Nghề bán hàng
-
Người bán hàng là người đại diện cho doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Họ không chỉ trình bày, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng, lắng nghe và giải quyết những thắc mắc của khách hàng mà còn phản ánh tình hình của sản phẩm, của thương hiệu, của doanh nghiệp.
Công việc chính của nhân viên bán hàng
- Giải đáp thắc mắc của khách hàng, giới thiệu sản phẩm, giao hàng, nhận tiền, gói hàng.
- Trưng bày hàng.
- Giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm.
- Nhận thông tin phản hồi của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ.
- Làm báo cáo định kỳ theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Người bán hàng giỏi có thể vươn tới vị trí đại diện bán hàng. Lúc đó công việc của họ là:
- Ngiên cứu các khu vực thị trường mà mình chịu trách nhiệm, đánh giá tiềm năng khách hàng tại khu vực đó. Lên chương trình và sắp xếp các cuộc gặp gỡ với các khách hàng tiềm năng để thuyết phục họ dùng sản phẩm, dịch vụ của mình.
- Phát triển và cập nhật kiến thức về sản phẩm của doanh nghiệp mình và của đối thủ cạnh tranh, từ đó rút ra điểm mạnh, điểm yếu của chính mình. Thường xuyên trao đổi với các nhân viên kinh doanh và marketing để cùng nhau quyết định phương pháp quảng bá sản phẩm tốt nhất.
- Thương lượng về giá của sản phẩm, nhận đơn đặt hàng, ký kết các hợp đồng lớn và trực tiếp đốc thúc việc thực hiện.
- Báo cáo cho cấp trên về doanh số bán hàng và cung cấp các phản hồi của người tiêu dùng về kết quả của việc tiếp thị các sản phẩm mới.
- Thực hiện các buổi thuyết trình về sản phẩm.
Các đại diện bán hàng thường chuyên sâu vào việc bán hàng hoặc quảng bá một khu vực sản phẩm nhất định như hàng điện tử, dược phẩm hay bảo hiểm v.v…
Đại diện bán hàng giàu kinh nghiệm có thể thăng tiến tới những vị trí cao hơn như giám sát bán hàng hoặc giám đốc bán hàng.
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp
Là bộ mặt của công ty, ngày nay, hình ảnh của nhân viên bán hàng không chỉ gắn liền với các gian trưng bày và bán sản phẩm của các doanh nghiệp nữa. Họ trở thành một lực lượng năng động và nhiều khả năng thăng tiến bởi ưu thế hiểu biết khách hàng muốn gì, cần gì rất rõ của mình. Họ có thể làm việc trong những văn phòng tiện nghi và hiện đại khi đã đạt được những thành công trong công việc bán nhàng và được cất nhắc lên những vị trí cao hơn.
Ở tất cả các doanh nghiệp, nhân viên bán hàng là bộ phận không thể thiếu. Bạn ít phải lo lắng về cơ hội việc làm nếu như bạn có duyên bán hàng và lại được đào tạo bài bản, bởi nhân viên bán hàng là bộ phận quan trọng luôn được các doanh nghiệp chú ý tìm kiếm.
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết:
- Cởi mở, nhiệt tình, nhạy cảm, tinh tế.
- Ứng xử khéo léo, linh hoạt, khả năng giao tiếp tốt.
- Có kiến thức về sản phẩm và doanh nghiệp.
- Có mối quan hệ xã hội rộng rãi.
- Làm việc có kỷ luật, cẩn thận.
Nếu muốn thăng tiến trong công việc này, bạn phải trang bị thêm cho mình:
- Các kiến thức cơ bản về marketing, bán hàng, quảng cáo, quan hệ công chúng.
- Khả năng tổ chức, quản lý.