Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Môn xét tuyển... không hiểu nổi ! - Kỳ 2: Trường phải giải trình nếu vô lý

04/11/2014

“Môn xét tuyển cần được xây dựng có cơ sở khoa học để đảm bảo chất lượng đào tạo”, đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Chỉ là nhầm lẫn !

Trong Đề án tuyển sinh 2015, Trường ĐH Thái Bình Dương xét tuyển ngành ngôn ngữ Anh với tổ hợp văn, tiếng Anh, sinh. Lý giải về sự lựa chọn môn sinh trong tổ hợp trên, PGS-TS Quách Đình Liên, Hiệu trường nhà trường, cho biết đó có thể chỉ là sai sót kỹ thuật trong quá trình xây dựng đề án. Ông Liên nói: “Có thể đó chỉ là sự nhầm lẫn khi xác định tổ hợp, hoặc do tập tin bị nhảy khi trường làm văn bản. Chúng tôi sẽ xem xét lại đề án để chỉnh sửa. Ngành ngôn ngữ Anh, cùng lắm chỉ có thể xét tuyển được theo tổ hợp khối D1 cũ gồm toán, văn và tiếng Anh”.

Trước sự lộn xộn của các trường trong việc này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm nay lần đầu tiên Bộ giao cho các trường quyền chủ động trong việc xây dựng các tổ hợp môn xét tuyển phù hợp với ngành nghề đào tạo đặc thù của trường. Theo đó, hội đồng khoa học đào tạo các trường chịu trách nhiệm hoàn toàn với việc tuyển sinh, cũng như quá trình đào tạo và chất lượng sinh viên ra trường. Bộ đã có Thông tư 5151 hướng dẫn cụ thể về tổ hợp xét tuyển, theo đó các trường phải giữ nguyên tổ hợp môn theo khối thi truyền thống, sử dụng không quá 4 tổ hợp môn cho mỗi ngành đào tạo, trong đó phải có sự xuất hiện bắt buộc của môn văn hoặc toán.

Theo ông Ga, ngoài các quy định mang tính hình thức trên, tổ hợp xét tuyển mới phải được xây dựng trên cơ sở khoa học để đảm bảo chất lượng đào tạo. “Với những tổ hợp xét tuyển vô lý, Bộ sẽ yêu cầu các trường làm giải trình. Nếu giải trình không phù hợp, các trường này phải điều chỉnh đề án để công bố lại. Luật đã nêu rất rõ, các trường được tự chủ tuyển sinh nhưng phải tuân theo quy chế của Bộ GD-ĐT”, ông Ga nhấn mạnh.

Hệ quả rất lâu dài

Theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, việc chọn môn xét tuyển phù hợp với ngành đào tạo rất quan trọng. Khi đó, các trường sẽ có được số lượng thí sinh có kiến thức nền phù hợp với việc học tập chuyên ngành.

Ở góc nhìn tương tự, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng nếu trường chọn không đúng môn xét tuyển cho từng ngành học, hệ quả để lại có tính chất lâu dài từ trong đào tạo cho tới khi đi làm. Nói thêm về việc này, ông Đương dẫn dụ: “Chẳng hạn khối ngành kinh tế, môn học được cho là phù hợp nhất trước nay thuộc khối A, A1 và D1. Trong đó, môn toán là môn chủ đạo và trong các môn bổ trợ còn lại thì tiếng Anh là quan trọng nhất. Nếu các môn thuộc khối B cũ mà phù hợp, thì Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã đưa vào từ lâu rồi”. Cũng theo ông Đương, hiện tại trường vẫn xét tuyển môn lý và hóa trong tổ hợp khối A cũ để phù hợp với việc học của thí sinh. Nhưng về lâu dài, trường có thể sẽ không xét tuyển cả hai môn này.

PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng khoa Dược Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cũng chia sẻ: “Hóa là môn học không thể thay thế khi xét tuyển thí sinh vào ngành dược. Lý do rất đơn giản là ngành học này có nhiều môn học từ cơ sở đến chuyên ngành liên quan đến hóa học. Nếu sinh viên được tuyển vào không có kiến thức nền từ môn này sẽ khó có thể học được”.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, việc xây dựng tổ hợp môn xét tuyển cần xuất phát từ hai cơ sở quan trọng: Kiến thức chuyên môn học sinh cần có khi học chuyên ngành và thiên hướng lựa chọn của học sinh giữa môn thi phù hợp với ngành học. Như vậy có thể nói, việc chọn lựa tổ hợp môn rõ ràng có nhấn mạnh vai trò của môn đó trong ngành học. “Dù rằng, để có kết quả học tập tốt giúp sinh viên có được việc làm khi ra trường còn phụ thuộc vào cả quá trình học ĐH, nhưng không thể bỏ qua vai trò của đầu vào. Đặc biệt với một số ngành nghề đặc thù như năng khiếu, ảnh hưởng này càng đậm nét”, ông Nghĩa phân tích thêm.

Hà Ánh
Nguồn: thanhnien.com.vn

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]