Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Chi tiền tỉ vẫn ế sinh viên

Nhiều trường ĐH đầu tư hàng chục tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị cho các ngành kỹ thuật nhưng những ngành này vẫn “teo tóp” dần vì khó tuyển sinh.

 

Năm nay, nhiều ngành kỹ thuật tại các trường ĐH ngoài công lập, ĐH địa phương đều phải tuyển nguyện vọng (NV) 3 nhưng số hồ sơ đăng ký rất thưa thớt. Nhiều trường ĐH công lập cũng phải chấp nhận đào tạo thiếu do sinh viên chê các ngành này.

 

Tuyển ngang sàn: Vẫn khó

 

Trường ĐH Hùng Vương TPHCM xét tuyển trên 700 chỉ tiêu NV3, chủ yếu là các ngành kỹ thuật. Đây cũng là những ngành trường hồi hộp chờ đợi thí sinh nhất. Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình, trưởng phòng đào tạo, cho biết trường khó tuyển đủ chỉ tiêu vì đến nay, tổng hợp cả  3 NV, ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng mới tuyển được 10 sinh viên, ngành công nghệ thông tin chỉ tuyển được 20 sinh viên, ngành công nghệ sau thu hoạch tuyển được 30 sinh viên.

 

Tại Trường ĐH Văn Hiến, sau khi tuyển 2 NV, các ngành kỹ thuật chỉ tuyển được khoảng 20-30 sinh viên/ngành. Trường này phải xét tuyển 140 chỉ tiêu NV3 cho hai ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử-truyền thông. Do khó tuyển, trường phải tuyển cả thí sinh các khối A, B và D1, 2, 3, 4, 5, 6 nhưng số lượng hồ sơ rất ít nên chắc chắn phải đào tạo trong tình trạng thiếu sinh viên. Ngày 30-9, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Cửu Long, cho biết trường chính thức ngừng đào tạo 2 ngành học: kỹ thuật cơ khí và kỹ thuật điện tử do chỉ tuyển được khoảng 10 sinh viên/ngành.

 

Các trường ĐH công lập cũng gặp không ít khó khăn trong tuyển sinh. Tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM… điểm chuẩn các ngành kỹ thuật hầu hết chỉ bằng điểm sàn nhưng nhiều ngành vẫn không tuyển đủ dự kiến.

 

Đau đầu vì bù lỗ

 

Nghịch lý giữa đầu tư trang thiết bị hiện đại với số lượng sinh viên theo học thưa thớt đang khiến lãnh đạo nhiều trường đau đầu.

 

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết hằng năm, trường chi hơn 10 tỉ đồng để mua sắm thiết bị phục vụ cho việc thực hành, thực tập của sinh viên. Riêng ngành hóa thực phẩm, trước khi thành lập, trường phải đầu tư 8 tỉ đồng để trang bị máy móc. Công nghệ in cũng là một trong những ngành phải đầu tư thiết bị hiện đại tốn kém cả chục tỉ đồng nhưng thực tế vẫn rất khó tuyển. Ông Dũng băn khoăn: “Học phí các ngành kỹ thuật không cao mà sinh viên vẫn không mặn mà, chẳng biết bao giờ mới hòa được vốn?”.

 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình cũng cho biết Trường ĐH Hùng Vương vừa đầu tư 500 triệu đồng mua sắm thiết bị đa phương tiện cho ngành công nghệ thông tin. Hầu như năm nào trường cũng phải đầu tư 500-600 triệu đồng mua sắm thiết bị ngành kỹ thuật nhưng cuối cùng vẫn vắng bóng sinh viên, gây lãng phí lớn.

 

Làm cực, lương thấp?

 

Lý giải nguyên nhân khó tuyển sinh khối ngành kỹ thuật, đại diện nhiều trường đều quy về việc xã hội vẫn quan niệm các ngành kỹ thuật học mệt - làm cực - lương không cao.

 

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình, có thể cường độ làm việc của các ngành kỹ thuật căng, trong khi nhiều ngành khác khi đi làm công việc nhẹ nhàng mà lương cao hơn nên sinh viên “ngại”. PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng thông tin về các ngành kỹ thuật đến với người học còn ít, do vậy chưa thể xóa được quan niệm chê ngành kỹ thuật, mê ngành kinh tế.

 

Kiên trì mục tiêu chất lượng

 

Đứng trước khó khăn, các trường đào tạo khối ngành kỹ thuật đành phải tự thân vận động. Theo GS-TS Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, trường đã từng bước đổi mới phương thức đào tạo theo hướng nâng cao khả năng làm việc đồng thời thu hút các dự án để sinh viên có cơ hội thực tập, thực hành. “Phải chứng minh với xã hội bằng thực tế khả năng làm việc của sinh viên”- ông Lộc nhấn mạnh.

 

PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho biết trường đã yêu cầu chủ nhiệm khoa, giảng viên phải tìm mọi cách tư vấn, đưa thông tin tới học sinh bằng cách lập trang web, facebook… để xã hội hiểu hơn về các ngành kỹ thuật. Ngoài ra, trường khuyến cáo giảng viên cần nhìn nhận thực tế là nếu để các ngành này “teo” dần, buộc phải giải thể thì giảng viên có thể bị thất nghiệp. Cũng theo ông Dũng, các trường đào tạo kỹ thuật phải kiên trì với mục tiêu chất lượng, thương hiệu. Nếu sinh viên ra trường làm việc tốt, nắm nhiều vị trí chủ chốt thì dần dần phụ huynh, thí sinh sẽ có cách nhìn khác về các ngành kỹ thuật.

 

Thiếu giảng viên ngành kỹ thuật

 

PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho biết hiện một số trường còn không tuyển được giảng viên các ngành kỹ thuật. Thực tế là có những trường có được dự án, mua sắm thiết bị nhưng cuối cùng thiếu cả thầy lẫn thợ nên đành phải “trùm mền”.

 

Đại diện các trường cho rằng các ngành kỹ thuật công nghệ chính là nền tảng phát triển bền vững của đất nước. Nếu ai cũng lao vào các ngành kinh tế sẽ dẫn đến sự mất cân đối trầm trọng trong quá trình phát triển. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đối với sinh viên, giảng viên các ngành kỹ thuật, tạo động lực để họ đến với những ngành học này.

 

Thùy Vinh

03/10/2011 – nld.com.vn

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang