4 'nguyên tắc vàng' khi lựa chọn nguyện vọng để đỗ đại học, cao đẳng
05/04/2019
Thầy Phạm Quốc Toản hướng dẫn, tư vấn cách sắp xếp nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng để thí sinh dễ dàng trúng tuyển vào ngành yêu thích.
Thầy Phạm Quốc Toản – giáo viên Tuyensinh247.com đưa ra phương pháp sắp xếp nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng để thí sinh nắm bắt cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích.
4 nguyên tắc vàng khi lựa chọn nguyện vọng
Thứ 1: Bạn phải đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ngành yêu thích và trường yêu thích, vì nếu nguyện vọng đầu đã trúng tuyển thì các nguyện vọng sau sẽ không được xét trúng tuyển cho dù thí sinh có mức điểm cao hơn điểm chuẩn.
Thứ 2: Bạn phải chọn đúng ngành yêu thích, đừng vì trường yêu thích mà cố gắng chọn ngành dễ đậu nhưng lại không muốn học sau này.
Thứ 3: Bạn phải có ít nhất một nguyện vọng có mức điểm chuẩn năm ngoái thấp để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.
Thứ 4: Bạn nên chọn tổ hợp môn có tổng điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển nếu ngành đó xét tuyển nhiều tổ hợp.
Ưu tiên các nguyện vọng như thế nào?
Ưu tiên các nguyện vọng chỉ có ý nghĩa khi đã trúng tuyển nguyện vọng đầu và sẽ không được xét tuyển các nguyện vọng sau.
Ví dụ, bạn Tạ Minh Tuyết có 3 nguyện vọng lần lượt là:
NV1: Ngành Marketing online - Trường A
NV2: Ngành Quản trị kinh doanh – Trường B
NV3: Ngành Kinh doanh quốc tế – Trường C
NV4: Ngành Quản trị khách sạn – Trường D
NV5: Ngành kinh tế – Trường E
Nếu bạn Tuyết khi xét tuyển đã trúng tuyển NV1: Ngành Marketing online - Trường A rồi thì bạn sẽ không được xét tuyển vào NV2, NV3, NV4, NV5 ở hai trường B, C, D và E.
Nếu trường hợp bạn Tuyết trượt NV1 – Ngành Marketing online trường A thì bạn sẽ được tiếp tục xét tuyển tới NV2, nếu bạn đỗ NV2 thì Tuyết sẽ không được xét tuyển NV3,NV4 và NV5. Tương tự các trường hợp khác nếu xảy ra.
Khi xét tuyển mỗi đợt, các nguyện vọng bình đẳng với nhau. Trong một trường một ngành dù thí sinh đặt nguyện vọng đó là NV1 hay NV10, khi xét tuyển sẽ bình đẳng không ưu tiên nguyện vọng đó đặt trước hay đặt sau.
Cân nhắc đặt nguyện vọng
Viết xuống danh sách các trường và ngành mà bạn thực sự yêu thích và muốn theo học, xem điểm chuẩn các năm trước của những trường này. Bạn có thể loại bỏ ra khỏi danh sách những trường có điểm chuẩn những năm trước quá cao so với điểm theo năng lực của mình (cao hơn 4 đến 5 điểm).
Nếu bạn ước đạt khả năng thi được 20 điểm thì không nên đăng ký xét tuyển vào những trường mà các năm trước lấy 26- 27 điểm. Sau đó, bạn có thể bổ sung thêm một số trường cho đến khi bạn có danh mục mà mình ưng ý.
Để tăng tính an toàn, trong danh mục đó nên có các trường có điểm chuẩn các năm trước cao hơn một chút so với năng lực của mình, bằng và thấp hơn điểm tổ hợp môn của bạn.
Sắp xếp các nhóm
Nhóm 1
|
1-2 ngành rất thích học
|
Nhóm 2
|
1-2 ngành tiếp theo có điểm chuẩn các năm trước bằng thực lực của mình
|
Nhóm 3
|
Một số ngành dự phòng (điểm chuẩn các năm trước thấp
|
Sắp xếp thứ tự các nguyện vọng ngành/trường theo ưa thích của bạn, hãy nhớ rằng sắp xếp theo thứ tự ưa thích và mong muốn.
Bạn cũng đừng e ngại khi trường/ngành bạn ưa thích có điểm chuẩn cao hơn 1,2, hay thậm chí là 3 điểm so với điểm tổ hợp môn của bạn.
Trường/ngành nào bạn ưa thích nhất hãy để NV1, trường/ngành nào bạn ưa thích nhì hay để ở NV2 … Như vậy bạn sẽ có cơ hội để trúng tuyển vào trường/ngành mà bạn thực sự ưa thích.
Nếu không trúng tuyển NV1 hay NV2 bạn vẫn còn tiếp tục có cơ hội xét tuyển các NV3, NV4, NV5 … bình đẳng với tất cả các thí sinh có cùng ngành/trường xét tuyển.
Nếu vô tình hoặc vì muốn nâng cao khả năng trúng tuyển, bạn xếp các trường/ngành mà thực sự không thích vào NV1, NV2…Sau đó, nếu các nguyện vọng này trúng tuyển, bạn sẽ hoàn toàn mất đi các cơ hội khác.
Thầy Phạm Quốc Toản – Giáo viên Tuyensinh247.com
(vtc.vn – 04/04/2019)