Trường cao đẳng, trung cấp lo không còn nguồn tuyển
29/03/2014
Ngay sau khi hàng loạt đề án tuyển sinh riêng của các trường đại học được Bộ GD-ĐT phê duyệt, trong đó có hình thức xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT, các trường cao đẳng, trung cấp như ngồi trên đống lửa.
Thua trên mọi phương diện
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM, nhận định: “Ảnh hưởng lớn nhất của các đề án tuyển sinh riêng năm nay đối với các trường cao đẳng (CĐ) và trung cấp (TC), đó là nhiều trường ĐH ngoài công lập xét tuyển kết quả tốt nghiệp THPT và kết quả học tập năm lớp 12 của thí sinh. Điều đó có nghĩa không cần thi ĐH, thí sinh vẫn có cơ hội học ĐH, dẫn đến các trường CĐ tổ chức thi chung vào đợt 3 có nguy cơ không còn mấy thí sinh, thậm chí lượng thí sinh thi vào còn ít hơn chỉ tiêu”.
Tiến sĩ Nghĩa nhấn mạnh kể cả các trường CĐ có đề án vừa thi, vừa xét, thì khả năng tuyển sinh cũng sẽ thê thảm hơn các năm trước rất nhiều. “Đối với các trường TC tình hình sẽ càng tệ hơn vì CĐ đã không còn nguồn tuyển, thì sẽ lấy đâu ra người học? Trước đây có điểm sàn, thí sinh nào không đạt thì chỉ còn cách là vào học nghề, TC. Bây giờ Bộ sẽ có tiêu chí khác thay thế điểm sàn và các trường tuyển sinh riêng được chủ động xây dựng tiêu chí đầu vào, đảm bảo sẽ lấy hết thí sinh”, tiến sĩ Nghĩa phân tích.
Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Tài chính Hải quan, cũng lo lắng: “Các trường CĐ sẽ lâm vào tình trạng quá khó khăn, bởi cũng với học lực đó không cần thi thí sinh vẫn có thể đậu ĐH thì không đời nào các em chọn CĐ”.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 62 trường được phê duyệt đề án tuyển sinh riêng. Không kể đến các trường khối văn hóa nghệ thuật đã tuyển sinh riêng từ năm 2013 và các trường ĐH lớn như: Đà Nẵng, Thái Nguyên, Vinh… các trường còn lại đa số ngoài công lập với hình thức vừa thi tuyển, vừa xét tuyển kết quả thi ĐH theo “3 chung”, vừa xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT và lớp 12. Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, lo ngại: “Nguồn tuyển của các trường ĐH này quá rộng nên các trường CĐ chắc chắn sẽ thua kể cả thi hay không thi”.
Tiếp tục tự “bơi”
Hầu hết đại diện các trường CĐ, TC đều cho rằng trước tình hình này, bản thân các trường phải tự mình tìm kiếm giải pháp chứ không thể trông chờ vào sự thay đổi nào khác từ phía Bộ. Với các trường CĐ mà nhiều năm qua vẫn nhận được số lượng hồ sơ đăng ký dự thi lên tới 15.000 - 20.000 thì hy vọng giữ được một phần thí sinh bằng uy tín và chất lượng đào tạo của mình.
Tiến sĩ Lê Trung Đạo đề xuất: “Nếu không còn điểm sàn hoặc xét tuyển thì mỗi bậc học vẫn cần phải có các tiêu chí chuẩn để đánh giá, phân tầng. Những thí sinh không đạt chuẩn vào ĐH thì xuống học CĐ, ai không đủ chuẩn CĐ thì đi học TC. Như vậy mới đảm bảo các bậc học đều có đối tượng phù hợp với mình”.
Một giải pháp mà trường nào cũng nghĩ tới nhưng lại không thể tự mình thực hiện: đó là cần phải xóa bỏ tâm lý chuộng bằng cấp, phân luồng hiệu quả ngay từ bậc THCS, nhà tuyển dụng tuyển người theo công việc chứ không theo bằng cấp…
Trường TC Kỹ thuật nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh là một trường công lập, trong vài năm trở lại đây, việc tuyển sinh đã quá mệt mỏi, chỉ đạt 50% chỉ tiêu. Ông Võ Thanh Liêm, Phó hiệu trưởng của trường, tâm tư: “Năm nay trường buộc phải xây dựng kế hoạch tuyển sinh khác so với những năm trước để không để xảy ra cảnh giáo viên thất nghiệp vì không có người học. Chúng tôi sẽ chỉ đến những khu vực, địa bàn có khả năng tuyển sinh để tư vấn, hướng nghiệp chứ không đi tràn lan nữa. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động đào tạo sao cho chất lượng được nâng cao và quan hệ tốt với doanh nghiệp để đảm bảo các em ra trường có việc làm ngay”. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ: “Khi không thể làm gì khác hơn, tạm thời các trường CĐ, TC phải thay đổi chương trình đào tạo theo hướng thực hành thật nhiều, nâng cao chất lượng, đảm bảo đầu ra cho người học”.
Một nguyên do khác cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc tuyển sinh các trường CĐ, TC, theo tiến sĩ Nghĩa, chính là việc học liên thông quá khó khăn, tốn thời gian khiến thí sinh đương nhiên phải chọn bậc học cao nhất là ĐH. Do đó, việc kiểm soát chất lượng liên thông không phải là đặt ra thời gian 36 tháng và việc thi chung kỳ thi ĐH, mà là kiểm soát chất lượng kỳ thi liên thông tại các trường, chỉ tiêu, chương trình đào tạo…
Mỹ Quyên
Nguồn: thanhnien.com.vn