Tuyển sinh 2015: Ưu tiên “hết cỡ”
01/11/2014
Chuẩn bị mùa tuyển sinh ĐH 2015, nhiều trường ĐH thông báo sẽ mở rộng đối tượng được tuyển thẳng, cộng điểm xét tuyển, bất chấp các quy định của Bộ GD-ĐT.
Không riêng gì các trường có đề án tuyển sinh riêng xét vào ĐH qua học bạ, nhiều trường ĐH công lập dù sử dụng hoàn toàn kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vẫn đề ra những cách “thưởng điểm” riêng.
Khá cũng “thưởng”
PGS.TS Trần Văn Nghĩa:
Sẽ cập nhật văn bản mới của Chính phủ
Năm 2014, việc điều chỉnh chính sách ưu tiên tuyển sinh chủ yếu tập trung vào quy định ưu tiên đối với khu vực I để đảm bảo chế độ ưu tiên trong tuyển sinh phù hợp với các quy định của Chính phủ, đó là việc cần làm.
Tuy nhiên, trong năm 2014 các điều chỉnh trong phần mềm tuyển sinh chưa hoàn toàn đồng bộ với điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh đã gây ra một số khó khăn cho các trường.
Việc này sẽ được rút kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh năm tới.
Năm 2015, về cơ bản, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh sẽ giữ ổn định, chỉ có một số điểm cần cập nhật các văn bản mới ban hành và đã có hiệu lực của Chính phủ.
|
Trường ĐH Nội vụ Hà Nội vừa thông báo thí sinh đạt học lực giỏi mỗi năm bậc THPT sẽ được cộng 1 điểm, học lực khá mỗi năm THPT được cộng 0,5 diểm vào tổng điểm xét vào ĐH. Như vậy, nếu thí sinh có học lực giỏi ba năm THPT sẽ được cộng 3 điểm vào điểm xét tuyển ĐH.
Trường cũng sẽ cộng 1 điểm ưu tiên cho thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi cấp tỉnh với các môn trường tổ chức xét tuyển.
Tuy nhiên, thông tin này khiến nhiều chuyên gia lo ngại về tính công minh khi kết quả học tập THPT chưa được đánh giá đồng đều ở các địa phương khác nhau như chính Bộ GD-ĐT từng thừa nhận.
Chưa kể quy định xét tuyển thẳng, rồi cộng điểm thi ĐH cho thí sinh đạt học lực giỏi THPT cũng từng được Bộ GD-ĐT áp dụng cách đây hơn 10 năm, nhưng sau đó lộ ra những tiêu cực về điểm số cấp phổ thông nên buộc phải bỏ quy định này.
PGS.TS Lê Hữu Lập - Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông - cho biết học viện đang nghiên cứu phương án cộng điểm ưu tiên cho thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
Song theo ông Lập, dù trường dự kiến mở rộng đối tượng ưu tiên, nhưng nếu mở rộng đến mức cộng điểm cho thí sinh đạt học lực từ khá trở lên ở cấp phổ thông là không thỏa đáng.
“Trong sân chơi chung, không thể lấy kết quả học tập phổ thông để cộng điểm ưu tiên vì thật sự chưa đủ độ tin cậy. Bộ GD-ĐT từng áp dụng, nhưng rồi phải bỏ ngay vì không kiểm soát được. Cho nên nếu có mở rộng, học viện cũng chỉ dừng ở việc cộng điểm từ kết quả các cuộc thi học sinh giỏi, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, chứ không lấy kết quả học tập hằng ngày ở bậc phổ thông vốn rất khó kiểm soát” - ông Lập phân tích.
Trong khi đó, Học viện Ngân hàng cũng thông báo sẽ tuyển thẳng 10% chỉ tiêu từ đối tượng học sinh chuyên (môn toán, tin học, vật lý, hóa học, tiếng Anh) các trường THPT chuyên quốc gia như THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, THPT chuyên Khoa học tự nhiên và THPT chuyên Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội...
Điều kiện là học sinh có kết quả điểm các môn học thuộc nhóm tổ hợp các môn xét tuyển trong ba năm THPT đạt từ 7,0 trở lên được xét tuyển thẳng vào các ngành phù hợp của Học viện Ngân hàng.
Lý giải về việc mở rộng đối tượng tuyển thẳng, ông Trần Mạnh Dũng - trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng - cho biết với quy định chung của Bộ GD-ĐT cho phép tuyển thẳng học sinh đoạt giải ba quốc gia trở lên (với ngành phù hợp) thì rất ít thí sinh chọn đăng ký tuyển thẳng vào trường. Do đó trường phải mở rộng diện ưu tiên tuyển thẳng.
“Trước đó, trường từng cân nhắc phương án tuyển thẳng với học sinh một số trường THPT từ các tỉnh, nhưng nếu chọn tất cả thì không kiểm soát được chất lượng thực tế. Còn nếu chọn tỉnh có, tỉnh không chắc chắn sẽ gây thắc mắc. Do đó, trường rút gọn đối tượng ưu tiên xét tuyển thẳng chỉ ở nhóm trường THPT chuyên quốc gia” - ông Dũng lý giải.
Sai quy chế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, khẳng định chính sách ưu tiên trong tuyển sinh bao gồm quy định về tuyển thẳng, ưu tiên theo đối tượng và ưu tiên theo khu vực nhằm mục đích đảm bảo công bằng cho các thí sinh học tập ở các vùng có điều kiện dạy, học còn khó khăn và thực hiện các chính sách xã hội của Đảng và Chính phủ.
Ngoài ra, ưu tiên trong tuyển sinh còn nhằm mục đích khuyến khích các học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Do đó để đảm bảo sự công bằng cho thí sinh trong cả nước, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh được quy định trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy để các trường áp dụng thống nhất.
Theo ông Nghĩa, các trường ĐH vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển sẽ phải tuân thủ nghiêm túc chính sách ưu tiên trong tuyển sinh theo quy chế của Bộ GD-ĐT, không được tự ý đặt ra bất cứ một quy định cộng điểm nào trái với quy định của quy chế.
Như vậy, trường ĐH nào sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển mà tự ý cộng điểm ưu tiên theo học lực khá, giỏi đạt được ở các lớp THPT là sai quy định, sẽ phải điều chỉnh.
Riêng các trường có đề án tự chủ tuyển sinh có thể đề ra các tiêu chí xét tuyển phù hợp với mục đích tuyển sinh của trường.
“Đây không phải là tuyển thẳng, mà là xét tuyển theo phương thức riêng. Để thực hiện việc này, trường phải quy định và công khai chỉ tiêu xét tuyển cho mỗi phương thức tuyển sinh, đồng thời phải có tiêu chí rõ ràng để xét tuyển theo nguyên tắc lấy từ trên xuống đến khi đạt chỉ tiêu” - ông Nghĩa nói.
Trước xu hướng trái ngược nhau khi các trường y, công an, quân đội muốn siết điều kiện tuyển thẳng, còn một số trường khác lại muốn nới rộng chính sách ưu tiên, ông Nghĩa cho rằng đó là quyền tự chủ của các trường.
Song Luật giáo dục ĐH quy định các trường được tự chủ tuyển sinh theo quy chế tuyển sinh do bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành.
“Dù các trường thực hiện phương án nào cũng phải chấp hành các quy định của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, đồng thời giải trình về các điều kiện đảm bảo chất lượng của nguồn tuyển và công bố công khai đến xã hội” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Siết tuyển thẳng do nguồn quá phong phú
Trong khi nhiều trường đang cố mở rộng đối tượng ưu tiên thì một số trường ĐH lại phải tìm cách đối phó siết nguồn tuyển thẳng do lượng học sinh đoạt giải quốc gia đăng ký xét tuyển quá đông.
PGS.TS Nguyễn Hữu Tú - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội - cho biết năm 2014 trường đã siết điều kiện tuyển thẳng so với quy định chung của Bộ GD-ĐT với ngành bác sĩ đa khoa: chỉ tuyển thẳng thí sinh đoạt giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn sinh, còn giải nhì, ba chỉ được ưu tiên xét tuyển với thí sinh thi đạt điểm sàn của bộ.
Nhờ vậy số trúng tuyển nhờ tuyển thẳng đã giảm rất nhiều, nhưng năm 2014 tỉ lệ này ở ngành bác sĩ đa khoa vẫn chiếm đến hơn 20%.
Do đó, năm 2015 trường dự kiến tiếp tục siết chặt hơn nữa điều kiện tuyển thẳng với ngành bác sĩ đa khoa: chỉ tuyển thẳng thí sinh đoạt giải nhất quốc gia môn sinh, còn các thí sinh đoạt giải nhì, ba chỉ được cộng điểm, không được dùng quyền ưu tiên xét tuyển nữa.
|
NGỌC HÀ (tuoitre.vn)