Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tỉ lệ "chọi" thấp chưa hẳn dễ đậu

26/06/2014

Kỳ thi tuyển sinh năm 2014, nhiều ngành sư phạm, kinh tế có tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi tăng mạnh nên sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Trong khi đó, nhiều ngành có thí sinh đăng ký tuy ít hơn cả chỉ tiêu nhưng chưa hẳn là dễ trúng tuyển.

Với đặc thù chuyên đào tạo sư phạm, kỳ thi tuyển sinh năm 2014 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận được gần 24.000 hồ sơ và lượng hồ sơ vẫn chủ yếu tập trung vào các ngành sư phạm, các ngành ngoài sư phạm lượng hồ sơ không nhiều.

Tuy nhiên, nếu năm 2013 ngành tâm lý học có tỉ lệ “chọi” nằm trong tốp đầu thì năm nay rớt xuống nhóm có mức tỉ lệ “chọi” trung bình.

Trong khi đó, hầu hết các ngành sư phạm đều có lượng hồ sơ tương đương năm trước. Riêng hai ngành giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non có lượng hồ sơ tăng mạnh. Các ngành sư phạm khác cũng có tỉ lệ chọi khá cao so với các ngành ngoài sư phạm.

Sư phạm, kinh tế: cạnh tranh khốc liệt

Những năm gần đây, hai ngành sư phạm mầm non và giáo dục tiểu học luôn có lượng thí sinh dự thi rất lớn. Đặc biệt năm nay, hầu hết các trường đều có tỉ lệ "chọi" vào hai ngành này tăng so với các năm trước.

Tại Trường ĐH Cần Thơ, trong số 67 ngành đào tạo của trường, ngành có tỉ lệ "chọi" cao nhất là giáo dục tiểu học 1/25 trong khi ngành có tỉ lệ “chọi” thấp nhất là sinh học ứng dụng 1/0,38.

Tương tự, tại ĐH Đà Nẵng, ngành giáo dục tiểu học có tỉ lệ "chọi" lên đến 1/30, cao nhất của ĐH này. Ngành giáo dục mầm non cũng có tỉ lệ chọi lên đến 1/17. Đây là hai ngành có tỉ lệ "chọi" bỏ xa các ngành khác của ĐH Đà Nẵng và để có một chỗ trong hai ngành này thí sinh sẽ phải cạnh tranh nhau rất quyết liệt.

Trong khi đó, các ngành sư phạm cơ bản khác như toán, hóa học, sinh học, ngữ văn cũng có tỉ lệ "chọi" nằm trong top đầu của ĐH này. 

Một nhóm ngành khác cũng có lượng hồ sơ tăng đáng kể là kinh tế. So với năm 2013, hồ sơ vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tăng khoảng 2.000 hồ sơ khiến tỉ lệ “chọi” vào trường tăng. Cá biệt tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, lượng hồ sơ vào trường tăng gấp 10 lần so với năm 2013.

Hồ sơ tăng khiến tỉ lệ "chọi" vào các ngành cũng tăng đáng kể so với năm 2013. Đặc biệt, ngành ngôn ngữ Anh những năm trước có tỉ lệ “chọi” khá thấp nhưng năm nay lại cao nhất trường.

Tuy lượng hồ sơ giảm nhẹ nhưng tỉ lệ "chọi" vào nhiều ngành tại Trường ĐH Tài chính - Marketing lại tăng đột biến so với năm trước. Ngành quản trị khách sạn mới được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh trở lại nên lượng hồ sơ khá ít. Trong khi các ngành quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, tài chính ngân hàng có hồ sơ đăng ký dự thi giảm thì các ngành còn lại đều tăng rất mạnh.

Đáng chú ý, các ngành ngôn ngữ Anh, quản trị dịch vụ du lịch lữ hành có lượng hồ sơ tăng gấp 4-5 lần. Riêng ngành quản trị dịch vụ du lịch lữ hành có hồ sơ tăng gấp 8 lần so với năm 2013.

Trong khi đó, các nhóm ngành còn lại lượng hồ sơ tương đối ổn định hoặc giảm nhẹ. Đa số các trường chuyên đào tạo khối ngành y dược đều có lượng hồ sơ giảm nhẹ so với năm trước. Riêng Khoa y (ĐHQG TP.HCM), lượng hồ sơ ĐKDT năm 2014 giảm khoảng 50% so với năm 2013. Khối ngành kỹ thuật - công nghệ cũng có sự biến đổi nhẹ ở một số ngành.

Và trong khi các ngành chuyên kỹ thuật lượng hồ sơ không nhiều thì các ngành công nghệ như công nghệ thực phẩm, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật ôtô, công nghệ sinh học… lại có lượng hồ sơ tăng. Đặc biệt ngành công nghệ thực phẩm ở hầu hết các trường đều có tỉ lệ "chọi" rất cao.

Hồ sơ ít hơn chỉ tiêu: chưa hẳn dễ trúng tuyển

Trong khi rất nhiều ngành có lượng hồ sơ nhiều gấp vài chục lần chỉ tiêu thì không ít ngành có tỉ lệ "chọi" khá thấp, thậm chí hồ sơ còn ít hơn cả chỉ tiêu cần tuyển khiến sự cạnh tranh của thí sinh nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, không hẳn trường nào cũng vậy bởi năm nay nhiều trường thay đổi cách xác định điểm chuẩn. Chưa kể việc nhiều trường ĐH uy tín như Bách khoa, Y dược tuy tỉ lệ "chọi" không cao nhưng điểm chuẩn luôn rất cao do thí sinh có học lực rất tốt.

Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng việc lấy điểm chuẩn chung toàn trường hoặc theo nhóm ngành có mặt tích cực là tuyển được thí sinh có chất lượng, đầu vào cao tạo ra mặt bằng chung đầu vào tương đối đồng đều, thuận lợi cho công tác đào tạo. Tuy nhiên, nếu trúng tuyển vào trường nhưng không trúng tuyển vào ngành mình thích, thí sinh buộc phải đăng ký vào ngành khác và chờ trường bố trí. Như vậy có thể thí sinh sẽ bị xếp vào ngành mà mình không thích và điều này ảnh hưởng không tốt đến việc học sau này của sinh viên, thậm chí là bỏ học giữa chừng.

Tại ĐH Huế, trong số 104 ngành đào tạo có đến 24 ngành có lượng hồ sơ đăng ký dự thi ít hơn chỉ tiêu cần tuyển. Không chỉ có một số ngành khoa học cơ bản tại Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Nông lâm, một ngành thuộc nhóm sức khỏe là xét nghiệm y học cũng nằm trong nhóm này. Tại Trường ĐH Cần Thơ, hai ngành cũng có lượng hồ sơ ít hơn chỉ tiêu cần tuyển.

Tương tự, chỉ tính riêng bậc ĐH tại ĐH Đà Nẵng cũng có đến 19 ngành có hồ sơ ít hơn chỉ tiêu cần tuyển. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa có một số ngành như vật liệu xây dựng, kỹ thuật tàu thủy, kỹ thuật tài nguyên nước. Trường ĐH Sư phạm có các ngành khoa học cơ bản như lịch sử, địa lý…

Cá biệt, ngành cử nhân điều dưỡng cũng chỉ có tỉ lệ “chọi” 1/0,98. ĐHQG TP.HCM cũng có một số ngành có tỉ lệ "chọi" thấp như ngôn ngữ Ý của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn 1/0,5, kỹ thuật trắc địa bản đồ của Trường ĐH Khoa học tự nhiên 1/0,4.

Năm nay, rất nhiều trường thay đổi cách xác định điểm chuẩn nên nhiều ngành dù có lượng hồ sơ ít hơn chỉ tiêu hoặc số thí sinh dự thi không nhiều nhưng chắc chắn điểm chuẩn vào ngành đó sẽ không hề thấp. Đơn cử tại ĐH Đà Nẵng, ngoại trừ Trường ĐH Ngoại ngữ và phân hiệu Kon Tum lấy điểm chuẩn theo ngành, hai trường ĐH Bách khoa và Kinh tế sẽ lấy điểm chuẩn theo nhóm ngành và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM lấy điểm chuẩn theo khối thi.

Như vậy, sẽ có điểm chuẩn vào trường theo nhóm ngành và khối thi. Nếu thí sinh đạt điểm chuẩn của nhóm ngành hoặc khối thi nhưng không đủ điểm chuẩn vào ngành sẽ được đăng ký vào những ngành còn chỉ tiêu. Trường sẽ bố trí ngành đào tạo căn cứ vào điểm thi và nguyện vọng mới của thí sinh khi nhập học. Do đó, dù ngành đó có lượng thí sinh dự thi nhiều hay ít, điểm chuẩn vẫn phải đạt ngưỡng chuẩn tối thiểu theo nhóm ngành hoặc khối thi.

ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết năm nay trường sẽ lấy một điểm chuẩn chung cho tất cả các ngành và khối thi, không lấy điểm chuẩn theo ngành và khối thi như những năm trước. Tương tự, kỳ thi tuyển sinh năm nay Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng thay đổi cách xác định điểm chuẩn.

Theo đó, ngoại trừ các ngành luật kinh tế, ngôn ngữ Anh lấy điểm chuẩn riêng, các ngành còn lại sẽ lấy một điểm chuẩn chung cho tất cả các ngành theo khối thi. Một cán bộ phòng đào tạo của trường cho biết dự kiến các khối A, A1 sẽ có một mức điểm chuẩn chung và khối D1 sẽ có mức điểm chuẩn khác.

MINH GIẢNG (tuoitre.vn)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang