Theo thông lệ quốc tế nhưng cần đồng bộ chuẩn đầu ra giữa chính quy, tại chức...
10/10/2019
Phương án không ghi xếp loại và loại hình đào tạo trên bằng tốt nghiệp đại học chỉ nên áp dụng khi ban hành mới các quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo cho các loại hình đào tạo hiện nay để đảm bảo đồng bộ về chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra giữa các loại hình đào tạo.
Đó là ý kiến của lãnh đạo của nhiều trường đại học khi góp ý về dự thảo Thông tư ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, trong đó bỏ thông tin xếp loại tốt nghiệp và hình thức đào tạo đang gây chú ý dư luận.
Chỉ nên áp dụng khi đồng bộ chuẩn đầu ra giữa các loại hình đào tạo
TS Nguyễn Khắc Khiêm, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hàng Hải cho biết, Luật giáo dục đại học sửa đổi 2019 đã có hiệu lực từ 1/7/2019, trong Luật mới vẫn có ghi trong Điều 6, mục 2 về Hình thức đào tạo gồm: chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Như vậy bản thân Luật vẫn phân biệt các hình thức đào tạo của các bậc học.
Các quy chế đào tạo hiện hành do Bộ GD&ĐT ban hành (hiện đang có hiệu lực) cũng khác nhau cho các loại hình đào tạo khác nhau: Ví dụ: hiện có quy chế đào tạo hệ đại học chính quy, có quy chế đại học hệ vừa làm vừa học…
Điểm khác biệt cơ bản các loại hình này, ngoài sự khác nhau về hình thức tổ chức giảng dạy, là sự khác nhau về chuẩn đầu ra (ví dụ như chuẩn đầu ra ngoại ngữ, chuẩn đầu ra về tin học…). Các chuẩn đầu ra thông thường áp dụng cho hệ chính quy, không áp dụng cho hệ vừa làm vừa học hoặc áp dụng nhưng ở mức chuẩn thấp hơn…
Ông Khiêm cho hay, trong thực tế thì chất lượng đào tạo (cùng một trình độ) với các loại hình đào tạo vẫn có những khác biệt nhất định. Hệ đào tạo chính quy vẫn là hệ đào tạo được sự quan tâm, giám sát chặt chẽ hơn của các Nhà trường, và là hệ tạo nên hình ảnh, thương hiệu cho các Trường…
Về ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp, theo ông Khiêm, theo thông lệ quốc tế, các nước tiên tiến (Mỹ, Úc) không ghi loại hình đào tạo, xếp loại trên văn bằng, nên về định hướng chúng ta cũng nên theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, ở các nước đó thì các loại hình đào tạo đều có chung chương trình đào tạo, có chung chuẩn đầu ra.
Ủng hộ phương án không ghi xếp loại tốt nghiệp và loại hình đào tạo trên bằng đại học nhưng ông Khiêm cho rằng, việc này chỉ nên áp dụng khi chúng ta rà soát cập nhật, ban hành mới các quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo cho các loại hình đào tạo hiện nay (chính quy, VLVH, văn bằng 2, liên thông…) theo hướng đảm bảo đồng bộ và thống nhất về mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra tốt nghiệp là thống nhất giống nhau giữa các loại hình đào tạo.
“Sau khi đã có các quy chế ban hành đồng bộ như trên, thì việc bỏ ghi xếp loại, bỏ ghi loại hình đào tạo trên văn bằng tốt nghiệp mới nên áp dụng” – ông Khiêm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân nhận định, Dự thảo Thông tư “Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học” đã tích hợp 03 Thông tư quy định về nội dung ghi trên văn bằng tốt nghiệp đại học, thạc sỹ và tiến sỹ hiện hành. Đây là một bước tiến tích cực, thể hiện đúng tinh thần đổi mới của Luật GDĐH sửa đổi 2018 về khía cạnh giảm bớt trùng lặp và cải cách hành chính.
Dự thảo Thông tư lần này cũng thể hiện việc chuyển giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc không quy định chi tiết (mẫu bằng như các thông tư hiện hành).
Tuy nhiên, ông Triệu kiến nghị Bộ GD&ĐT khẩn trương ban hành các Thông tư quan trọng khác liên quan, ví dụ Thông tư về đào tạo đại học, bao gồm đào tạo đại học hệ chính quy, vừa làm vừa học và đào tạo từ xa, thay thế cho Văn bản hợp nhất số 17/VNHN-BGDĐT ngày 15/5/2014 hợp nhất Thông tư 43/2007, Thông tư 57/2012 về quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, Thông tư 06/2017/TT-BGDĐT ngày 15/5/2017 về quy chế đào tạo vừa làm vừa học trình độ đại học và Thông tư 10/2017/TT-BGDĐT về quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học.
“Có như vậy các trường đại học mới đủ cơ sở để thực hiện thống nhất và đồng bộ với thông tư này” – ông Triệu nhấn mạnh.
Ông Khiêm kiến nghị, việc không ghi xếp loại, loại hình đào tạo trên văn bằng nếu áp dụng cũng nên áp dụng từ khóa tuyển sinh, đào tạo mới kể từ khi ban hành hướng dẫn; còn với các khóa tuyển sinh cũ (đang học) theo các loại hình khác nhau vẫn nên ghi như quy định và mẫu cũ, như thế thực sự công bằng cho cả người học và có tính chuyển tiếp nhẹ nhàng cho xã hội dễ chấp nhận…
Nền giáo dục Việt Nam cần thêm nhiều thời gian
Bày tỏ quan điểm của mình, TS. Lê Văn Út, trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, bằng tốt nghiệp cử nhân hoặc tương đương chỉ là chứng nhận đạt đầy đủ yêu cầu của một chương trình đào tạo của một đại học. Do đó, việc không bắt buộc ghi thông tin xếp loại thì cũng chẳng có gì sai. Tùy thuộc vào nhu cầu tuyển dụng, bảng điểm đính kèm của ứng viên sẽ được xem xét.
Ví dụ, chọn một ứng viên để đào tạo thành một giảng viên giảng dạy bậc cử nhân hoặc tương đương mà học lực bậc cử nhân thuộc loại trung bình thì sẽ rất khó khăn, và nhiều đại học sẽ khó chấp nhận điều này.
Nhưng nhiều vị trí, bằng cấp loại giỏi cũng đơn giản là điểm cao về học thuật thôi, chứ điều đó chưa bản đảm sự thành công trong công việc.
Nhưng ông Út cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam, nền giáo dục còn cần thêm nhiều thời gian và sự quyết tâm để theo kịp các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới thì thông tin xếp loại trên bằng cấp cũng cần thiết.
Đó là tín hiệu quan trọng cho sự lựa chọn của nhà tuyển dụng, và cũng là sự ghi nhận quan trọng nhằm khuyến khích những người có nhiều cố gắng trong học tập và đạt loại tốt nghiệp cao.
Ông Út cho hay, Trong thực tế, người sử dụng lao động thường nhìn tên của đại học trước khi xem xét đến các thông tin khác nên việc tốt nghiệp từ những đại học có uy tín là rất quan trọng, bởi lẽ việc chấm điểm/xếp loại tốt nghiệp của mỗi đại học thường có rất nhiều khác biệt.
Việc Bộ dự kiến không bắt buộc phải ghi loại tốt nghiệp trong văn bằng cử nhân hoặc tương đương thì các đại học có thể lựa chọn cách tiếp cận thích hợp nhất.
Ông Út đề xuất, một trong những cách tiếp cận mà các đại học có thể xem xét là có thể chỉ ghi những loại xếp hạng ưu vào trong văn bằng, coi như một cách tưởng thưởng cho người có thành tích vượt trội.
Ngoài ra, các bậc xếp hạng cao trong văn bằng của Việt Nam cũng đã gây lúng túng cho các đồng nghiệp quốc tế (như trung bình khá, khá, giỏi, xuất sắc) khi dịch sang tiếng Anh.
Về vấn đề này, ông Út chia sẻ, các đại học Việt Nam có thể tham khảo cách xếp bậc tốt nghiệp theo Latin cho những bậc danh dự như cum laude, magna cum laude, summa cum laude (có thể tương ứng với khá, giỏi, xuất sắc) mà nhiều đại học đẳng cấp trên thế giới đang dùng.
Hồng Hạnh
dantri.com.vn – 09/10/2019