Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Nhiều phương thức tuyển sinh, nên chọn thế nào?

17/04/2019

Chưa bao giờ các trường đại học đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh như năm nay, có trường đồng thời áp dụng đến 6 phương thức. Thí sinh nên lựa chọn thế nào?

Theo TS Trần Thế Hoàng - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, mùa tuyển sinh năm 2019 phương thức xét tuyển của các trường phong phú hơn mọi năm. Do đó, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để có thể lựa chọn phương thức phù hợp, tăng cơ hội trúng tuyển.

Hơn 10 phương thức khác nhau

Đến thời điểm này, các trường ĐH trên cả nước đều đã công bố đề án tuyển sinh chính thức. Theo thống kê, hiện có hơn 10 phương thức tuyển sinh khác nhau được các trường áp dụng trong năm nay. Hầu hết các trường đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia và các phương thức kết hợp khác.

ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM còn sử dụng phương thức xét tuyển bằng các chứng chỉ quốc tế. ĐH Quốc gia TP.HCM còn tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực (tháng 3 và tháng 7), sử dụng kết quả từ kỳ thi này tuyển đến 40% chỉ tiêu và có gần 30 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.

Nhiều trường khác tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, trong đó Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức kiểm tra năng lực xem như một trong những tiêu chí bắt buộc để tuyển sinh.

Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) hiện là trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh nhất với việc áp dụng đồng thời 6 phương thức: kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 (theo khối); học sinh giỏi các trường THPT theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM; tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; thi tuyển - kỳ kiểm tra năng lực do trường tổ chức; xét tuyển học bạ đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh VN học chương trình THPT nước ngoài; xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Trong khi đó, đây là năm đầu tiên Trường ĐH Ngoại thương áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT.

Đối tượng để thực hiện xét tuyển kết hợp là học sinh các lớp chuyên toán, lý, hóa, văn và ngoại ngữ của các trường THPT chuyên toàn quốc tốt nghiệp năm 2019, có hạnh kiểm các năm THPT đạt từ khá trở lên.

Điều kiện xét tuyển được thực hiện dựa trên việc thí sinh đạt kết quả học tập bậc THPT và có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ phù hợp theo quy định với từng chương trình đào tạo.

Chỉ trúng tuyển bằng một phương thức

Nhiều trường ĐH khác áp dụng phương thức xét tuyển từ học bạ, từ kết quả thi THPT quốc gia, kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu...

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho biết thêm đối với xét tuyển học bạ, có trường chỉ xét học sinh trường chuyên tốp 100 hoặc tốp 200.

"Thí sinh cần tìm hiểu trường mình thuộc tốp nào để nộp hồ sơ xét tuyển cho chính xác, nếu trường không nằm trong tốp này mà thí sinh đăng ký xét tuyển sẽ không hợp lệ. Ngoài ra, còn có nhiều trường không phân biệt trường chuyên hay không chuyên đối với xét tuyển bằng học bạ" - thầy Hùng cho hay.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, cho hay dù không bị giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký nhưng thí sinh chỉ được xét trúng tuyển một nguyện vọng có thứ tự cao nhất.

Ví dụ, thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường A và ba nguyện vọng còn lại vào ba trường khác nhau... Dù điểm thi của thí sinh rất cao, đủ để trúng tuyển vào tất cả các trường trên nhưng khi đã được xét trúng tuyển vào trường A (nguyện vọng có thứ tự ưu tiên cao nhất), thí sinh sẽ không được tiếp tục xét tuyển vào các trường còn lại.

"Một trong hai điểm mới của quy chế tuyển sinh năm nay là thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi vào một trường trong thời hạn quy định của trường.

Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được hiểu là từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác. Thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được tham gia xét tuyển ở các trường khác" - bà Phụng lưu ý.

Xét theo tổ hợp vẫn cần điểm thi

"Nếu con tôi nộp chứng chỉ IELTS sẽ được miễn thi môn tiếng Anh và được tính 10 điểm môn này, nhưng cháu có nguyện vọng xét điểm thi (toán, hóa, tiếng Anh) thì vẫn phải thi môn tiếng Anh?

Nếu chọn xét tuyển thẳng có được đăng ký xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia hay thi đánh giá năng lực nữa không và nếu trúng tuyển nhiều phương thức có được lựa chọn ngành tốt nhất để nhập học?" - chị Kim Liên (phụ huynh ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) băn khoăn con gái chị thuộc diện ưu tiên xét tuyển của ĐH Quốc gia TP.HCM, có chứng chỉ IELTS 8,0 nhưng hiện chị vẫn chưa biết lựa chọn phương thức nào.

PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - trưởng ban đại học ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết theo quy định, thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia nhưng muốn đăng ký xét tuyển vào ngành xét tổ hợp có môn tiếng Anh thì bắt buộc thí sinh phải đăng ký dự thi để có điểm môn này.

Còn đối với việc xét tuyển, các phương thức được xét tuyển độc lập nhau. Theo đó, thí sinh có đủ điều kiện tham gia phương thức nào và có nhu cầu đều được xét tuyển ở tất cả các phương thức đó.

Như vậy, thí sinh có thể đăng ký diện ưu tiên xét tuyển thẳng, vừa có thể thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển và cũng có thể xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia không giới hạn nguyện vọng.

Sẽ có trường hợp thí sinh trúng tuyển ở nhiều phương thức khác nhau nhưng chỉ được quyền chọn và xác nhận nhập học ở phương thức duy nhất. Khi đã xác nhận nhập học, kết quả trúng tuyển ở các phương thức còn lại đều bị hủy bỏ.

TRẦN HUỲNH
tuoitre.vn – 16/04/2019

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang