Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Bối rối khi tính điểm ưu tiên nhân hệ số

16/08/2014

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố cách tính điểm ưu tiên tuyển sinh mới với các ngành có nhân hệ số môn thi chính, nhiều trường đã phải tính lại điểm chuẩn, phát sinh nhiều rắc rối cho cả nhà trường lẫn thí sinh. 

Nhiều thí sinh tăng điểm

Nhiều trường ĐH cho biết, sau khi áp dụng công thức nhân hệ số điểm ưu tiên cho thí sinh (TS) thi vào ngành có nhân hệ số môn thi chính, so với phương án điểm chuẩn dự kiến, có nhiều TS được tăng điểm và trúng tuyển vào trường.

Ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Nội, cho biết từ nhiều năm nay trường đã nhân hệ số môn ngoại ngữ cho nhiều ngành học nhưng vẫn tính điểm ưu tiên theo quy chế. Năm nay, sau khi Bộ yêu cầu những ngành nhân hệ số môn thi phải nhân hệ số điểm ưu tiên thì trường phải tính lại danh sách TS trúng tuyển. Vì vậy, có khoảng hơn chục TS được tăng điểm nên trúng tuyển. Tuy nhiên, trường không có em nào đã thuộc diện trúng tuyển phải rớt do quy định mới, bởi khi xây dựng điểm chuẩn trường đã tính đến một tỷ lệ an toàn.

Học viện Tài chính năm nay cũng phải làm lại danh sách trúng tuyển cho một ngành nhân hệ số môn tiếng Anh. Theo ông Ngô Thế Chi, Giám đốc học viện, thì ngành này đã có khoảng 3 - 4 TS tăng điểm và trúng tuyển.

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có tới 21 TS nằm trong trường hợp trên do cách tính điểm ưu tiên theo công thức mới. Đó là những TS dự thi 2 ngành có môn thi chính là ngôn ngữ Anh (tiếng Anh nhân hệ số 2), công nghệ kỹ thuật hóa học (môn hóa nhân hệ số 2).

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM áp dụng cách tính điểm ưu tiên mới cho tất cả 11 ngành nhân hệ số 2 môn thi chính. So với phương án điểm chuẩn dự kiến trường công bố trước đó, số TS trúng tuyển tăng thêm là hơn 40 ở tất cả các ngành. Do vậy, hội đồng tuyển sinh của trường không thay đổi phương án điểm chuẩn. Lý giải những con số này, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết theo phương án dự kiến điểm chuẩn được xác định trên cơ sở kết quả thi đã làm tròn của TS. Nay theo phương án mới, điểm thi phải tính trên cơ sở chưa làm tròn để chỉ làm tròn một lần sau khi nhân hệ số điểm ưu tiên. Do vậy, sự chênh lệch điểm thi của TS trước và sau khi có phương án mới không nhiều. Từ thực tế trường mình, tiến sĩ Hạ nhấn mạnh chủ yếu TS chỉ được hưởng ưu tiên tuyển sinh ở mức 1,5 điểm và sau khi nhân hệ số điểm ưu tiên chỉ nhích lên 0,5 điểm. Còn ở mức ưu tiên tối đa theo quy chế 3,5 thì rất hiếm TS đạt được.

Trường thực hiện, trường không

Điều rắc rối là khi ban hành quy định mới thì có trường thực hiện có trường không do trước đó có trường công bố môn thi chính, có trường không.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết: “Trường có các ngành sư phạm ngôn ngữ nhân hệ số 2 môn ngoại ngữ. Mặc dù trường không công bố đây là môn thi chính nhưng sau khi có quy định của Bộ, trường cũng đã nhân hệ số điểm ưu tiên cho TS và có khoảng 4 - 5 trường hợp từ rớt thành đậu”.

Trong khi đó, vẫn có những trường giữ nguyên cách tính ưu tiên cũ cho các ngành nhân hệ số.

Trường ĐH Văn Lang năm nay tuyển sinh 7 ngành có môn thi nhân hệ số, gồm: thiết kế công nghiệp, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, kiến trúc và ngôn ngữ Anh. Khi công bố điểm chuẩn, trường này cho biết do đã công bố việc nhân hệ số trước khi Bộ có công văn về xác định môn thi chính nên trường vẫn giữ cách tính ưu tiên như trước đây. Nghĩa là, các TS thi và xét tuyển vào trường này các ngành trên sẽ không được nhân hệ số điểm ưu tiên như TS thi vào các ngành có môn thi chính của các trường khác.

 Tương tự, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng cũng có 6 ngành nhân hệ số 2 các môn năng khiếu gồm: thiết kế công nghiệp, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, công nghệ điện ảnh - truyền hình, kiến trúc và giáo dục thể chất. Với các ngành này, trường cũng xác định điểm ưu tiên theo cách cũ, tức không nhân hệ số. Theo cách lý giải của nhà trường, do năm nay trường không đăng ký môn thi chính với Bộ nên đây không gọi là môn thi chính, chỉ là nhân hệ số các môn năng khiếu bình thường.

Trao đổi với Thanh Niên ngày 14.8, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho rằng xét một cách sòng phẳng thì khi có một trong số 3 môn nhân hệ số 2 thì việc nhân hệ số ưu tiên là đúng. Theo ông Nghĩa, môn nào nhân đôi thì đó là môn thi chính, dù môn đó là năng khiếu hay không. Tuy nhiên, vấn đề còn lùng nhùng ở đây là có trường đã đăng ký môn thi chính và trường chưa đăng ký theo quy định của Bộ.

Tính theo cách mới hay cũ đều được !

Cuối ngày 14.8, Bộ GD-ĐT lại công bố quy định về việc xác định mức điểm xét tuyển cơ bản cho các khối thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014 và điểm xét tuyển đối với trường, ngành quy định môn thi chính.

Trao đổi với PV Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nói quy định mới này cho phép các trường có môn thi chính có thể thực hiện theo cách tính mới hoặc vẫn giữ nguyên cách tính cũ là không nhân hệ số điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.

Vũ Thơ - Hà Ánh
Nguồn: thanhnien.com.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang