Báo động về sở hữu chéo trong giáo dục, dạy nghề
14/03/2014
Sở hữu chéo trong hoạt động đào tạo là việc có một nguồn lực (cơ sở vật chất, giáo viên…) nhưng lại được đầu tư, xác định ở hai nơi. Ở Việt Nam, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống các trường, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) rất phức tạp, đã phát sinh tình trạng đào tạo "hai mang" và nguồn lực ảo trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh khiến cơ quan quản lý khó kiểm soát.
Theo Thạc sĩ Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn, hiện nay hệ thống đào tạo của Việt Nam do hai cơ quản lý: Bộ GD-ĐT quản lý các hệ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), ĐH, CĐ. Bộ LĐ-TB&XH quản lý các hệ đào tạo như dạy ngắn hạn, trung cấp nghề (TCN) và cao đẳng nghề (CĐN). Việc giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho các trường do cả hai cơ quan quản lý cho phép nên dẫn tới các trường có thể dùng một nguồn lực của mình để đảm nhận hai trọng trách là vừa đào tạo theo nhiệm vụ của mình, vừa có thể đào tạo… nghề. Sự chồng chéo này dẫn tới tình trạng sở hữu chéo trong giáo dục, các trường mở các hệ đào tạo tràn lan nên khó kiểm soát được năng lực và chất lượng đào tạo. Có trường ĐH, CĐ vừa đăng ký mã ngành bên Bộ GD-ĐT, vừa đăng ký bên Bộ LĐ-TB&XH; có trường ĐH, CĐ đăng ký đào tạo nhiều cấp từ ĐH, CĐ đến TCCN; trường ĐH, CĐ mở thêm một trường trung cấp "con". Nhiều trường ĐH, CĐ chỉ có một nguồn lực (cơ sở vật chất, giáo viên…) nhưng lại được xác định và báo cáo ở cả Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH.
Theo Phó Hiệu trưởng của một trường cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng trên dẫn tới sự phân tán trong quản lý giáo dục. Mặc dù, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH đã "bắt tay" nhằm nâng cao chất lượng học sinh trung cấp nghề, bảo đảm đáp ứng yêu cầu mới của xã hội, nhưng khó khăn tồn tại vẫn là sự không thống nhất cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp dẫn đến công tác dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động chưa hiệu quả. Chưa hết, theo quy định Luật Giáo dục, các trường phải công khai chi tiết về diện tích sàn xây dựng dành cho đào tạo ĐH, CĐ, TCCN…; có bao nhiêu giáo viên dành cho dạy ĐH, CĐ, bao nhiêu dành cho dạy nghề? Tuy nhiên với tình trạng sở hữu chéo, "đào tạo hai mang"… nêu trên, không dễ gì để các trường công khai chính xác mà nếu có thì cũng khó mà quản lý. Đáng lưu ý, tình trạng các trường TCN hiện nay không thu hút được học viên còn có nguyên nhân bởi sự sở hữu chéo dẫn tới thiếu thống nhất trong quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ, TCCN và cơ sở dạy nghề cả nước. Chưa kể khung giáo trình cũng không thống nhất, chồng chéo dẫn tới chất lượng "tay nghề" của học viên chưa cao. Cụ thể, trường trực thuộc Bộ GD-ĐT có đào tạo nghề thì áp dụng khung giáo trình do Bộ này ban hành. Còn trường nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH, tất nhiên, sẽ áp dụng khung giáo trình do bộ chủ quản ban hành.
Giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên? Theo các chuyên gia giáo dục, trước tiên, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH kiểm soát chặt chỉ tiêu đăng ký theo các tiêu chí bảo đảm chất lượng của các trường, kiên quyết không để tình trạng sở hữu chéo nguồn lực xảy ra. Tiếp đến phải sớm chấm dứt tình trạng "đào tạo hai mang". Trường ĐH, CĐ nào muốn đăng ký dạy nghề bên Bộ LĐ-TB&XH thì không được đào tạo hệ ĐH, CĐ chuyên nghiệp. Trường nào đủ điều kiện về cơ sở vật chất muốn nâng cấp lên ĐH (hoặc CĐ) thì không được đào tạo hệ CĐ (hay trung cấp) nữa. Đối với các trường "bồng" thêm một trường con thì phải tách biệt đội ngũ giáo viên, đặc biệt là về cơ sở vật chất, không để "hai trong một". Việc chấn chỉnh này cũng là giải pháp thực hiện việc đổi mới quản lý nhà nước về đào tạo và dạy nghề từ trung ương đến địa phương theo quyết định của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Anh Thư
Nguồn: hanoimoi.com.vn