Tự chủ đại học, lo học phí tăng
11/09/2019
Để tránh tình trạng tăng học phí, ồ ạt tuyển sinh khi thực hiện tự chủ ĐH, nhà nước cần ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục và đào tạo
Luật Giáo dục Đại học (ĐH) sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 khẳng định quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH. Tuy nhiên, tự chủ mức độ nào thì đến nay các trường ĐH vẫn chưa nắm rõ để chuyển hướng hoạt động phù hợp. Tọa đàm "Tự chủ ĐH: Nâng cao chất lượng đào tạo" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 9-9 giải quyết được những băn khoăn của các trường.
Tăng học phí theo lộ trình
Băn khoăn mà đại diện nhiều trường đặt ra là khi được tự chủ, liệu các trường thoải mái tăng học phí hay mở ngành mới chỉ để tạo ra lợi thế tuyển sinh? Việc các trường tự chủ tăng học phí quá cao có tạo ra nguy cơ khiến nhiều sinh viên phải đứng ngoài cổng trường ĐH?...
Giải đáp những băn khoăn này, PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định khi nhà nước không cấp chi thường xuyên nữa thì học phí cũng sẽ bù vào đó một phần, vì vậy, việc nâng học phí là không tránh khỏi. Tuy nhiên, tăng học phí phải có lộ trình và phù hợp với khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng quê khác nhau. "Luật khẳng định rõ việc quyết định học phí là quyền của các trường. Dù vậy, việc quyết định học phí là yếu tố rất quan trọng, vừa bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo nhưng cũng phải làm sao bảo đảm hướng tiếp cận học ĐH của người học" - PGS Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Nói thêm về mức học phí của các trường khi tự chủ, PGS Hoàng Minh Sơn cho rằng sinh viên khi học ở những trường danh tiếng thì cơ hội việc làm sẽ tốt. Học phí sinh viên đóng hiện nay chưa phải là toàn bộ chi phí đào tạo mà chỉ là phần lớn, phần còn lại vẫn được đầu tư từ các nguồn khác.
Trong khi đó, PGS-TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - một trong những trường ĐH đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ, cho biết trường công khai mức học phí cho toàn khóa, mức tăng không quá 10%/năm và thực tế hiện nay là khoảng 5%/năm. Mức tăng này là phù hợp với tình hình hiện nay.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo), thời gian tới, khi các trường tự xác định mức học phí, để hài hòa giữa nhà trường và sinh viên, đồng thời không gây sức ép quá lớn về tài chính cho các trường thì nhà nước cần sớm ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng tính đủ chi phí giáo dục, đào tạo. Đây sẽ là căn cứ để các trường ra được quyết định, đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước và người dân có căn cứ để giám sát việc thực hiện của các trường về vấn đề này.
Kiểm soát chặt đào tạo
Đánh giá về xu hướng các trường ĐH thu hẹp ngành nghề đào tạo hiện có và mở rộng đào tạo sang một số ngành nghề mới, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng việc mở ra những ngành nghề đào tạo mới là xu hướng tất yếu để các trường ĐH đáp ứng được yêu cầu thay đổi rất nhanh của thị trường.
Trước băn khoăn mở ngành chỉ để tạo ra lợi thế tuyển sinh hay đó là sự bắt tay với thị trường lao động của các trường ĐH trong xu thế cạnh tranh để tồn tại, bà Thủy khẳng định sự thay đổi cơ cấu ngành nghề trong xã hội sẽ rất quyết liệt, nhanh chóng. Do đó, việc đào tạo gắn với yêu cầu xã hội, thực tiễn sử dụng nguồn nhân lực là xu hướng tất yếu. "Các trường mở ngành mới mà không gắn với yêu cầu thị trường thì sẽ thực sự gặp vấn đề. Thứ nhất, không đáp ứng quy định pháp lý về vận hành. Thứ hai, thị trường sẽ có ngay phản ứng với quyết định đó của nhà trường, trước mắt là tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sẽ thấp. Từ đó, đặt ra sự tồn tại của nhà trường, của ngành nghề đó có phù hợp hay không?" - bà Thủy cảnh báo.
Bàn thêm về việc kiểm soát các ngành đặc thù liên quan đến sức khỏe, đào tạo giáo viên, an ninh, quốc phòng, bà Thủy khẳng định bên cạnh chủ trương tăng cường tự chủ cho các trường, luôn có sự kiểm soát hợp lý về chất lượng đào tạo. "Tất cả các ngành liên quan đến sức khỏe, đào tạo giáo viên, an ninh, quốc phòng..., Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có những quy định riêng để bảo đảm chất lượng đào tạo. Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đã luật hóa những quy định áp dụng riêng, không áp dụng đại trà như các ngành khác. Chất lượng đầu ra của sinh viên phải bảo đảm được chuẩn mực nhất định. Nhà nước đứng trên góc độ quy định các chuẩn mực tối thiểu để bảo đảm đào tạo sinh viên ra trường của ngành đó đáp ứng được những chuẩn mực tối thiểu" - bà Thủy nhấn mạnh.
YẾN ANH
nld.com.vn – 10/09/2019