Rối!
03/11/2014
Chỉ còn 4 tháng nữa là thí sinh bắt đầu đăng ký dự kỳ thi chung quốc gia năm 2015 với 2 mục tiêu: xét tốt nghiệp và dùng kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Tuy nhiên, tất cả mọi thông tin về kỳ thi đối với hàng triệu thí sinh, phụ huynh và hội đồng tuyển sinh các trường giờ rối tung, rối mù vì kiểu thông tin nhỏ giọt hoặc thậm chí hôm nay thông tin thế này, hôm sau thông tin thế kia từ Bộ GD-ĐT.
Có thể nói, một kỳ thi chung quốc gia dù hơi đột ngột nhưng đây là sự kỳ vọng của toàn xã hội để giảm bớt gánh nặng thi cử cho học sinh, giảm bớt sự lãng phí. Vậy nhưng điều bất ngờ chính các cơ sở đào tạo không rối mà người rối chính là “tổng chỉ huy”. Có lẽ đây là hệ quả của việc Bộ GD-ĐT chưa có sự chuẩn bị chu đáo để sẵn sàng cho sự đổi mới căn bản về thi cử. Do đó, sự rối rắm luôn xảy xung quanh những văn bản cũng như những phát ngôn của bộ.
Đầu năm 2014, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng để áp dụng cho năm 2017 khi khai tử “3 chung”. Sau đó, Bộ GD-ĐT ra văn bản yêu cầu các trường phải hoàn thành và công bố đề án tuyển sinh riêng trong tháng 9-2014. Theo các trường, lộ trình để chuẩn bị chu đáo cho một phương án thi mới thay cho “3 chung” có thể nói là hợp lý vì không gây quá nhiều xáo trộn đối với học sinh THPT.
Tuy nhiên, mọi sự trở nên rối bời khi ngày 9-9, Bộ GD-ĐT chính thức công bố năm 2015 tổ chức một kỳ thi chung quốc gia. Đây là quyết định quan trọng và thông thường trước khi ra quyết định chính bộ phải là người tự đặt câu hỏi và trả lời: “Liệu mình có làm được không?”. Ngay sau quyết định, Bộ GD-ĐT đã tổ chức 3 hội nghị tại Hà Nội, Huế và TPHCM quy tụ hết mọi chuyên gia tuyển sinh, chuyên gia quản lý cùng bàn tới bàn lui, góp ý nhưng cái cần nhất là quy chế... vẫn chưa có. Và Bộ GD-ĐT lúc thì cho biết tháng 1-2015 sẽ có quy chế, lúc thì tháng 11-2014 và mới đây lại có thông tin đến tháng 12-2014 sẽ có quy chế.
Đơn giản như giữa 2 công văn ngày 9-9 (Thứ trưởng Nguyễn Minh Hiển ký) và công văn ngày 19-9 (Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký) lại đá nhau về mốc thời gian lẫn nội dung sử dụng kết quả kỳ thi chung quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ. Tiếp đó, Bộ GD-ĐT lại ra quyết định miễn thi ngoại ngữ cho học sinh trong năm 2015 nhưng ngay sau đó phải “sửa sai” bằng quyết định khác cùng với việc nâng chuẩn cho các chứng chỉ ngoại ngữ.
Thế nhưng việc miễn thi ngoại ngữ xem ra không hiệu quả vì thực tế các trường ĐH, CĐ không công nhận khi xét tuyển vì không thể quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm để các trường tính điểm xét tuyển.
Mới đây, đại diện Bộ GD-ĐT lại trả lời thí sinh đăng ký tối đa 9 nguyện vọng và các trường đưa ra các quy định cộng điểm là sai quy chế. Thực tế, trong hàng trăm đề án tuyển sinh riêng năm 2015 được gửi về Bộ GD-ĐT cũng chỉ là “dự kiến” mà thôi. Bởi lẽ bộ đã và đang bắt các trường làm theo quy trình ngược theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”. Quy chế tuyển sinh chưa có nhưng các trường phải nộp đề án trước cho bộ bằng mọi giá. Sau đó, bộ duyệt đề án rồi từ từ mới đưa ra quy chế. Và khi Bộ GD-ĐT đưa ra quy chế, các trường lại phải mở đề án đối chiếu với quy chế để chỉnh sửa.
Thực tế cho thấy, tuyển sinh năm 2015 nhẹ nhàng và không phức tạp như thi “3 chung”. Để cho tâm lý thí sinh ổn định, Bộ GĐ-ĐT phải thận trọng khi đưa ra các thông tin, đồng thời phải gấp rút hoàn thiện và sớm công bố Quy chế tuyển sinh năm 2015, các giải pháp đồng bộ để các trường kịp thời điều chỉnh đề án, lên phương án và chuẩn bị cho kỳ thi.
Thanh Hùng
Nguồn: sggp.org.vn