Bộ Giáo dục dự kiến sửa đổi quy trình ra đề thi Tốt nghiệp THPT
03/02/2021
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo một số sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, trong đó có điều chỉnh về quy trình ra đề thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021.
Theo đó, kỳ thi sẽ cơ bản giữ như năm 2020 và có một số điều chỉnh trong quy trình ra đề thi, chấm thi...
Cụ thể, trong kỳ thi, mỗi bài thi/môn thi có đề thi chính thức và đề thi dự bị. Đề thi, đáp án chưa công bố thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Tối mật.” Riêng đề thi dự bị của bài thi tự luận chưa sử dụng được giải mật sau khi kết thúc công tác coi thi của kỳ thi.
Căn cứ yêu cầu của đề thi, mỗi Tổ ra đề thi có trách nhiệm soạn thảo, thẩm định, thi/môn thi được giao phụ trách. Việc soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án của các bài thi/môn thi và hướng dẫn chấm thi bài thi tự luận phải đáp ứng các yêu cầu của Quy chế thi.
Riêng đối với đề thi trắc nghiệm, Ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa (gọi chung là Ngân hàng câu hỏi thi) được xây dựng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là nguồn tham khảo quan trọng để soạn thảo đề thi tại khu vực cách ly theo quy trình.
Cụ thể, thư ký dùng phần mềm rút ngẫu nhiên các câu trắc nghiệm từ Ngân hàng câu hỏi thi để chuyển cho các Tổ trưởng ra đề thi (có sự chứng kiến của Chủ tịch Hội đồng ra đề thi và các Tổ trưởng ra đề thi). Tổ trưởng ra đề thi phân công các thành viên trong Tổ ra đề thi thẩm định từng câu trắc nghiệm.
Tất cả các thành viên của Tổ ra đề thi cùng thảo luận, lần lượt tinh chỉnh từng câu trắc nghiệm và tổ hợp thành đề thi theo đúng yêu cầu về nội dung đề thi được quy định tại Điều 15 Quy chế thi. Sau đó, tất cả thành viên của Tổ ra đề thi cùng ký tên vào các đề thi và trình Chủ tịch Hội đồng ra đề thi.
Sau khi đề thi được Chủ tịch Hội đồng ra đề thi phê duyệt, thư ký thực hiện trộn đề thi thành nhiều mã đề thi khác nhau. Tất cả thành viên của Tổ ra đề thi rà soát từng mã đề thi, đáp án và cùng ký tên vào từng mã đề thi đó.
Các túi đề thi phải được bảo quản trong hòm, tủ hoặc két sắt được khóa, niêm phong và bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày. Chìa khóa do Trưởng ban Vận chuyển và bàn giao đề thi giữ. Trưởng ban Vận chuyển và bàn giao đề thi có thể ủy quyền bằng văn bản cho người phụ trách tổ hoặc nhóm vận chuyển giữ, bàn giao chìa khóa cho các Trưởng Điểm thi.
Trường hợp bất khả kháng không thể vận chuyển được bằng hòm, tủ hoặc két sắt được khóa niêm phong thì sở giáo dục và đào tạo cần xây dựng phương án vận chuyển đảm bảo an ninh, an toàn cho đề thi và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Quản lý chất lượng) trước khi triển khai thực hiện.
Trong chấm thi, trưởng môn chấm thi tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận (đối với những hội đồng thi có từ 30.000 thí sinh thí sinh trở lên, trưởng môn chấm thi có thể triển khai theo từng tổ chấm thi hoặc nhóm tổ chấm thi). Sau đó, tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại các phòng chấm thi riêng biệt.
Dự thảo cũng quy định về vấn đề bảo lưu kết quả thi. Theo đó, thí sinh dự thi đủ các bài thi/môn thi quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp trung học phổ thông và không bị kỷ luật hủy kết quả thi thì được bảo lưu điểm thi của các bài thi hoặc các môn thành phần của bài thi tổ hợp đạt từ 5,0 (năm) điểm trở lên trong kỳ thi tổ chức năm tiếp ngay sau đó để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Điểm bài thi hoặc điểm các môn thành phần của bài thi tổ hợp chỉ được bảo lưu theo quy định trên nếu các môn thi thành phần của bài thi đó đều đạt trên một điểm.
Hiện dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến rộng rãi trong công luận theo quy định trước khi hoàn thiện và ban hành chính thức./.
Phạm Mai (Vietnam+)
vietnamplus.vn – 02/02/2021