Ngành Công tác xã hội
-
Ở Việt Nam, ngành Công tác xã hội (CTXH) mới mở kể từ tháng 10 năm 2004. Từ đó đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép hơn 20 trường Đại học, Cao đẳng đào tạo ngành CTXH. Nghe thật khô khan, nhưng thật ra đây là một nghề vô cùng sôi động bởi vì bạn luôn phải giao tiếp với những con người đặc biệt trong xã hội.
Thực chất, đây là việc giúp đỡ các đối tượng khó khăn trong cuộc sống, góp phần làm ổn định và tiến bộ xã hội.
Các nước phát triển trên thế giới xem CTXH như một phần quan trọng của sự phát triển cộng đồng, phát triển xã hội và các nhân viên xã hội là người thực hiện trực tiếp.
CTXH phát triển mạnh sẽ góp phần phát triển và cải thiện hệ thống an ninh xã hội Trợ giúp con người và cộng đồng giải quyết và đối phó với các khó khăn trong cuộc sống...
Công tác xã hội - một ngành rất rộng
Nếu bạn quan tâm đến công việc này, bạn nên biết có rất nhiều lĩnh vực CTXH tuỳ theo vấn đề hay đối tượng khác nhau: CTXH đối với phát triển cộng đồng (giải quyết bền vững các vấn đề nghèo đói, trẻ em lang thang, người già cô đơn, tệ nạn xã hội...).
CTXH trong các lĩnh vực tệ nạn xã hội và tội phạm (Những người nghiện ma tuý, hoạt động mại dâm, người lớn và trẻ em làm trái pháp luật là đối tượng thường xuyên của chương trình phục hồi xã hội).
Ngoài ra còn có CTXH đối với những người khuyết tật, người cao tuổi CTXH trong bệnh viện và trong trường học...
Nhu cầu nhân viên CTXH hiện khá cao. Sinh viên tốt nghiệp CTXH có thể làm việc tại :
- Các cơ sở, chương trình xã hội công lập (thuộc Bộ Lao-động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, tòa án, trường học, bệnh viện, xí nghiệp...), dân lập hay tư nhân, thuộc môi trường nông thôn hay thành thị.
- Các chương trình nghiên cứu xã hội, cải tiến dân sinh, quy họach đô thị, bảo vệ môi trường, chương trình tài trợ, hợp tác quốc tế và phát triển xã hội, phát triển cộng đồng của tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ.
- Giảng dạy hay trợ lý giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành công tác xã hội tại thực địa cho cán bộ xã hội bậc cao đẳng, trung sơ cấp.
Bạn cần những kỹ năng gì để trở thành nhà công tác xã hội?
Trước hết, người làm CTXH rất cần có khả năng giao tiếp tốt, hiểu và dễ thông cảm với con người. Đối tượng trực tiếp làm việc của bạn đa số là những con người “lệch chuẩn”, bởi vậy nếu bạn không có những đức tính đó, bạn sẽ dễ bỏ cuộc.
Bạn rất cần tính kiên nhẫn nữa, bởi công việc này rất lâu dài, ít khi có được kết quả nhanh chóng. Điều tiếp theo là bạn cần có khả năng hoạt động trong nhiều môi trường. Làm nghề này, bạn không thể mong muốn làm việc chỉ trong văn phòng và chỉ làm trong giờ hành chính.
Công việc này sẽ rất căng thẳng, nhưng cũng đem lại cho bạn những điều lý thú: Thứ nhất, bạn sẽ có được niềm vui khi giúp đỡ những người khó khăn và khốn khổ. Thứ hai, công việc đem lại cho bạn rất nhiều hiểu biết về con người và những kinh nghiệm ứng xử. Bạn cũng sẽ được đi và gặp rất nhiều cảnh, nhiều người.
Nếu bạn chỉ yêu thích các vấn đề có tính tổng quát thì bạn đừng chọn nghề CTXH.
Học Công tác xã hội ở đâu?
Như trên đã giới thiệu, hiện có khoảng 20 cơ sở đào tạo ngành CTXH. Cụ thể: ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH quốc gia Hà Nội, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, ĐH Đà Lạt, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Đồng Tháp, ĐH Công đoàn, ĐH Lao động Xã hội, ĐH Vinh, ĐH Quy Nhơn, ĐH Mở TP Hồ Chí Minh, ĐH Dân lập Thăng Long, ĐH Khoa học Huế, Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, Cao đẳng Sư phạm Hoà Bình, Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình, Cao đẳng Sư phạm Kom Tum...
Vào học, bạn sẽ được trang bị các kiến thức như: CTXH với cá nhân, CTXH nhóm, Tổ chức và phát triển cộng đồng, Những vấn đề xã hội và an sinh xã hội, quản trị ngành công tác xã hội, chính sách xã hội, xây dựng và quản lý dự án xã hội...