Lập lờ chương trình “cao đẳng thực hành”
Cũng là trường CĐ nghề, giảng dạy chương trình của Tổng cục Dạy nghề và Bộ LĐ-TB-XH cấp bằng nhưng lại xuất hiện dưới cái tên khác: CĐ thực hành, kèm theo hàng loạt lời quảng cáo hấp dẫn...
Học phí cao
Trường ĐH FPT với chức năng đào tạo bậc ĐH-CĐ theo chương trình của Bộ GD-ĐT, 2 năm trở lại đây quảng bá chương trình “CĐ thực hành” vô cùng thu hút. Đó là: Chỉ cần tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, được liên thông trung cấp hoặc chuyển đổi tín chỉ từ các trường ĐH, CĐ khác, ưu tiên nộp hồ sơ sớm, thí sinh có điểm trung bình toán lớp 12 từ 6 được tuyển thẳng... Điều đáng nói, học phí mỗi học kỳ là 4,8 triệu đồng, cao hơn cả học phí của nhiều trường ĐH có tự chủ về tài chính.
Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cũng quảng cáo chương trình CĐ thực hành với các thông tin như sinh viên (SV) tốt nghiệp được liên thông lên ĐH chính quy của Bộ GD-ĐT, được giới thiệu việc làm sau khi ra trường, hưởng dịch vụ hỗ trợ giáo dục, nhận học bổng khi học tập tốt, hỗ trợ vay vốn để học... Theo đó học phí các ngành kinh tế là 4 triệu đồng/học kỳ, các ngành kỹ thuật 3,5 triệu đồng/học kỳ. Tương tự, trường CĐ Viễn Đông cũng tuyển sinh CĐ thực hành, học phí 5 triệu đồng/học kỳ.
Trường CĐ iSPACE trước đây gọi là CĐ nghề thì nay cũng kịp đổi thành CĐ nghề thực hành để thu hút tuyển sinh. Tại Hà Nội, trường ĐH Nguyễn Trãi không nằm ngoài “xu hướng” này. Trường CĐ nghề công nghệ và kinh tế Hà Nội quảng bá SV tốt nghiệp chương trình CĐ thực hành sẽ có cơ hội làm việc tại Singapore với mức lương từ 1.800 USD/tháng, SV được ký hợp đồng đào tạo và tuyển dụng khi đủ điều kiện trúng tuyển nhập học, được nhà trường cam kết bố trí việc làm khi tốt nghiệp, SV có cơ hội thực hành tay nghề và có lương ngay năm học đầu...
Tên gọi không đúng với giấy phép
Khi được hỏi về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh - Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề - Bộ LĐ-TB-XH, cho biết: “Xưa nay chúng ta vẫn nói hệ thống giáo dục VN có hai hệ, đó là hệ đào tạo hàn lâm (các trường ĐH-CĐ-TCCN thuộc Bộ GD-ĐT) và hệ thực hành (thuộc Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB-XH). Trong các văn bản hay giấy phép mà Bộ LĐ-TB-XH cấp thì không có “trường CĐ thực hành” mà chỉ có “trường CĐ nghề”. Các trường phải ghi đúng tên như trong giấy phép”.
Ông Minh cho rằng, trước khi quyết định nộp hồ sơ, người học cần phải xem xét, tìm hiểu, kiểm tra cho cụ thể, chính xác những thông tin như được hợp đồng tuyển dụng ngay khi trúng tuyển nhập học, hoặc được làm việc tại nước ngoài với mức lương cao, được hưởng nhiều ưu đãi...
Tiến sĩ Nguyễn Trần Nghĩa - Hiệu trưởng trường CĐ Nghề TP.HCM, khẳng định: “Các trường tự đổi tên thành CĐ thực hành như vậy nhằm mục đích tạo ấn tượng với người học, nghe có vẻ mới mẻ và đánh trúng tâm lý người học lâu nay vốn sợ lý thuyết, nhờ thế thu hút dễ dàng hơn. Quan điểm của tôi là tên gọi phải đúng như trong giấy phép, đồng thời quảng cáo phải đúng với thực tế, tránh tình trạng lập lờ khiến người học dễ hiểu lầm là hệ CĐ thực hành khác với CĐ nghề”.
Về mức học phí của bậc CĐ nghề mà các trường tự gọi là “CĐ thực hành”, tiến sĩ Minh nhận định: “Đây là một mức tương đối cao so với mức trần quy định đối với các trường CĐ nghề công lập. Các trường ngoài công lập có quyền tự quyết định học phí, nhưng phải tương xứng với cơ sở vật chất, thiết bị thực hành và chất lượng đào tạo”.
Mức học phí CĐ nghề theo quy định
Theo Nghị định 49 của Chính phủ quy định về mức học phí từ năm học 2010-2011 đến năm 2014-2015, mức trần đối với CĐ nghề công lập năm học 2011-2012 như sau: nhóm ngành nhân văn (khoa học xã hội và hành vi, kinh doanh và quản lý, dịch vụ xã hội): 250 ngàn đồng/tháng; khách sạn, du lịch, thể thao và dịch vụ cá nhân: 320 ngàn đồng/tháng; máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật: 470 ngàn đồng/tháng; khoa học sự sống, sản xuất và chế biến: 410 ngàn đồng/tháng...
|
Mỹ Quyên
11/10/2011 – thanhnien.com.vn