Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Nhiều ý kiến băn khoăn về phần mềm tuyển sinh đại học năm 2022

06/07/2022

Đại diện Viettel - đơn vị phát triển phần mềm - cho rằng việc cập nhật thay đổi phần mềm cần phải có thời gian.

Đại diện các trường đại học đã trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những băn khoăn liên quan tại hội nghị tập huấn sử dụng phần mềm hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung và phần mềm cổng thông tin tuyển sinh năm 2022.

Chương trình hội nghị do trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trong hai ngày 4 và 5/7 với sự tham gia hơn 500 đại biểu đến từ các Sở Giáo dục và trường đại học, cao đẳng từ Đà Nẵng trở vào.

Lệ phí xét tuyển giảm 5.000 đồng so với năm trước

Tiến sĩ Phạm Như Nghệ - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hội nghị được tổ chức với mục đích thống nhất các điểm mới của quy chế tuyển sinh trên toàn hệ thống và những điểm mới về phần mềm tuyển sinh và cổng thông tin tuyển sinh.

Công tác tuyển sinh năm 2022 về cơ bản giữ ổn định như những năm qua, nhưng tiếp tục cải thiện, đổi mới về mặt kỹ thuật tuyển sinh. Cụ thể, theo thông tư 06, các thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng tại Cổng thông tin chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, lệ phí tuyển sinh sẽ được chuyển sang hình thức thu trực tuyến, các trường có thể công bố trúng tuyển xét tuyển sớm cho các thí sinh và đăng tải lên cổng thông tin của Bộ Giáo dục.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học lệ phí đăng ký xét tuyển năm nay là 20.000 đồng/nguyện vọng, giảm 5.000 đồng so với năm trước. Thí sinh từ Huế trở ra sẽ chuyển khoản lệ phí xét tuyển cho trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Thí sinh từ Đà Nẵng trở vào chuyển khoản cho Học viện Bưu chính viễn thông tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hai đơn vị này sẽ tiếp nhận và điều phối kinh phí cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học.

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, năm nay có 879.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trong khi chỉ tiêu tuyển của các trường là 550.000. Số thí sinh đăng ký xét tuyển tăng rất nhiều so với 790.000 thí sinh năm 2021 và 650.000 của năm 2020.

Nhiều băn khoăn về phần mềm tuyển sinh

Điểm đổi mới của kỳ tuyển sinh năm nay chính là việc đăng ký xét tuyển, lọc ảo, xác nhận nhập học đều được thực hiện trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, các đại biểu tham dự hội nghị tập huấn đặt nhiều câu hỏi băn khoăn về phần mềm của hệ thống tuyển sinh năm 2022.

Trong phần trao đổi vào ngày 5/7, đại diện Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cho các trường xuất tệp danh mục ngành lên hệ thống vì hiện nay phải thực hiện thủ công gõ tên ngành, mã ngành, phương thức xét tuyển…

Đại diện Viettel - đơn vị phát triển phần mềm - cho rằng việc cập nhật thay đổi phần mềm cần phải có thời gian. Phía Viettel ghi nhận và sẽ đánh giá, thông báo có thể cập nhật dữ liệu từ tệp được hay không.

Trong khi đó, đại diện của trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cũng thắc mắc thí sinh xét học bạ đủ điều kiện trúng tuyển nhưng khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ Giáo dục, liệu thí sinh có được đổi ngành, đổi phương thức, tổ hợp, thậm chí không đăng ký vào ngành đã đủ điều kiện trúng tuyển hay không.

Chia sẻ vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Như Nghệ cho rằng thí sinh có toàn quyền đăng ký xét hay không xét vào ngành đã được xét. Tuy nhiên, do thời hạn xét tuyển đã kết thúc nên thí sinh không thể đổi ngành, phương thức, tổ hợp khi đăng ký xét tuyển trừ trường hợp đó là đợt xét tuyển khác của trường.

Để đảm bảo quyền lợi thí sinh, ông Nghệ cũng khuyến cáo thí sinh cần sử dụng một số chứng minh nhân dân hay căn cước công dân xuyên suốt quá trình đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển.

Theo ông Nghệ, tại thời điểm đăng ký dự thi, có thể thí sinh chỉ có chứng minh nhân dân 9 số, sau đó lại có căn cước công dân 12 số. Thí sinh khi đăng ký xét tuyển phải sử dụng số chứng minh nhân dân đã đăng ký trước đó để tránh thông tin sai lệch, ảnh hưởng quyền lợi của mình.

Cũng tại hội nghị, rất nhiều ý kiến từ các trường băn khoăn về việc xét tuyển với những thí sinh đăng ký xét tuyển sớm không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu các trường mỗi thí sinh chỉ được xét trúng tuyển một phương thức vào một ngành dù thí sinh đăng ký nhiều phương thức khác nhau.

Nhiều trường đại học cho biết không ít thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều phương thức vào một ngành trong cùng trường. Nếu chỉ xét trúng tuyển một phương thức, thí sinh sẽ thắc mắc về quyền lợi của mình. Trong trường hợp thí sinh đủ điều kiện vào nhiều ngành cùng trường thì như thế nào?

Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng phòng đào tạo trường Đại học Nha Trang kiến nghị rằng nên xét trúng tuyển toàn bộ các phương thức để thí sinh lựa chọn, đảm bảo các quyền lợi sau này của thí sinh như xét thủ khoa đầu vào, học bổng.

Trao đổi về những băn khoăn này, ông Phạm Như Nghệ cho biết thí sinh trúng tuyển nhiều phương thức nhưng cuối cùng cũng chỉ chọn một. Do đó trường chỉ xét thí sinh trúng tuyển một phương thức để gửi dữ liệu về bộ và thông báo trúng tuyển có điều kiện theo phương thức đó để thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống. Như vậy phần mềm tuyển sinh đỡ phải chỉnh sửa, quyền lợi thí sinh vẫn đảm bảo.

Trong khi đó, thí sinh được xét trúng tuyển nhiều ngành cùng một trường cũng khiến trường lo lắng về tỉ lệ ảo. Đại diện trường Đại học Quy Nhơn cho rằng nếu thí sinh trúng tuyển nhiều ngành cùng trường, khi đăng ký nếu quá nhiều thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành nào đó dẫn đến vượt chỉ tiêu thì sẽ xử lý thế nào?

Theo Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, toàn bộ thí sinh đã được trường xét trúng tuyển có điều kiện nếu đăng ký xét tuyển trên hệ thống phải được trúng tuyển chính thức sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trường có thể gọi trúng tuyển bao nhiêu cũng được miễn thí sinh nhập học không vượt chỉ tiêu.

Lê Phương
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-y-kien-ban-khoan-ve-phan-mem-tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2022-post227788.gd

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]