Tuyển sinh là một 'nghề' của các trường
21/06/2014
Năm nay, Bộ GD-ĐT đã cho phép 62 trường tuyển sinh riêng, trong đó có không ít các trường ngoài công lập. Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với TS Văn Đình Ưng - Trưởng Ban thông tin- đối ngoại hiệp hội các trường Đại học- cao đẳng ngoài công lập Việt Nam để biết thêm thông tin và sự chuẩn bị từ phía hiệp hội và thành viên của mình.
Thưa ông, trước kỳ thi tuyển sinh Đại học và Cao đẳng năm 2014, các trường ngoài công lập và Hiệp hội các trường Đại học- cao đẳng ngoài công lập Việt Nam đã có những chuẩn bị gì?
Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 là một vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm, vì có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến của hiệp hội các trường Cao đẳng, Đại học ngoài công lập của Việt Nam, cùng các thành viên trong hiệp hội của mình.
Trong quy trình đạo tạo, việc tuyển chọn đầu vào là viêc của các trường Đại học, nhưng Bộ giáo dục đã “chiếm” lấy việc đó từ năm 2002 bằng hình thức thi 3 chung (chung đề thi, chung ngày thi, chung kết quả). Đây là việc không đúng.
Theo luật giáo dục mới ban hành, quy định công tác tuyển sinh là một bộ phận của hoạt động đạo tào đại học- cao đẳng. Từ năm 2010 hiệp hội các trường ngoài công lập đã thấy những điểm bất hợp lý đó và kiến nghị lên Bộ GD-ĐT về việc hãy trao quyền tự chủ cho các trường Đại học và Cao đẳng nói chung, không riêng gì mình các trường ngoài công lập.
Đồng thời Hiệp hội các trường Đại học ngoài công lập đã có những hội thảo, hướng dẫn, để đưa ra các chương trình cho các trường trong hiệp hội, để các trường đại học phải thấy được đó là bổn phận của mình để chuẩn bị tinh thần, chuẩn bị mọi mặt để tự chủ trong tuyển sinh, đào tạo.
Vì các đều trường đều muốn tuyển được sinh viên phù hợp với những ngành nghề và chương trình đào tạo của mình, nếu thi theo hình thức 3 chung của Bộ GD-ĐT sẽ bỏ sót rất nhiều.
Tôi lấy ví dụ: có những em phù hợp với ngành nghề đạo tạo của 1 trường, nhưng trong quá trình thi lại trượt vì không đủ điểm, nhiều lo lắng do phải chọn khối thi, mà chỉ được thi có 1 lần. Vì vậy hiệp hội muốn các trường chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị phương án để tự chủ tuyển sinh. Các trường thành viên của hiệp hội đã chuẩn bị sẵn sàng cho vấn đề tự chủ tuyển sinh.
Chính vì vậy chúng tôi đã có những kiến nghị gửi lên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, yêu cầu để cho các trường tự chủ trong tuyển sinh. Ngoài ra các trường ngoài công lập cũng có thể lấy kết quả chung của Bộ GD-ĐT để tuyển sinh.
Thưa ông, mới đây Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có quyết định cho 62 trường tách ra thi riêng, trong đó có không ít các trường ngoài công lập, mặc dù đã có sự chuẩn bị từ trước, nhưng từ phía các trường ngoài công lập vẫn có những lo lắng?
Các trường được tách ra thi riêng, Bộ GD-ĐT rất lo lắng và cẩn thận nên yêu cầu các trường đưa các phương án tự chủ tuyển sinh của mình trình Bộ GD-ĐT để duyệt qua. Nhưng theo tôi, tuyển sinh là một “nghề” của các trường. Khi được duyệt đề án thành lập một trường đại học thì họ đã có đầy đủ đội ngũ giảng dạy và tuyển sinh.
Các trường vẫn phải sử dụng kết quả chung của Bộ GD-ĐT nhưng đồng thời sử dụng phương án riêng của mình, nên khó khăn hầu hết dồn về phía học sinh. Điều này rất dễ làm các em lo lắng vì lâu nay đã quen với hình thức thi chung của Bộ, một số trường tách ra thi riêng dễ làm các em hoang mang, thậm chí nhiều em không hiểu, không dám đăng ký thi vào các trường thi riêng.
Nhưng Bộ đã có những hướng tháo gỡ! Nếu học sinh không đỗ trong các kỳ thi chung có thể tiếp tục tham gia thi các kỳ thi riêng của các trường, như vậy sẽ tạo thêm cơ hội cho thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại hoc và cao đẳng. Tránh được tình trạng nhiều em thi do tâm lý không tốt hay vì lý do cá nhân mà làm bài không đạt, nên bị trượt, năm nay các em sẽ có thể thi tiếp tại những trường tổ chức thi sau kỳ thi chung.
Đây là năm đầu tiên một số trường tổ chức thi riêng, sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, nhưng vạn sự khởi đầu nan, tôi tin năm sau các trường đó sẽ làm tốt hơn, và sẽ có nhiều hơn 62 trường đăng ký thi riêng.
Tâm lý của nhiều học sinh, sinh viên hiện nay ái ngại về mức học phí giữa các trường công lập và ngoài công lập chênh lệch nhau nhiều lần. Vậy làm sao để học sinh bớt được tâm lý e ngại này. Từ nhà trường và phía Hiệp hội các trường Đại học- Cao đẳng ngoài công lập có biện pháp và phương án gì cụ thể không?
Có một thực tế rằng các trường ngoài công lập phải tự trả tiền thuê mặt bằng và tiền lương cho cán bộ giảng viên, nhân viên của nhà trường, vì vậy việc chi phí, tiền học phí của các trường ngoài công lập cao hơn nhiều lần so với tường công lập.
Nhận biết được điều này, Hiệp hội các trường ngoài công lập đã kiến nghị lên Bộ GD-ĐT phải đối xử công bằng hơn với sinh viên. Các em là sinh viên thì cha mẹ các em cũng đã phải đóng tiền thuế đầy đủ cho Nhà nước. Vì vậy khi Nhà nước hỗ trợ cho sinh viên thì phải công bằng, dù là sinh viên trường công hay trường tư đều cần phải đối xử như nhau.
Chỉ có phương án này mới giảm được chi phí cho sinh viên các trường ngoài công lập và hiện nay Bộ GD-ĐT đã đồng ý và đang lấy ý kiến của các Bộ liên quan để thực hiện.
Còn có những biện pháp bất hợp lý như Nhà nước vẫn đánh thuế các trường ngoài công lập, trước đây lên tới 20%-25%, nhưng sau khi Hiệp hội các trường ngoài công lập kiến nghị, đã giảm xuống còn 10%.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phản biện với Nhà nước và Quốc hội để các trường ngoài công lập có được quyền bình đẳng, giảm học phí cho sinh viên.
Nói như vậy thì hiện nay sinh viên các trường ngoài công lập đang phải chịu thuế cho nhà trường?
Tất nhiên, Nhà nước thu thuế nhà trường thì nhà trường bắt buộc phải tăng tiền học phí của sinh viên để nộp cho Nhà nước. Chính vì vậy, hiệp hội đang tiếp tục phản biện lên Nhà nước để giảm tiền thuế cho nhà trường, thậm chí miễn như các trường công lập, và có hỗ trợ cho sinh viên như đối với sinh viên các trường công lập.
Như vậy, các trường ngoài công lập đang thực hiện dưới hình thức kinh doanh giáo dục. Liệu việc này có ảnh hưởng xấu đến sinh viên, và nhà trường đã có biện pháp gì để giúp đỡ sinh viên?
Theo như tôi được biết, các trường công lập và ngoài công lập được Bộ GD-ĐT và Nhà nước giúp đỡ bằng chính sách xã hội, cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với mức lãi suất cực kì thấp.
Trước đây Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi còn làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có nói “Nhà nước không để cho bất kỳ một sinh viên nào có năng lực học tập mà thất học chỉ vì không có tiền”. Tôi còn biết rằng có những gia đình cũng không khó khăn gì lắm, nhưng vẫn cho con làm giấy vay vốn để làm ăn kinh doanh. Điều ấy hoàn toàn không hề sai, cuối cùng cũng với mục đích lo cho con ăn học.
Sinh viên các trường ngoài công lập ra trường thường khó tìm việc làm trong cơ quan Nhà nước hơn các trường công lập, thậm chí trước đây từng có địa phương tuyên bố thẳng không tuyển dụng sinh viên các trường ngoài công lập. Vậy Hiệp hội cùng các trường thành viên của mình đã có những biện pháp gì để trấn an cho sinh viên?
Tôi có 1 suy nghĩ: chúng ta phải nhìn vào thực trạng, cơ chế, bộ máy nhà nước cũng như các hệ thống, đơn vị doanh nghiệp trong nước. Hiện nay bộ phận các trường công lập sẽ bị thu hẹp, bộ phận tự chủ về tài chính, kể các các trường ngoài công lập sẽ tăng lên.
Nhà nước cũng đã có chủ trương không phát triển khối công lập, mà phát triển khối ngoài công lập. Các bộ máy quản lý Nhà nước sẽ phải thu hẹp, rút ngắn, các cơ quan thuộc tỉnh, trung ương vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhưng không nhiều.
Nhưng trước đây có một số địa phương như Nam Định đã từng tuyên bố không tuyển dụng sinh viên các trường ngoài công lập. Hiệp hội đã đứng ra điều tra, phân tích, thấy được rằng chỉ tiêu tuyển dụng của các địa phương ấy cực kỳ ít, như Nam Định chỉ có 2 suất, nhưng có 2 em tốt nghiệp đại học từ các trường ngoài công lập và 2 em ấy đã khẳng định “nếu cứ thi công chức bình thường chúng em sẽ thắng”.
Nói như vậy để cho thấy nếu sinh viên có thực lực thì sẽ có rất nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tốt dù là trường công hay trường tư. Vì vậy sinh viên các trường công lập và ngoài công lập phải biết cố gắng học hành, không phải tiền bố mẹ cho đi học mà lại đến lớp ngủ gật, chơi bời.
Cảm ơn ông rất nhiều!
Tiên Lê (motthegioi.vn)