Thông tin về các bài thi đánh giá năng lực học sinh phổ thông năm 2021
25/02/2021
Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi với quy mô khoảng 10.000 thí sinh chia thành 6 đợt/năm, trong đó, đợt 1 dự kiến bắt đầu ngày 8-9/5/2021 đến hết tháng 7/2021.
Hội nghị khảo thí trực tuyến lần thứ nhất đã diễn ra chiều 24/2, nhằm giới thiệu về các bài thi đánh giá năng lực ở Việt Nam năm 2021. Hội nghị diễn ra tại điểm cầu Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đại học Quốc gia Hà Nội không hạn chế số lần dự thi của thí sinh
Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh, đến thời điểm này, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi. Ngân hàng đề thi đã được chuẩn hóa. Mỗi thí sinh sẽ có một đề thi riêng do máy tính tổ hợp ngẫu nhiên.
Năm 2021, các đợt thi sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước để chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm, phối hợp trong các khâu tổ chức thi, sử dụng chung kết quả kỳ thi nhằm tiết kiệm cho xã hội và đảm bảo quyền lợi học sinh. Đại học Quốc gia Hà Nội cam kết sẽ tổ chức kỳ thi hiệu quả, công bằng và thành công.
Giám đốc Trung tâm Khảo thí-Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Tiến Thảo cho biết: Năm học 2021-2022, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh Trung học Phổ thông, trong đó, bài thi có nhiều mục đích, hướng tới đánh giá toàn diện cho học sinh sau khi kết thúc bậc học Trung học Phổ thông.
Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực học sinh Trung học Phổ thông sẽ gồm 3 nhóm năng lực chính: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; Năng lực Toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, tính toán và xử lý số liệu; Tự khám phá khoa học (tự nhiên-xã hội) và ứng dụng công nghệ theo hướng cá thể hóa.
Bài thi gồm 150 câu hỏi, trong đó có 50 câu hỏi thuộc tư duy định lượng, 50 câu hỏi tư duy định tính, 50 câu hỏi trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội. Thời lượng làm bài thi là 195 phút.
Theo kế hoạch dự kiến, ngày 15/3/2021, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ công bố bài thi mẫu để thí sinh tham khảo. Kỳ thi dự kiến tổ chức với quy mô khoảng 10.000 thí sinh chia thành 6 đợt/năm, trong đó, đợt 1 dự kiến bắt đầu ngày 8-9/5/2021 đến hết tháng 7/2021.
Thí sinh đăng ký trực tuyến tại website: www.khaothi.vnu.edu.vn từ ngày 1/4/2021. Thí sinh được tự lựa chọn địa điểm thi, ca thi, giờ thi… và nộp lệ phí trực tuyến bằng hình thức chuyển khoản, ví điện tử, apps...
Khi làm bài thi đánh giá năng lực học sinh Trung học Phổ thông, thí sinh phải thực hiện tuần tự từ phần 1 (định lượng) đến phần 2 (định tính) rồi sang phần 3 (khoa học). Sau khi kết thúc mỗi phần, máy tính sẽ tự chuyển sang phần tiếp theo. Nếu đang làm bài ở phần 2, thí sinh không thể quay trở lại làm các câu hỏi của phần 1.
Đại học Quốc gia Hà Nội không hạn chế số lần dự thi của thí sinh. Tuy nhiên, thời gian dự thi giới hạn giữa các lần thi của thí sinh cách nhau là 28 ngày. Ví dụ: Lần 1 thi ngày 8/5/2021, lần thứ 2 dự thi sớm nhất là ngày 5/6/2021.
Thí sinh được phép chuyển ca thi trước 14 ngày thi (nếu còn chỗ trống ở ca thi chuyển đến). Thí sinh được hủy đăng ký dự thi. Thông tin thay đổi được xác thực và gửi tới thí sinh qua email cá nhân.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 2 đợt thi
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Bài thi đánh giá năng lực thực hiện trong 150 phút, thang điểm 1.200. Bài thi chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.
Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với thời gian làm bài 150 phút. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa Kỳ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Cấu trúc của bài thi đánh giá năng lực gồm 3 phần: phần sử dụng ngôn ngữ (40 câu); phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu (30 câu) và phần giải quyết vấn đề.
Thí sinh có thể đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển thông qua cổng thông tin trực tuyến tại địa chỉ: http://thinangluc.vnuhcm.edu.vn/, từ ngày 15/1-5/3.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự, năm 2021, kỳ thi đánh giá năng lực được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 2 đợt (trước và sau kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông) ở 7 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu, Nha Trang, Đà Nẵng và Buôn Ma Thuột.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức tại 3 địa điểm của miền Bắc
Thông tin về bài thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Trung Kiên, Trưởng Phòng Tuyển sinh chia sẻ: Kỳ thi được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021, tại 3 địa điểm của miền Bắc.
Thí sinh làm bài thi đánh giá tư duy trong 180 phút, gồm 2 phần: Phần bắt buộc, gồm Toán (trắc nghiệm, tự luận) và Đọc hiểu (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 120 phút; Phần tự chọn (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 60 phút, chọn 1 trong 3 phần: Tự chọn 1: Lý-Hóa, đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành trừ ngành Ngôn ngữ Anh, Tự chọn 2: Hóa-Sinh, đối với thí sinh đăng ký xét tuyển các ngành thuộc khối Hóa-Thực phẩm-Sinh học-Môi trường, Tự chọn 3: Tiếng Anh, đối với thí sinh đăng ký xét tuyển các ngành Ngôn ngữ Anh, Kinh tế quản lý.
Nội dung bài thi đánh giá tư duy nằm trong chương trình phổ thông với yêu cầu ở các mức độ kiến thức khác nhau, từ thông hiểu đến vận dụng và vận dụng sáng tạo.
Thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phải có điểm trung bình 6 học kỳ Trung học Phổ thông của 3 môn theo tổ hợp lựa chọn sơ tuyển: Toán - Lý - Hóa; Toán - Hóa - Sinh; Toán - Văn - Anh đạt từ 7.0 trở lên./.
Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)
vietnamplus.vn – 24/02/2021