Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Bùng nổ đại học và hệ quả - Bài 3: Bất ổn lớn dần

Sự ra đời của các trường đại học (ĐH) ngoài công lập trong suốt 22 năm qua đã góp phần giải quyết nhu cầu học tập to lớn của xã hội trong khi hệ thống trường ĐH công lập và ngân sách nhà nước chưa gánh vác nổi. Số sinh viên các trường ngoài công lập đã chiếm trên 14% tổng số sinh viên cả nước; quy mô, ngành nghề đào tạo của các trường cũng ngày một đa dạng và mở rộng… Tuy nhiên, những bất ổn giữa số lượng và chất lượng của loại hình trường này ngày càng ẩn chứa nhiều nguy cơ.

 

Học phí, quy mô đào tạo nhảy múa

 

Chưa tính đến mức học phí từ năm 2008 trở về trước, chỉ cần nhìn lại mức học phí từ năm 2009 đến năm 2011 của các trường công khai trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ” theo quy định của Bộ GD-ĐT, sẽ thấy tăng chóng mặt như thế nào. Năm 2009, mức học phí cao nhất của các trường ngoài công lập bình quân ở mức 5-7 triệu đồng/năm, sang năm 2011 mức học phí thấp nhất là 8 triệu đồng/năm. Năm 2010, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM có mức học phí 11,3 - 11,5 triệu đồng/năm, năm nay tăng lên 13,225 triệu đồng cho năm thứ nhất (những năm tiếp theo sẽ tiếp tục tăng).

 

Trường ĐH Văn Lang học phí cao nhất là 14 triệu đồng/năm (cao hơn  2 triệu đồng so với năm 2010). Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, học phí năm 2010 trung bình 8 triệu đồng/năm, năm nay tăng lên 12 triệu đồng/năm. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM từ 55 triệu đồng/năm tăng lên 69 triệu đồng/năm, chưa kể học phí tiếng Anh.

 

Trong khi đó, nhiều trường khác có mức học phí nhảy múa càng khủng khiếp hơn. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, học phí chia làm hai chương trình: Chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt 41,8  – 48 triệu đồng/năm; chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh: 108 – 119 triệu đồng/năm. Trường ĐH Hoa Sen học phí năm 2010 là 19 - 22,5 triệu đồng/năm, năm nay tăng lên 30 - 33 triệu đồng/năm.

 

Cùng với việc tăng học phí, quy mô đào tạo của nhiều trường ngoài công lập sau nhiều năm thành lập đã phát triển ngang hàng, thậm chí vượt mặt những trường công lập lâu năm. Chỉ tính riêng tại TPHCM, các trường ĐH Ngoại ngữ Tin học, ĐH Văn Hiến, ĐH Hùng Vương, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Kỹ thuật Công nghệ, ĐH Quốc tế Hồng Bàng dù tuổi đời không bằng các trường ĐH công lập nhưng có quy mô không dưới 20.000 học sinh, sinh viên, học viên mỗi trường.

 

Chỉ cần so sánh chỉ tiêu từ 4 hoặc 5 năm trở lại đây, chắc chắn ai cũng giật mình với quy mô đào tạo của nhiều trường ngoài công lập. 

 

Cơ sở mướn, giảng viên thuê

 

Khó khăn lớn nhất của những trường ngoài công lập là cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ cán bộ quản lý và nhất là đội ngũ giảng viên.

 

Báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: “Nhìn chung ở các trường ngoài công lập, số giảng viên cơ hữu thường rất thấp, chủ yếu là giảng viên thỉnh giảng. Ở nhiều trường, số giảng viên thỉnh giảng gấp 2 lần số giảng viên cơ hữu. Thậm chí có trường chỉ có 53 giảng viên cơ hữu trong khi giảng viên thỉnh giảng lên đến 375 người”.

 

Đáng nói hơn, nhiều trường còn mượn qua mượn lại danh sách giảng viên thỉnh giảng, thậm chí giảng viên cơ hữu, trong đó tập trung vào các giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Do đó mà có nhiều trường, giảng viên dạy tới 1.000 tiết/năm trong khi quy định chỉ là 26 tiết/năm.

 

Trong khi đó, vấn đề cơ sở vật chất, một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình đào tạo cũng chỉ nằm trên giấy. Sau 15 năm thành lập, Trường ĐH Dân lập Hùng Vương có quy mô đào tạo hiện nay khoảng 20.000 sinh viên, học sinh. Thế nhưng đến nay, trụ sở chính tại số 736 Nguyễn Trãi, quận 5, TPHCM (thực tế cũng là đất thuê) vẫn chưa đưa vào sử dụng.

 

Còn các cơ sở khác của trường tại 342 bis Nguyễn Trọng Tuyển (quận Tân Bình), 239 Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận) và 146 Võ Thị Sáu (quận 3) đều là cơ sở thuê. Cũng đã gần 15 năm thành lập, qua 3 đời hiệu trưởng nhưng đến nay Trường ĐH Văn Hiến vẫn phải cho sinh viên học tạm tại 4 cơ sở thuê mướn. Trong khi đó, các trường như ĐH Hoa Sen, ĐH Kinh tế Tài chính có học phí cao ngất ngưởng nhưng vẫn đi thuê nơi đào tạo.

 

Thương mại hóa giáo dục

 

Với những trường ngoài công lập, nguồn thu chính là học phí nên hễ có người học là có nguồn thu. Do đó, bằng mọi giá, kể cả xé rào, vượt chỉ tiêu, chấp nhận đóng phạt, các trường cứ thế cố sức... để được phạt. Và với học phí mà các trường thu như hiện nay, thậm chí chỉ cần học phí của 1 sinh viên cũng dư sức để các trường đóng phạt cho Bộ GD-ĐT.

 

Chỉ tiêu tăng, học phí liên tục nhảy múa, chi cho giảng viên cơ hữu ít, không đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chắc chắn trị giá tài sản của các trường đều tăng. Và thực tế, số tiền dôi ra của các trường tăng đều qua mỗi năm, ngày càng phình to và đáng nói nhất là nguồn vốn bổ sung từ lợi nhuận tăng cao nhất.

 

Đơn cử như Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, theo tài liệu của kiểm toán Nhà nước, trị giá tài sản của trường ở thời điểm đầu năm 2008 là 19,4 tỷ đồng, sang năm 2009 lên thành 22,1 tỷ đồng. Đến năm 2010 số tiền đã lên thành 30,16 tỷ đồng và năm 2011 vọt lên thành 40,4 tỷ đồng…

 

Đây là điều đáng báo động. Bởi lẽ nếu lợi nhuận từ hoạt động giáo dục không được tái đầu tư thích đáng cho đào tạo, sẽ dẫn đến nguy cơ tăng tài sản cá nhân của một số người và hiển nhiên khó tránh khỏi thương mại hóa trong giáo dục. Tuy nhiên, chúng ta không nên ác cảm với vấn đề lợi nhuận vì khi đầu tư vào giáo dục hay bất cứ lĩnh vực nào, nhà đầu tư cũng tính đến lợi nhuận.

 

Điều cốt lõi để ngăn chặn việc thương mại hóa giáo dục, mà thực tế đã có chuyện mua bán trường ĐH ngoài công lập, là phải có chính sách để quản lý thích hợp, khuyến khích và hướng loại hình này phát triển theo đúng quỹ đạo. Dư luận đang kỳ vọng Luật Giáo dục ĐH ra đời sẽ giải quyết được những bất cập trên.

 

Dù Bộ GD-ĐT đã ban hành các tiêu chí, quy định về căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng trong nhiều trường hợp việc giao chỉ tiêu tuyển sinh tỏ ra thiếu công bằng. Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ vấn đề này: “Nhiều trường công lập có truyền thống, đội ngũ giảng viên mạnh, cơ sở chật chất khá được giao chỉ tiêu bằng một nửa hoặc 2/3 trường ngoài công lập”. Vô tình, sự rộng rãi này của Bộ GD-ĐT đã vẽ đường cho các trường đua nhau tăng chỉ tiêu.

 

Thanh Hùng

16/09/2011 – sggp.org.vn

 

Bài 1: Thừa trường, thiếu người học

Bài 2: Những cuộc đua số lượng

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang