Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Thạc sĩ đi học trung cấp, những số liệu bất ngờ

08/04/2014

Chuyên gia giáo dục và nhà quản lý đều cho rằng cử nhân, thậm chí thạc sĩ tại Việt Nam trình độ yếu kém nên phải đi học trung cấp để xin việc.

72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp

Ngày 21/3, Bộ LĐ-TB-XH công bố số liệu tính đến cuối năm 2013 có hơn 1,2 triệu lao động trong độ tuổi đang thiếu việc làm (chiếm 2,63% tổng số lao động).

Số lao động thất nghiệp trong cả nước là 900.000 người, chiếm 1,9% lực lượng lao động, tăng 48.000 người so với cùng kỳ 2012.

Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp cao rơi vào những người có trình độ chuyên môn. Trong đó, thanh niên từ 20 - 24 tuổi tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên thất nghiệp tới 20,75%. Đặc biệt, có hơn 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, cao gấp 1,7 lần so với cuối năm 2012.

Thực trạng này khiến dư luận hết sức bức xúc nhưng nhiều chuyên gia không bất ngờ với những số liệu này.

GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là chuyện hoàn toàn có thể hiểu được, bởi số lượng đào tạo quá lớn, vượt xa nhu cầu thị trường lao động hiện nay.

Năm 2004, GS Nguyễn Minh Thuyết đã khi tính toán mỗi năm cả nước chỉ cần từ 13.000 – 15.000 cử nhân.

Về nhu cầu nhân lực, cả nước lúc đó có khoảng 100 khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút được tối đa 500.000 lao động, trong đó chỉ cần từ 5 - 7% cán bộ trình độ ĐH, 8% cán bộ trình độ cao đẳng, 60% công nhân kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông.

Giả sử mỗi năm có thêm 10 khu công nghiệp, khu chế xuất và có 10% cán bộ trình độ đại học, cao đẳng về hưu cần được thay thế thì chỉ cần đào tạo thêm theo cấp số cộng mỗi năm khoảng 13.000 - 15.000 cán bộ là đủ.

Tuy vậy, vào thời điểm đó mỗi năm các trường đại học và cao đẳng cả nước đã cho ra trường trên 200.000 người – gấp hơn 10 lần so với nhu cầu. Và con số đó hiện nay là 400.000 người.

Quy hoạch nhân lực quốc gia cho thấy tới năm 2015 Việt Nam cần khoảng 3,5 triệu lao động trình độ đại học trở lên, nhưng thực tế cuối năm 2013 đã có hơn 3,7 triệu lao động có trình độ này.

Nhiều trường hợp, cử nhân sau khi ra trường không tìm được việc làm và tiếp tục học lên thạc sĩ. Cuối cùng, thạc sĩ cũng thất nghiệp.

Trình độ kém

Trả lời trên Tuổi trẻ, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Doãn Mậu Diệp nhận định một bộ phận trí thức Việt thất nghiệp hoặc làm công việc có thu nhập kém “vì Việt Nam đã quá thừa lao động trình độ cao đẳng, đại học kém chất lượng”.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho rằng hiện tượng này là "lỗi do đào tạo".  Việt Nam vẫn tự hào vì chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhưng bản chất là người Việt có thời gian học tập dài.

“Có thể do học nhiều quá, học không theo nhu cầu thị trường về cơ cấu, chất lượng nên thất nghiệp nhiều là điều tất yếu”, ông Diệp chia sẻ.

Thực trạng này, TS Lương Hoài Nam đã dự báo và có kiến nghị gửi lên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từ  tháng 8/2013. Trong khiến nghị của mình, TS Lương Hoài Nam cho rằng 37% sinh viên ra trường không tìm được việc làm do thiếu hụt kỹ năng thực hành, 83% sinh viên ra trường bị các nhà tuyển dụng đánh giá thiếu kỹ năng sống.

“Đã phỏng vấn tuyển dụng hàng nghìn người trong 20 năm qua, tôi nghĩ những con số này có cơ sở và rất đáng lo ngại. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp sau khi tuyển dụng sinh viên ra trường phải tổ chức đào tạo cho họ các kiến thức, kỹ năng cơ bản mà lẽ ra họ đã phải được chuẩn bị tốt trong những năm học đại học”, TS Lương Hoài Nam nêu quan điểm.

TS Lương Hoài Nam cũng cho biết, do chương trình giáo dục phổ thông giống nhau suốt 12 năm và tâm lý phải cố gắng cho con vào đại học phổ biến của các phụ huynh nước ta, tỷ lệ đào tạo đại học và cao đẳng dạy nghề ở nước ta bất hợp lý, gây mất cân đối về nguồn cung trên thị trường lao động.

Do dôi dư lao động có bằng đại học nhưng lại thiếu lao động được đào tạo nghề có chất lượng cao, nhiều cơ quan, doanh nghiệp tuyển dụng lao động có bằng đại học cho những công việc thật ra chỉ cần lao động được đào tạo nghề (cao đẳng, thậm chí trung cấp).

Khi người có bằng đại học chưa tìm được cơ hội việc làm tốt hơn, họ sẵn sàng chấp nhận một công việc lao động giản đơn, với mức thu nhập thấp.

Nhưng sau khi đã được nhận vào làm việc, họ luôn luôn tìm cơ hội thay đổi sang công việc khác mà họ coi là phù hợp với bằng đại học của họ (từ nhân viên thành chuyên viên).

 Khi người lao động không hài lòng với công việc đang làm, chất lượng công việc bị giảm sút, phát sinh sự bất ổn định trong công tác nhân lực, thậm chí còn gây tiêu cực cho tổ chức.

Trong những năm gần đây, thay vì nâng cao chất lượng, uy tín của các trường đại học và cao đẳng để “thầy” cho ra “thầy”, “thợ” cho ra “thợ”, chúng ta lại cho nâng cấp nhiều trường cao đẳng lên đại học, có cả trường hợp từ trung cấp lên cao đẳng rồi lên đại học trong một thời gian ngắn.

Điều đó làm giảm chất lượng cả “thầy” và cả “thợ”, đồng thời làm cho tỷ lệ “thầy” – “thợ” càng bất hợp lý.Bằng việc chuyển dịch quá nhiều học sinh về phía đại học, chúng ta cũng làm hỏng chất lượng của cả “thầy” và “thợ”.

Theo số liệu tại website moet.gov.vn, trong năm học 2010-2011, nước ta có 726.219 sinh viên học tại 226 trường cao đẳng, 1.435.887 sinh viên học tại 188 trường đại học. Sang năm học 2011-2012, có 756.292 sinh viên tại 215 trường cao đẳng và 1.448.021 sinh viên tại 204 trường đại học.

Mặc dù số sinh viên cao đẳng có tăng, nhưng số trường cao đẳng đã giảm 11 trường, số trường đại học tăng thêm 16 trường, tỷ lệ sinh viên đại học – cao đẳng ở nước ta khoảng 2:1. Tỷ lệ này tại EU cỡ 1:1,5, tại Nhật cỡ 1:1.

Tỷ lệ sinh viên đại học – cao đẳng của Việt Nam tương đương Mỹ, nhưng cần lưu ý rằng rất nhiều các doanh nghiệp Mỹ đã chuyển các hoạt động sản xuất cần nhiều lao động giản đơn sang các nước đang phát triển tại châu Á và Mỹ La-tinh, chỉ duy trì các khâu nghiên cứu – phát triển, tiếp thị, phân phối… cần lao động chuyên môn cao tại chính quốc. Ta chưa thể theo Mỹ trong chuyện này.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020 cả nước có 460 trường đại học và cao đẳng, gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng.

Với tỷ lệ như vậy và quy mô vượt trội của 02 trường Đại học Quốc gia, e rằng tỷ lệ “thầy” – “thợ” trên thị trường lao động đến năm 2020 vẫn bất hợp lý (trừ khi phát triển được một số trường cao đẳng có quy mô rất lớn).

TS. Lương Hoài Nam

Minh Đức (Tổng hợp)
Nguồn: VTC News

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]