Tìm hiểu ngành nghề

Ngành Kinh tế học

Nhà kinh tế học nghiên cứu các tình huống, điều kiện kinh tế của một quốc gia, quốc tế hoặc những đặc trưng riêng của từng ngành, từng vùng, đưa ra các học thuyết, lý thuyết kinh tế. Trên cơ sở đó, nhà kinh tế học tư vấn, hỗ trợ các chính trị gia và các nhà sản xuất lập kế hoạch phát triển kinh tế sao cho việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ cân đối và có hiệu quả nhất và chỉ ra cho họ những điểm mất cân bằng của nền kinh tế để có chính sách điều chỉnh.
 
Công việc chính của nhà kinh tế học
- Hỗ trợ Chính phủ trong việc thiết lập các chính sách kinh tế và giám sát ảnh hưởng, tác động của những chính sách ấy trong nền kinh tế.
- Nghiên cứu những tác động trong việc chi tiêu của chính phủ, chính sách thuế và sự quản lý ngân sách đối với nền kinh tế.
- Phân tích những tác động có thể xảy ra của chính sách tiền tệ quốc gia đối với hoạt động của các tổ chức tài chính.
- Nghiên cứu, phân tích tác động của các chương trình về thị trường lao động đối với tỷ lệ thất nghiệp.
- Thực hiện các nghiên cứu để tìm ra các loại hàng hóa và dịch vụ có khả năng tiêu thụ được tốt, đáp ứng đúng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong các giai đoạn khác nhau.
- Tiến hành nghiên cứu về các vấn đề liên quan giữa kinh tế với tất cả các ngành, lĩnh vực khác trong xã hội.
- Cung cấp thông tin và tư vấn kinh tế cho các bộ phận quản lý đề ra chính sách đúng trong từng thời điểm của nền kinh tế.
 
Nhà kinh tế học làm việc tùy theo lĩnh vực mà họ chuyên sâu như: kinh tế học nông nghiệp, kinh tế học công nghiệp ứng dụng, kinh tế học môi trường, kinh tế học tài chính v.v…
 
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp
Nhà kinh tế học làm việc trong các tổ chức kinh tế, bộ, ngành có liên quan, các viện nghiên cứu, trường đại học, các ngân hàng, công ty bảo hiểm hoặc các tập đoàn kinh tế lớn. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và nhu cầu về các chuyên gia kinh tế giỏi giang, nhạy bén để chung tay xây dựng đất nước là rất lớn.
 
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết
- Khả năng suy nghĩ thấu đáo và logic, óc phán đoán, tư duy tổng hợp và phân tích.
- Năng khiếu về toán học.
- Kỹ năng giao tiếp tốt.
- Kỹ năng phân tích vấn đề
- Quan tâm tới các vấn đề kinh tế.
 
Một số địa chỉ đào tạo:
Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP. HCM), Học viện Tài chính, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Thương mại, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM v.v…

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang