Không được tự ý tuyển sinh riêng
24/06/2014
Nhiều trường CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề đang hoang mang với thông tin một số trường ĐH, CĐ cố vơ vét nguồn tuyển dù không có đề án tuyển sinh riêng công bố từ trước.
Liệu có phải Bộ GD-ĐT cho phép thêm một số trường được tuyển sinh riêng ngoài danh sách 62 trường đã công bố? Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - khẳng định:
- Để đảm bảo có đầy đủ và kịp thời thông tin cho thí sinh, thông tin về các trường tuyển sinh riêng đã được Bộ GD-ĐT công bố trong cuốn “Những điều cần biết” và các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã đăng tải đầy đủ ngay từ thời điểm trước khi thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi. Sau thời gian này, bộ không xem xét thêm bất kỳ đề án tuyển sinh riêng nào. Thực tế cũng có một số trường nộp đề án muộn, nhưng Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị các trường này tiếp tục hoàn thiện đề án để thực hiện vào năm 2015.
* Vậy nếu có trường hợp không gửi đề án lên bộ mà vẫn tự ý tuyển sinh riêng qua xét kết quả học tập lớp 12, Bộ GD-ĐT sẽ xử lý thế nào để bảo đảm sự nghiêm minh và có giá trị răn đe, không xuê xoa, thưa ông?
- Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, để thực hiện tuyển sinh riêng, các trường phải xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh theo nội dung quy định và đáp ứng các yêu cầu của quy chế. Như vậy các trường tự tổ chức tuyển sinh riêng khi chưa xây dựng đề án là vi phạm quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy và sẽ bị xử phạt theo điều 40 về xử lý cán bộ tuyển sinh vi phạm quy chế.
Hình thức xử lý được quy định rất rõ, tùy theo mức độ sai phạm và đặc biệt rất chú ý đến trách nhiệm của người đứng đầu. Khi xét tuyển những thí sinh theo kết quả học phổ thông mà trường không có đề án tuyển sinh riêng đã được bộ xác nhận, trong khi những thí sinh này không tham gia kỳ thi chung của bộ hay thi nhưng không đạt ngưỡng chất lượng tối thiểu theo quy định thì có thể xem trường đã vi phạm việc “xác định điểm trúng tuyển không đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng do Bộ GD-ĐT quy định”.
Quy chế đã quy định áp dụng mức xử lý cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với hiệu trưởng hoặc chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người liên quan khi vi phạm lỗi này (mức xử lý tương đương đối với các lỗi như gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, tuyển sinh những ngành chưa được giao nhiệm vụ mở ngành, hay xác định sai chỉ tiêu tuyển sinh so với quy định và tuyển sinh vượt chỉ tiêu).
* Nhiều trường CĐ nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp dự báo tình hình tuyển sinh năm nay của họ sẽ rất bi đát vì các trường tuyển sinh riêng chỉ cần xét học bạ với điểm xét tuyển chỉ ở mức học tập trung bình...
- Khi hướng dẫn các trường xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh, bộ đã lưu ý các trường phải chỉ ra ngưỡng đảm bảo chất lượng, đồng thời đảm bảo sự phân luồng. Thực tế không có trường ĐH nào xét tuyển học sinh dưới ngưỡng điểm trung bình 6,0 và không có trường CĐ nào xét tuyển học sinh dưới ngưỡng điểm trung bình 5,5. Ngay cả điểm ưu tiên cũng chỉ được cộng để xét tuyển đối với thí sinh đã vượt ngưỡng này. Cũng xin được nhấn mạnh tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ đã được xác định trên cơ sở điều kiện cơ sở vật chất và số lượng giảng viên theo đúng thông tư 57. Do đó, dù tuyển sinh chung hay riêng, tổng chỉ tiêu này không thay đổi, không ảnh hưởng đến nguồn tuyển của các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường nghề.
* Theo quy định chung của bộ, thời hạn đăng ký hồ sơ dự thi ĐH, CĐ đã kết thúc từ cuối tháng 4. Với các trường tuyển sinh riêng, thí sinh có cần tuân theo thời hạn này hay có thể đăng ký sau này khi thấy điểm thi “ba chung” không đạt điểm sàn, thưa ông?
- Các trường tuyển sinh riêng sẽ thực hiện tuyển sinh theo quy định được công bố công khai trong đề án. Thí sinh có thể đăng ký vào ngành, trường tuyển sinh riêng sau khi đã dự thi “ba chung” nếu trong đề án tuyển sinh riêng của các trường đã công khai việc này. Bộ sẽ dựa vào đề án tuyển sinh riêng của các trường để thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
NGỌC HÀ thực hiện
37 trường ĐH, CĐ đăng ký môn thi chính
Đến thời điểm này, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2014 có 37 trường ĐH, CĐ đăng ký chọn môn thi chính ở hơn 250 ngành đào tạo. Trong đó, nhiều trường quyết định chọn môn thi chính nhân hệ số ở hầu khắp khối thi, các ngành đào tạo...
Theo Bộ GD-ĐT, những năm trước đây bộ vẫn cho phép các trường nhân hệ số môn chính khi xét tuyển nhưng điều này chỉ áp dụng đối với những thí sinh có kết quả thi từ điểm sàn trở lên. Năm 2014, các trường có thể chọn một môn thi chính trong khối thi được nhân hệ số 2 để xét tuyển vào ngành phù hợp. Như vậy, những thí sinh có điểm môn chính cao nhưng có tổng điểm ba môn thi dưới mức điểm xét tuyển cơ bản vẫn có khả năng trúng tuyển. Đó là điểm khác biệt so với quy định điểm sàn trước đây. Ví dụ ở khối A, nếu chọn mức xét tuyển là 15 điểm thì theo quy định mới, điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số là 20. Thí sinh có điểm toán 7, lý 3, hóa 4 thi vào ngành có môn thi chính là toán sẽ đỗ (21 điểm), trong khi chiếu theo quy định điểm sàn cũ thì trượt (14 điểm).
|
Nguồn: tuoitre.vn