Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Khối trường Quân đội: Siết chặt khâu tuyển chọn để nâng cao chất lượng

20/03/2014

“Tuyển chọn đầu vào có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”

Đây là một trong những yêu cầu của Bộ Quốc phòng được lãnh đạo Cục nhà trường - Bộ Quốc phòng tiết lộ khi trao đổi với báo chí về công tác tuyển sinh năm 2014. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Ban tuyển sinh Quân sự - Bộ Quốc phòng đã đặt ra các nhiệm vụ hết sức cụ thể trong công tác tuyển sinh khối các trường quân đội.

Đại tá Nguyễn Đức Thắng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Cục Nhà trường) cho biết: “Thời gian tới, các trường thuộc khối Quân đội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền hướng nghiệp đến với các thí sinh. Các trường tự tổ chức giới thiệu ngành nghề đào tạo, chính sách, chế độ đãi ngộ của nhà nước và quân đội trong tuyển sinh, đào tạo và sử dụng cán bộ khi tốt nghiệp ra trường, từng bước xây dựng được thương hiệu nhà trường quân đội. Đặc biệt là thu hút được số thí sinh giỏi, tài năng dự thi hoặc tuyển thẳng vào các trường Quân đội.

Ngoài ra Ban tuyển sinh Quân sự các cấp sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, các tổ chức đoàn thể của địa phương làm tốt công tác tuyên truyền nhằm giúp thí sinh, gia đình nắm vững quy chế và những thông tin liên quan đến thi và tuyển sinh, tạo sự đồng thuận và sự hỗ trợ của dư luận trong quá trình tổ chức thực hiện”.

Sơ tuyển nghiêm túc, tránh tiêu cực

Cục Nhà trường khẳng định, tổ chức sơ tuyển cho thí sinh là khâu hết sức quan trọng để đảm bảo nguồn tuyển đầu vào đối với khối trường quân đội. Do đó cần phải tổ chức chặt chẽ việc sơ tuyển và ĐKDT ở các đơn vị, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh ĐKDT, không ngừng nâng cao chất lượng và hồ sơ nguồn ĐKDT. Tổ chức khám sức khỏe, xác minh chính trị, lập hồ sơ ĐKDT cho thí sinh đúng quy định. Ban tuyển sinh Quân sự (TSQS) các cấp phải kiên quyết ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra trong khâu sơ tuyển và lập hồ sơ ĐKDT.

Để hiện thực hóa viện này, Bộ Quốc phòng yêu cầu thí sinh phải trực tiếp đến ban TSQS cấp huyện (đối với thanh niên ngoài quân đội), đơn vị cấp trung đoàn hoặc tương đương (đối với quân nhân đang tại ngũ) đăng ký, tự mình viết kê khai các mẫu biểu, hồ sơ tuyển sinh; trực tiếp nộp hồ sơ ĐKDT theo đúng thời gian quy định; Ban TSQS cấp huyện và đơn vị cấp trung đoàn tổ chức hướng dẫn viết kê khai hồ sơ, đối chiếu ảnh với người thực, thu và ký xác nhận hồ sơ theo đúng quy trình. Riêng đối với quân nhân, các đơn vị lựa chọn những người có nguyện vọng và chất lượng tốt đi dự thi, kiên quyết loại ra những quân nhân chất lượng thấp đi dự thi.

Cán bộ chuyên trách tuyển sinh cấp huyện hoặc đơn vị cấp trung đoàn chịu trách nhiệm giám sát việc dán ảnh của thí sinh vào hồ sơ đăng ký dự thi, đồng thời thu hồ sơ đăng ký dự thi ngay sau khi thí sinh dán ảnh xong.

“Bộ Quốc phòng sẽ quy trách nhiệm với người đứng đầu Ban TSQS huyện (quận, thị xã), đơn vị và cán bộ trực tiếp làm công tác tuyển sinh nếu làm thủ tục ĐKDT cho thí sinh không đủ tiêu chuẩn, hoặc để cho gia đình thí sinh và thí sinh lợi dụng làm sai lệch hồ sơ nhằm mục đích cho người khác thi hộ, thi kèm hoặc các hiện tượng tiêu cực khác có xuất phát từ việc làm sai lệch hồ sơ tại nơi ĐKDT” - Đại tá Nguyễn Đức Thắng cho biết.

Cũng theo Đại tá Thắng thì các trường sẽ tổ chức xét duyệt hồ sơ nghiêm túc, đúng quy định, thành phần tổ xét duyệt phải có cán bộ chuyên trách ngành bảo vệ, thanh tra… có nghiệp vụ để kịp thời phát hiện những hồ sơ có nghi vấn gian lận về tổ chức kiểm tra, xác minh ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế

Theo quan điểm của Cục Nhà trường thì công tác coi thi vẫn là một khâu cần được tăng cường trong quy trình tuyển sinh cần phải tiếp tục có các giải pháp kiên quyết. Để làm tốt công tác này, Ban tuyển sinh Quân sự - Bộ Quốc phòng đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các trường cần kiểm tra, bố trí đủ nhân lực và cơ sở vật chất đảm bảo mọi điều kiện cần thiết cho kì thi, đặc biệt là bảo đảm trật tự, an toàn tại các phòng thi, điểm thi.

Lựa chọn cán bộ có năng lực làm nhiệm vụ tuyển sinh, chú ý khâu lựa chọn cán bộ coi thi là những người có chất lượng tốt (không dùng học viên là hạ sĩ quan coi thi, mỗi phòng thi phải bố trí tối thiểu một cán bộ coi thi là giáo viên), tổ chức tập huấn kỹ cho cán bộ coi thi và các thành viên, đặc biệt là quy trình thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân của từng thành viên làm công tác coi thi, những kinh nghiệm và biện pháp phát hiện thí sinh gian lận trong kì thi, đặc biệt là việc thi hộ, thi kèm; chỉ cho phép những cán bộ đã được tập huấn, nắm chắc quy chế, nhiệm vụ, quy trình mới được làm nhiệm vụ coi thi.

Trung tướng Nguyễn Đức Tỉnh - Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) cho hay: Hàng năm chúng tôi đã yêu cầu các nhà trường thông báo đầy đủ các nội dung quy định của quy chế thi cho thí sinh, tuyệt đối không được mang tài liệu, vật dụng trái phép vào phòng thi. Phát huy trách nhiệm của công tác thanh tra, kiểm tra; cán bộ thanh tra giám sát điểm thi tăng cường đôn đốc, nhắc nhở cán bộ coi thi xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế, đồng thời xử lý ngay các trường hợp các bộ coi thi không làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

“Nếu để cho người khác vào thi hộ thí sinh, hoặc để cho thí sinh thi kèm và các hiện tượng gian lận khác xảy ra trong kì thi mà không phát hiện được thì chúng tôi sẽ quy trách nhiệm với Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường, cán bộ coi thi, cán bộ liên quan” - Cục trưởng Cục Nhà trường bày tỏ sự cương quyết về chống tiêu cực trong thi cử.

Nguyễn Hùng
Nguồn: dantri.com.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang