Ra đề bài tuyển sinh cho các trường
Cải cách tuyển sinh và thay đổi đầu tư cho giáo dục là nội dung của cuộc họp ngày 4/10 giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận với lãnh đạo UBND TP.HCM cùng hiệu trưởng để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020.
Đối xử với tuyển sinh "ba chung" như thế nào?
Ông Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho rằng nên khai tử việc tuyển sinh “ba chung” sau 10 năm thực hiện vì nó đã quá già nua.
"Chất lượng giáo dục ĐH đã giao cho các trường sàng lọc trong quá trình đào tạo và đầu ra thì cớ gì Bộ “ôm” đầu vào làm chi cho cực khổ!", báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông.
Ông Lê Bảo Lâm, Hiệu trưởng ĐH Mở TP.HCM thì cho rằng việc thi theo các khối A, B, C, D như hiện nay đã không còn phù hợp với yêu cầu đào tạo của từng ngành.
Trong khi đó, ông Võ Tấn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Y dược TP.HCM, kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có lộ trình để thay đổi các môn thi cho phù hợp với từng ngành đào tạo ĐH, tờ Thanh Niên cho biết.
Tuy nhiên, ông Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TP.HCM nói rất khó bỏ “ba chung” vì đã làm 10 năm nay rồi, khi bỏ phải có cách thay thế khác nhưng hiện nay chưa có cách nào.
Bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM phân tích thêm: Không phải các trường ĐH, các ngành đào tạo đều cần phải thi đầu vào. Mỗi trường ĐH có cơ chế sàng lọc tự thân trong quá trình đào tạo, để đảm bảo chất lượng đầu ra. Đây mới là điều quan trọng. Vì vậy, có ngành cần phải thi đầu vào, có ngành không cần phải thi mà thí sinh chỉ cần đăng ký và được xét tuyển theo học.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Bộ sẵn sàng lắng nghe góp ý phương thức tuyển sinh khác “ba chung” từ các trường. Khi chúng ta thống nhất được phương án tuyển sinh nào ít tốn kém, có lợi cho thí sinh, đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ thực hiện. Và phương án tuyển sinh làm như thế nào để không lập lại việc bắt học sinh đi học luyện thi, công khai để toàn xã hội giám sát và phải an toàn.
Đừng để giáo viên phải xoay xở với cơm gạo áo tiền
Những nhà lãnh đạo giáo dục trăn trở với bức xúc hiện nay nhất mà xã hội đồng tình là vấn đề tiền lương của giáo viên.
Ông Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, cho rằng: Muốn thầy và trò cùng khám phá, phát huy cả tâm lực và trí lực thì Nhà nước phải có chế độ đãi ngộ họ, giáo dục bây giờ trông vào sự đóng góp của nhân dân để phát triển thì không ổn lắm, báo Pháp luật thành phố ghi lời ông.
TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM thẳng thắn: Tôi thấy giáo dục đang được đầu tư giả chứ không thật. Đầu tư có đầu tư thật thì mới có dạy thật, ngân sách phân bổ chỉ đủ về mặt hành chính mà không có đủ để giáo viên trang trải đời sống. Hãy mạnh dạn đầu tư xứng tầm với “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đừng để giáo viên phải trồi đạp, xoay xở với cơm áo gạo tiền từ các khoản đóng góp này nọ của phụ huynh.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng: Muốn phát triển nâng cao chất lượng giáo dục cần phải quan tâm đến đội ngũ thầy cô giáo, phải luôn coi giáo viên là linh hồn và trái tim của nhà trường. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, trường ĐH cũng như một rạp hát nếu chương trình hay, diễn viên giỏi thì khán giả sẽ đến đông. Ở trường ĐH cũng vậy phải có môi trường làm việc tốt, chính sách đãi ngộ tốt thì mới giữ chân được giáo viên, báo Thanh Niên dẫn lời ông.
Việc tuyển sinh ở các trường sư phạm đang suy giảm cũng là một vấn đề nêu lên tại cuộc họp. Ông Võ Tấn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM nói: Tuyển sinh sư phạm ở các trường ĐH đang suy giảm chất lượng, cần bàn tay điều hành của Nhà nước và phải coi sư phạm là “máy cái”. Bộ nên kiến nghị nhà nước đặc biệt ưu tiên đầu tư trọng điểm cho các trường sư phạm. Đầu tư tốt nhất và trả lương cao nhất cho ngành sư phạm để khuyến khích người giỏi vào ngành sư phạm.
Chính vì đồng lương không thoả đáng nên cũng dẫn tới hiện tượng giảng viên các trường ĐH “đinh” chạy sô quá nhiều vì ở nơi đó không ai kiểm tra, đánh giá họ và có thu nhập cao, ổn định. Nhiều hiệu trưởng lo ngại giảng viên mà lo đi dạy ngoài nhiều sẽ xuống cấp về chất lượng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho rằng: các trường ĐH đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ là để cả xã hội thụ hưởng chứ không riêng ĐH, nơi đào tạo họ thụ hưởng. Vì vậy, không có chuyện giảng viên đi dạy thêm ở các trường tư phải xin phép hiệu trưởng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nói: Hiện nay các trường phổ thông và cả ĐH đang thừa giáo viên, giảng viên kém chất lượng trong khi các thầy giáo giỏi, tâm huyết thì thiếu. Bộ khuyến khích các trường mở rộng cho giảng viên tham gia giảng dạy, hợp tác nhưng các trường cần có nội lực, tự xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu cho mình.
Tú Uyên (tổng hợp)
Nguồn: Vietnamnet.vn