Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Thí sinh đối mặt với khó khăn gì ở kỳ thi THPT Quốc gia 2018?

13/10/2017


Năm 2018, Bộ GD&ĐT đã chủ trương giữ ổn định phương thức tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia với các bài thi, môn thi như năm 2017, lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhiều học sinh, chuyên gia giáo dục cho rằng, không công bố đề minh họa sẽ là một bất lợi, bên cạnh đó cho phép thí sinh lựa chọn hai tổ hợp môn thi khiến thí sinh quá sức vì ôn tập.

Chủ động trong dạy và học

Bộ GD&ĐT cho biết, về cơ bản, việc đăng ký thi, tổ chức bài thi và các môn thi ở kỳ thi THPT Quốc gia 2018 sẽ được giữ ổn định như năm 2017 vừa qua, nghĩa là ngoài các bài thi độc lập vẫn có 2 bài thi tổ hợp là Khoa học xã hội (gồm 3 môn thành phần Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Để tạo thuận lợi cho công tác xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành của các trường ĐH, CĐ, bài thi tổ hợp có điểm chung của toàn bài và điểm của từng môn thành phần, được chấm theo thang điểm 10.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, phương án này sẽ được giữ ổn định ít nhất đến năm 2020. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi sẽ được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính cũng đang được Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xem xét để có thể áp dụng trong vài năm tới. Bộ cũng đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT thông tin về kỳ thi năm tới, để các địa phương chỉ đạo các nhà trường có những định hướng dạy và học, chuẩn bị tốt cho kỳ thi năm sau.

Sau khi Bộ GD&ĐT thông báo giữ nguyên cơ bản kỳ thi THPT Quốc gia năm tới, nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh trên phạm vi cả nước đều phần nào nhẹ nhõm bởi trong vòng gần 1 năm qua nhiều trường học đã cho học sinh tiếp cận với các dạng đề thi, tổ hợp môn thi (nhất là tập dượt các môn theo hình thức trắc nghiệm), chuẩn bị cho kỳ thi năm 2018. Thậm chí, một số địa phương đã tổ chức biên soạn các tài liệu ôn tập thi THPT quốc gia 2018 cho học sinh làm quen, ôn tập.

Theo ghi nhận tại một số trường THPT tại Hà Nội như: Trường THPT Kim Liên, Phan Huy Chú, Đống Đa, Trần Phú, Nhân Chính… nhiều giáo viên, học sinh tỏ ra hài lòng khi Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi giống với năm 2017 vì đã rất lo sợ việc kỳ thi tiếp tục được “đổi mới”. Lãnh đạo các trường cho hay, việc giữ nguyên phương án thi sẽ giúp giảm áp lực cho học sinh và bớt tốn kém. Năm nay, Bộ đã sớm công bố phương án thi so với mọi năm, các trường đều đã đưa ra kế hoạch tổ chức học, ôn tập cho học sinh bắt kịp với kỳ thi chính thức năm sau.

Còn nhiều điểm cần khắc phục

Dù công bố sớm phương án cho kỳ thi năm 2018, song việc Bộ GD&ĐT không công bố đề thi minh họa kỳ thi 2018, trong khi đó lại thêm kiến thức của chương trình lớp 11, khiến giáo viên, học sinh băn khoăn, lo lắng. Tiến Khôi - học sinh lớp 12 (Trường THPT Maricurie, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện tại em vẫn học tập bình thường, có thời gian sẽ tự ôn tập hoặc làm thử các bài thi theo dạng đề thi như kỳ thi năm 2017. Em cũng lo rằng Bộ sẽ có nhiều thay đổi trong việc thêm các câu hỏi mang tính phân loại, nhằm tránh nhiều thí sinh điểm cao như năm 2017. Những thay đổi này em chưa được làm quen thì sẽ dễ bị tâm lý trong phòng thi”.

Còn theo một số giáo viên dạy THPT, quy định cho phép học sinh chọn cả 2 bài thi tổ hợp làm tăng cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ. Về lý thuyết là vậy, nhưng thực tế cũng là “bẫy” khiến những học sinh “tham lam”, kém tự tin mà đăng ký hết tất cả các môn. Điều này đồng nghĩa với việc học sinh sẽ phải ôn luyện tổng cộng 9 môn thi của 3 môn thi bắt buộc độc lập và 6 môn thuộc tổ hợp môn thi. Nhiều giáo viên cũng chỉ ra rằng, nếu Bộ công bố đề thi minh họa, cả giáo viên và học sinh sẽ có định hướng học và ôn tập tốt hơn. Bên cạnh đó, đề thi cần phải chặt chẽ, có tính phân hóa cao hơn để đánh giá chính xác năng lực học sinh.

Chỉ ra bất cập trong kỳ thi THPT và xây dựng các tổ hợp môn thi, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Kỳ thi THPT Quốc gia chấm 3 điểm cho 3 môn thi trong một bài thi đó là tổng hợp. Ví dụ, bài thi Khoa học tự nhiên, hết giờ làm môn Lý, giám thị thu bài, giấy nháp, sau đó chuyển sang thi môn Hóa, Sinh làm thí sinh rất mệt. Cách thi như năm 2017, chi li ra là theo khối A, B, C làm cho học sinh chạy theo điểm số cao nhất đối với môn nhằm tới, chứ không phải có kiến thức đồng đều ở từng môn”.

Nhằm thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT trên phạm vi cả nước chỉ đạo các trường THPT thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ theo định hướng đánh giá năng lực. Bộ GD&ĐT khẳng định, kỳ thi năm 2018 các trường tiếp tục thực hiện chính sách tuyển thẳng vào ĐH, CĐ đối với học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi Olympic khu vực và quốc tế, thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật trong nước và quốc tế.

Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Quang Anh
Nguồn: giadinh.net.vn – 13/10/2017

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]