Sẽ thi tốt nghiệp THPT trong 5 buổi
31/03/2014
Lịch thi cụ thể của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 vẫn chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố nhưng theo một nguồn tin, dự kiến phương án 2 - thi trong 2 ngày rưỡi - sẽ được chọn
Theo phương án này, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ được tổ chức trong 5 buổi. Cụ thể, ngày 2-6: buổi sáng thi ngữ văn từ 8 - 10 giờ; buổi chiều thi lịch sử từ 13 giờ 30 phút - 15 giờ, thi vật lý từ 16 giờ 15 phút - 17 giờ 15 phút. Ngày 3-6: buổi sáng thi toán từ 8 giờ - 10 giờ; buổi chiều thi địa lý từ 13 giờ 30 phút - 15 giờ, thi hóa học từ 16 giờ 15 phút - 17 giờ 15 phút. Ngày 4-6: buổi sáng thi ngoại ngữ từ 8 giờ - 9 giờ, thi sinh học từ 10 giờ 15 phút -11 giờ 15 phút.
Giảm áp lực cho trò
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), việc 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn được bố trí thi riêng vào 2 buổi sáng sẽ tạo tâm lý tốt cho học sinh, giảm áp lực đối với hội đồng thi. Hiệu trưởng một trường THPT của Hà Nội cũng nhận định thí sinh hiện nay đều học theo phân ban trên cơ sở của khối thi ĐH, CĐ. Với phương án này, các thí sinh chọn thi theo các khối A, B, C, D sẽ không phải thi 1 buổi với 2 môn thi.
Riêng trường hợp thí sinh chọn cả 2 môn thi tự chọn mà lịch thi đều chung 1 buổi (ví dụ môn địa và hóa) thì việc kéo dài thời gian nghỉ giữa 2 ca thi lên đến hơn 1 giờ cũng khá hợp lý. Thêm vào đó, thời gian thi 2 môn tự chọn cũng không quá dài, một môn 90 phút và một môn 60 phút nên cũng không quá căng thẳng đối với thí sinh vì cộng tổng thời gian cũng chỉ hơn môn thi bắt buộc một chút.
Trước lo lắng liệu việc hướng dẫn ôn thi có bị quá tải khi số môn thi lên đến 8, thêm vào đó là tình trạng sẽ có những môn rất đông học sinh lựa chọn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận áp lực cho các thầy cô và trường sẽ nặng hơn. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng các trường sẽ tự điều tiết việc phân bổ giáo viên ôn thi sao cho bảo đảm tốt nhất, ví dụ nếu thầy cô nào phải dạy nhiều, dạy đông học sinh thì sẽ bớt việc khác.
Liên hệ thực tế mới “ăn” điểm
Nói thêm về những thay đổi của đề thi theo phương án thi mới, ông Hiển cho biết đề thi ngoại ngữ sẽ có thêm phần tự luận, các đề thi môn khoa học xã hội sẽ tăng khả năng mở, liên hệ nhiều đến thực tế và mang dấu ấn cá nhân của các em. Với cách thi này, theo ông Hiển, ở các môn như lịch sử, ngữ văn, thí sinh sẽ phải rèn luyện năng lực nhận xét, đánh giá các sự kiện, năng lực diễn đạt. Môn ngoại ngữ cũng cần phải biết diễn đạt vấn đề bằng ngôn ngữ riêng.
“Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo trong quá trình ôn tập, giáo viên phải hướng tới cách dạy học hiểu và vận dụng kiến thức để giúp đỡ các em nắm được bản chất vấn đề. Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, phải nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Đối với môn ngoại ngữ, phải coi trọng việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp” - ông Hiển nói.
Hướng dẫn học sinh chọn môn thi
Trước thực tế có những trường thí sinh “từ chối” môn sử, địa để lựa chọn các môn thi theo trắc nghiệm, ông Hiển đưa ra lời khuyên nếu thích môn nào, thí sinh hãy chọn môn đó chứ không nên chọn theo “phong trào”. Ông cũng lưu ý các thầy cô cần hướng dẫn học sinh chọn môn thi theo năng lực, nguyện vọng, mục đích nghề nghiệp của bản thân để có kết quả tốt nhất. Những kiến thức, nội dung có trong sách giáo khoa là đủ cho các em đi thi. Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao, thí sinh cần coi việc tự học là chính.
|
YẾN ANH
Nguồn: nld.com.vn