Mùa tuyển sinh: nên tìm kiếm tư vấn chuyên sâu
Chúng ta luôn luôn phải đối diện với sự chọn lựa. Ai chọn lựa đúng ngay từ đầu sẽ không phải trả giá thời gian, công sức, tiền bạc cho việc phải chọn lựa và làm lại ở các lần sau.
Những tư vấn thông thường
Người ta trong đời sẽ phải đứng trước một vài ngã rẽ rất quan trọng. Một trong các ngã rẽ ấy là sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Để quyết định chọn một con đường trong nhiều con đường có thể có sao cho phù hợp với hiện tại và quan trọng hơn là cả tương lai, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Học chữ hay học nghề? Học ở đâu? Thi trường nào, ngành nào, bậc nào...
Để công việc tư vấn tốt ở bất cứ lãnh vực nào, phụ thuộc vào việc các thành viên đặt câu hỏi. Câu hỏi thuộc cả hai bên, bên trả lời tư vấn và cả bên được tư vấn. Chính thầy cô, cha mẹ, người thân, báo chí, sách vở, truyền hình đã đóng góp rất nhiều để giúp các em chọn lựa tốt hơn. Theo dõi câu chuyện tư vấn của các năm qua, tôi nhận thấy tư vấn tuyển sinh đã giải quyết một số câu hỏi then chốt sau: chỉ tiêu mỗi trường, tỷ lệ chọi, điểm chuẩn; các ngành mới hình thành năm này; mỗi trường có bao nhiêu khoa, mỗi khoa có mấy chuyên ngành hẹp; trường nào có liên thông trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học; cơ chế học bổng mỗi trường; trường có hệ tại chức, ký túc xá hay giới thiệu nhà trọ cho sinh viên không? Ngành nào đang hấp dẫn, nhu cầu xã hội lớn, ngành nào dễ, khó đậu?
Vì sao cần tư vấn chuyên sâu?
Trong bốn năm kinh nghiệm làm tư vấn và phải giải quyết một số đơn xin nghỉ học vì chán nản, không hiểu bài. Cũng có các đơn xin chuyển ngành vì không thể học nổi, không phù hợp. Ngay cả khi tiếp xúc một số lớn các em mặc dù tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng lại hành nghề khác hẳn với văn bằng của mình. Nhằm hạn chế những chọn lựa sai khi đăng ký ngành thi, tôi xin đóng góp một số thắc mắc chuyên sâu cho các em học sinh, phụ huynh nên đặt câu hỏi với nhà tư vấn và nhà tư vấn cũng nên trao đổi thêm với các em học sinh, phụ huynh nhằm hạn chế các trả giá cho những sai lầm khi đưa ra các quyết định đầu đời.
1. Các môn học phổ thông nào là tối cần thiết với mỗi ngành học, nếu học sinh chỉ đạt trung bình cho các môn này thì không thể hay rất khó có thể học khá các chuyên ngành này. Ví dụ ngành công nghệ thông tin thì môn toán là rất quan trọng. Điều này giúp các em biết trước mình có thể đạt mức độ nào và khó khăn ra sao khi chọn lựa những ngành không thuận lợi.
2. Các phẩm chất đặc trưng của một nhân viên thuộc mỗi ngành. Ví dụ kế toán viên cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong khi đó thiết kế thời trang cần sự sáng tạo, khoáng đạt. Nhằm giúp học sinh tự so sánh đặc trưng ngành với tính cách của bản thân trong khi chọn lựa.
3. Các vị trí xã hội nào là có thể đảm trách được sau tốt nghiệp mỗi ngành. Ví dụ ngành hệ thống thông tin giúp cho sinh viên đảm đương các công việc phân tích, thiết kế một hệ thống hay quản trị cơ sở dữ liệu cho các đơn vị.
4. Đặc thù quan trọng của mỗi ngành là gì? Ví dụ ngành công nghệ thông tin thuộc nhóm công nghệ, có đặc thù là luôn thay đổi bởi các thế hệ mới hơn. Vì vậy sinh viên sau khi tốt nghiệp phải học cách cập nhật tri thức liên tục, khác hẳn ngành Anh ngữ, sự thay đổi nếu có cũng ít hơn nhiều.
5. Cùng một tên ngành học nhưng những trường khác nhau vẫn có sự khác biệt. Ví dụ đâu là sự khác biệt giữa khoa công nghệ thông tin của trường X và trường Y?
6. Các thuận lợi và khó khăn khi chọn ngành mà xã hội cần so với ngành mà bản thân thích?
7. Nếu kết quả thi rớt, các thuận lợi và khó khăn khi phải chọn bậc học thấp hơn rồi phấn đấu học lên hay nên dừng lại luyện thi thêm một năm nữa, hay đi học nghề?
Để trả lời các vấn đề trên rõ ràng cần có chuyên gia am tường cho mỗi lãnh vực. Và đây có thể thành một chuyên mục đặc biệt trên mặt báo mùa tuyển sinh mỗi năm. Nếu làm tốt vấn đề này không những cá nhân học sinh được hưởng lợi mà cả xã hội cũng được hưởng bởi các trả giá đã được loại bỏ đáng kể.
Nguyễn Gia Tuấn Anh (sgtt.com.vn)