Kỳ thi quốc gia: Lại điệp khúc “giải trình”
03/10/2014
Phương án tổ chức kỳ thi quốc gia đã được Bộ GD - ĐT công bố, sau khi 3 phương án thi với những thay đổi rất lớn được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.
Những tưởng, đã là quyết định cuối cùng sau nhiều bản thảo mang tính đột phá, thì công tác chuẩn bị phải rất chu đáo.
Tuy nhiên, từ khi quyết định được công bố, và ngay trong những ngày này, cách triển khai thực hiện phương án thi như thế nào, vẫn là điều được dư luận tiếp tục… bàn cãi. Đích thân Bộ trưởng Bộ GD - ĐT phải nhiều lần đăng đàn, ở nhiều diễn đàn khác nhau, dưới nhiều hình thức khác nhau, để giải thích, cắt nghĩa, thậm chí để đưa ra những quyết định có vẻ “mới toanh”.
Nhiều nội dung công việc thuộc về kỹ thuật tuyển sinh, vẫn là điều khiến chính các cán bộ trong ngành băn khoăn, lo lắng. Ví như có quy định một số thí sinh được miễn thi ngoại ngữ, nhưng chứng chỉ nào sẽ được miễn, thời hạn hiệu lực của chứng chỉ ra sao, ai có thẩm quyền miễn thi, cách chống “mua chứng chỉ”… thì vẫn chưa được hướng dẫn, hay nói cách khác là chưa tính tới. Hoặc Bộ GD - ĐT dự kiến “phân loại cụm thi” - gồm có cụm thi do các trường ĐH, CĐ đứng ra chủ trì, và cụm thi do các địa phương tự chủ trì, thì cách thức như thế nào để kiểm soát và xóa đi “ấn tượng Đồi Ngô” về việc các địa phương chủ trì, thì vẫn là điều còn bỏ ngỏ.
Hay, “đùng một cái”, Bộ vừa nói về thi theo môn và các trường ĐH, CĐ được chủ động tuyển sinh thì vài hôm sau lại có quy định các trường phải thi và tuyển sinh theo khối thi truyền thống…(điều này thực chất là một quy định đúng đắn bởi không thể để trường thiên về kỹ thuật và khoa học tự nhiên như Xây dựng hay Bách khoa tuyển các thí sinh thi Văn, Sử và các môn xã hội, nhưng vẫn gây xáo trộn và hoang mang). Thậm chí, lẽ ra ngay sau khi tuyên bố phương án tổ chức kỳ thi, thì quy chế thi cũng cần phải được ban hành một cách đồng bộ, thì dường như Bộ GD - ĐT vẫn đang tiếp tục lắng nghe, khiến dư luận, trong đó có hàng trăm ngàn thí sinh, tiếp tục phấp phỏng.
Tất cả những điều đó, chỉ cho thấy một điều: Bộ GD - ĐT đã chưa thực sự tính toán kỹ về những nội dung mình ra quyết định và công bố, chưa chắc chắn được các biện pháp triển khai và chưa dự phòng hết những phản ứng trái chiều.
Do vậy, đương nhiên những “người trong cuộc” là thí sinh, thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục ở cơ sở (các địa phương, các trường ĐH, CĐ - nơi sẽ triển khai thực hiện) phải lo lắng, băn khoăn, nếu không muốn nói là hoang mang. Dư luận nói chung cũng không thể thực sự an tâm, khi mỗi cá nhân trong xã hội đều có thân nhân là “người trong cuộc”, và biết chắc chắn rằng những đổi thay trong thi cử sẽ kéo theo những khoản tiền của lớn của Ngân sách quốc gia.
Từng có ý kiến than thở đại ý rằng các vấn đề giáo dục luôn “được” đặc biệt quan tâm, và hầu như ai cũng có quyền phán xét, bình luận về các quyết định của ngành giáo dục - tất nhiên là những bình luận mang tính phản biện. Nguyên nhân, xét cho cùng vẫn là do trước khi ban hành các quyết định, dường như các phương án vẫn chưa được Bộ GD - ĐT tính toán thấu đáo để có thể thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán. Đưa ra, sai thì sửa, thậm chí trong các mùa thi trước, có nội dung phải sửa gấp ngay trong những ngày thi, khiến lượng công điện khẩn về tuyển sinh do Bộ GD - ĐT ban hành được ví von là “nhiều như lá mùa thu”, có khi còn khiến các trường chỉ có thể kịp nắm bắt qua… báo chí.
Hình thức thi “ba chung” đã khép lại, trong khi ngay ở mùa thi gần đây nhất, các quy định về thi vẫn đang chịu nhiều sức ép của dư luận. Hình thức thi mới được mở ra, lại tiếp tục với những bàn bạc, tranh luận, băn khoăn, lo lắng. Bộ GD - ĐT dường như không nản lòng, lại tiếp tục những giải trình.
Nếu Bộ GD - ĐT không thật sự sửa đổi cách thức ra quyết định, bằng cách có những tính toán thấu đáo và toàn diện, e rằng những giải trình sẽ còn kéo dài,gây nên mệt mỏi băn khoăn không đáng có cho không chỉ riêng ngành giáo dục, mà với cả xã hội.
Thái Hòa (baotintuc.vn)