thí sinh chắc chắn sẽ đăng ký vào học tại trường. Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải đánh giá: Việc tham gia nhóm đem lại nhiều thông tin hữu ích để giúp các trường có được điểm phù hợp, sát chỉ tiêu mà trường dự kiến đưa ra. Cùng quan điểm trên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú cho biết: Năm nay, đăng ký nguyện vọng khác với những năm trước, vì thế việc thành lập một nhóm các trường ĐH để sàng lọc trước khi trường ra một quyết định điểm chuẩn là cần thiết. Việc đó sẽ giúp cho trường đưa ra một điểm chuẩn chính xác nhất và tuyển được các em có nguyện vọng, chất lượng tốt nhất.

Lo “đẽo cày giữa đường”

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra băn khoăn trong việc xét tuyển theo nhóm. Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Bùi Đức Triệu cho rằng, thực tế chỉ cần một phần mềm của Bộ GD và ĐT để các trường cập nhật dữ liệu vào sau đó tổ chức tuyển sinh chung và lọc ảo thì không cần phải xét tuyển theo nhóm. Tuy nhiên, cái khó là nếu Bộ GD và ĐT làm như vậy sẽ dẫn đến vi phạm quyền tự chủ của các trường. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Phạm Văn Bổng băn khoăn, quy định thang điểm trúng tuyển được thống nhất như thế nào để tránh tình trạng bất bình đẳng cho thí sinh bởi khi cộng điểm ba môn chia ba và làm tròn thì nhiều thí sinh hơn nhau 0,1 điểm vẫn bị loại, do xét tiêu chí phụ. Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi Trịnh Minh Thụ lại lo ngại về phần mềm chạy dữ liệu cùng một lúc với số lượng lớn như vậy liệu có bảo đảm, đáp ứng được không?

Nhiều chuyên gia đặt vấn đề, việc các trường lập nhóm xét tuyển khi thí sinh đã cơ bản hoàn thành việc đăng ký xét tuyển thì liệu các thí sinh có phải đăng ký lại hay không. Bởi khi chưa xét tuyển theo nhóm, thí sinh có thể có nhiều giấy báo trúng tuyển vào nhiều trường khác nhau và lúc đó sẽ lựa chọn một trường để đăng ký theo học. Tuy nhiên, khi xét tuyển theo nhóm trường thì thí sinh chỉ có một giấy báo trúng tuyển duy nhất và sẽ không có sự lựa chọn khác đối với trường theo học. Mặt khác, khi thí sinh đăng ký xét tuyển trong nhóm trường thì sẽ giải quyết thí sinh có nguyện vọng xét tuyển các trường ngoài nhóm ra sao. Việc xét tuyển theo nhóm cũng sẽ khiến cho các trường mất tính chủ động, khi phải phụ thuộc vào các trường khác thì khó có thể nói là các trường được tự chủ trong tuyển sinh; nhất là với các trường tốp trên. Đáng chú ý, Bộ GD và ĐT khẳng định, đã xây dựng phần mềm công nghệ hỗ trợ các trường lọc thí sinh ảo nhưng khi xét tuyển theo nhóm, các trường sẽ chạy một phần mềm khác dẫn đến lãng phí, dễ gây nên những vướng mắc, rắc rối.

Rõ ràng, để công tác tuyển sinh thật sự hiệu quả, vừa bảo đảm quyền lợi của thí sinh, vừa giúp các trường tuyển đủ chỉ tiêu và bảo đảm chất lượng, thì việc thay đổi các phương thức tuyển sinh cần được thực hiện sớm từ trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển. Khi Bộ GD và ĐT đã xác nhận có phần mềm “lọc ảo” thì chỉ cần sử dụng một phần mềm chung, tránh phải sinh ra “nhóm trung gian” khiến các trường bị động. Những thay đổi trong tuyển sinh cần mang tính tổng thể, nếu cứ “đẽo cày giữa đường” thì công tác tuyển sinh sẽ luôn gặp khó khăn và rủi ro.

MẠNH XUÂN và QUỲNH NGUYỄN
Nguồn: nhandan.com.vn – 17/05/2017

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang