Cách tối ưu nguyện vọng trong phiếu đăng ký xét tuyển ĐH
10/04/2019
Trong phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ, TC, mỗi thí sinh chỉ nên đăng ký 4-5 nguyện vọng.
Thí sinh nên cân nhắc đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, TC theo các bước như sau:
Bước 1: Chọn ngành nghề và chọn trường
Đây là bước quan trọng nhất trước khi đặt bút ghi hồ sơ. Nguyên tắc chọn ngành nghề phải phù hợp với khả năng, đam mê của bản thân và tương thích với nhu cầu nhân lực trong tương lai.
Sau khi chọn ngành nghề xong, thí sinh tìm kiếm những trường có đào tạo ngành mà mình đã chọn, tìm hiểu thông tin điều kiện học tập, học phí, chất lượng đào tạo, chính sách hỗ trợ, môi trường sống xung quanh… Từ đó liệt kê danh sách các trường phù hợp với bản thân để lựa chọn khi đăng ký.
Bước 2: Ghi nguyện vọng đăng ký vào phiếu đăng ký xét tuyển
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các nguyện vọng xét tuyển trong đợt 1 được xét công bằng với nhau. Thí sinh trúng tuyển nhiều nguyện vọng bắt buộc phải chọn nguyện vọng có thứ tự nhỏ nhất.
Thí sinh cần lưu ý nguyên tắc ghi nguyện vọng là giảm dần theo sự phù hợp, yêu thích về ngành nghề.
Hiện nay, phụ huynh và thí sinh lúng túng về xác định nguyện vọng trúng tuyển, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì các nguyện vọng sau có cơ hội trúng tuyển không. Thí sinh tham khảo cụ thể tình huống sau:
- Bạn A có điểm xét tuyển 20 điểm và đăng ký NV1 vào trường X, NV2 vào trường Y
- Bạn B có điểm xét tuyển 24 điểm và đăng ký NV1 vào trường Y, NV2 vào trường Z
- Bạn C có điểm xét tuyển 17 điểm và đăng ký NV1 vào trường X, NV2 vào trường Y và NV3 vào trường Z
Điểm chuẩn các trường công bố như sau:
- Trường X: 24 điểm
- Trường Y: 20 điểm
- Trường Z: 17 điểm
=> Bạn A (20 điểm) rớt NV1 nhưng vẫn đậu NV2 vào trường Y dù chỉ là NV2
=> Bạn B (24 điểm) trúng tuyển ngay NV1 vào trường Y
=> Bạn C (17 điểm) rớt NV1, NV2 nhưng vẫn trúng tuyển NV3 vào trường Z.
Như vậy, đối với những trường/ ngành thí sinh yêu thích nhất nhưng cơ hội trúng tuyển thấp thì vẫn nên xếp thứ tự ưu tiên cao nhất. Cách ghi như thế này thí sinh luôn có cơ hội trúng tuyển vào các ngành phù hợp, yêu thích của bản thân.
Đặc biệt, thí sinh không nên chọn ngành chỉ để đậu đại học
Về phần đăng ký ngành nghề/ trường tuyển sinh, quy định cho phép thí sinh không giới hạn nguyện vọng nhưng cần suy xét phù hợp.
Thí sinh không nên có quá nhiều nguyện vọng dẫn đến bị loãng trong việc lựa chọn ngành nghề. Mỗi thí sinh chỉ cần đăng 4-5 nguyện vọng và tập trung vào lựa chọn các ngành phù hợp với đam mê và khả năng của mình.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng. Lúc này việc xác định điểm thi để chọn trường vừa sức.
Lê Huyền
vietnamnet.vn – 09/04/2019