Bản tin » Hướng nghiệp - Chọn nghề

Lượng sức chọn ngành

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm học 2010-2011 đang khởi động. Hơn ai hết, các học sinh khối 12 trước khi quyết định chọn ngành thi, trường dự thi phải biết tự lượng sức mình để đạt kết quả như mong muốn.

 

Kiến thức trong đề thi ĐH và kết quả học phổ thông không hoàn toàn giống nhau về mức độ. Nghĩa là nếu học phổ thông đạt loại khá, giỏi thì chưa hẳn sẽ đậu ĐH. Vì thế, khi nhìn vào kết quả học phổ thông, rất nhiều học sinh dễ ngộ nhận về khả năng học tập của mình. Để biết được sức học thực, học sinh và phụ huynh cần phải dựa trên nhiều tiêu chí mới xác định được.

 

Trước hết, chọn khối thi nhất thiết phải có những môn nằm trong sở trường. Phải là môn học yêu thích thì học sinh mới học bằng sự đam mê. với những môn này, các em đã đầu tư thời gian học, nghiên cứu và tích lũy nhiều, tất nhiên, khi thi sẽ làm bài tốt và đạt kết quả cao hơn những môn khác.

 

Tiếp theo, học sinh phải tự kiểm tra sức của mình bằng một hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa và lượng kiến thức tương ứng giữa sách giáo khoa với một số đề thi tuyển sinh ĐH cùng môn ở các năm trước. Nếu kết quả tự làm trong thời gian giả định đạt từ 7 điểm cho mỗi môn trở lên mới có khả năng làm được đề thi trong kỳ thi sắp tới.

 

Một tiêu chí quan trọng nữa là học sinh nên tham khảo ý kiến của giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, và nếu có điều kiện, ở các thầy cô khác. Giáo viên bộ môn biết rõ sức học và khả năng của từng học sinh.

 

Giáo viên chủ nhiệm là người biết tổng điểm của các môn trong khối thi đồng thời cũng là người nhận định, đánh giá được toàn diện sức học chung để định hướng học sinh chọn khối thi đúng với sở trường. Khi tham khảo được các ý kiến nêu trên, học sinh cơ bản sẽ biết được sức mình tới đâu và sẽ chọn được trường phù hợp.

 

Bên cạnh chọn ngành thì việc chọn trường cũng rất quan trọng. Cùng một ngành nhưng ở mỗi trường sẽ lấy điểm chuẩn khác nhau, có những trường điểm chuẩn chỉ ở mức điểm sàn, có trường lại lấy rất cao.

 

Trên thực tế, không có ngành “ngon”, ngành dở, cũng không phân biệt trường này với trường kia. Chỉ có một điều quan trọng là sức mình tới đâu, mình yêu thích rồi cố gắng trong học tập như thế nào. Khi xác định được mục tiêu, chắc chắn các em sẽ có kết quả thi tốt nhất trong khả năng của chính mình.

 

Đào Tấn Trực (Trường THPT Lê Thành Phương - Phú Yên)

Nguồn: nld.com.vn

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang