Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Đổi mới kỳ thi năm 2015 liệu có đột ngột?

24/09/2014

Ngày 23-9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc tổ chức 1 kỳ thi quốc gia năm 2015. Việc tổ chức thi theo cụm, làm sao bảo đảm công bằng, thuận lợi nhất cho thí sinh là những vấn đề mà các ĐBQH băn khoăn nhất.

Sẽ tiếp tục đổi mới thi sau năm 2015

Dù tán thành phương án thi mà Bộ GD-ĐT đã công bố, nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải và nhiều ĐBQH vẫn băn khoăn, dường như Bộ GD-ĐT đã quá vội vàng đổi mới ngay từ năm 2015. ĐB Lê Minh Thông chất vấn, về điều kiện xét tốt nghiệp, điểm học lớp 12 chiếm 50% trong tổng điểm việc xét tuyển, vậy bộ kiểm soát việc cho điểm học ở lớp 12 thế nào để bảo đảm công bằng, không tiêu cực, vì các trường cho điểm là rất khác nhau? Với những băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, thay đổi phương án thi trong năm 2015 là không bất ngờ, mọi việc đều làm có lộ trình, giáo viên và học sinh đón nhận không bất ngờ, thực tế được chuẩn bị từ kỳ thi năm 2014. Trả lời câu hỏi của ĐB, sau năm 2015 còn thay đổi về thi cử nữa không, tại sao không đợi sau năm 2017, sau khi đổi mới chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) phổ thông rồi mới đổi mới thi cử, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói không thể chờ đổi mới CT-SGK xong rồi mới đổi mới. “Chúng ta phải thay đổi ngay từ phương pháp dạy và học. Thay đổi thi trong năm 2014, 2015 đều hướng đến mục tiêu đổi mới phương pháp dạy và học. Trong năm 2016, 2017 việc đổi mới sẽ càng rõ hơn nữa. Tức là năm sau vẫn tiếp tục thay đổi nhưng sẽ thay đổi đúng hướng, theo đúng mục tiêu, lộ trình, không phải là đột ngột rẽ trái, rẽ phải. Thay đổi việc tổ chức thi lần này là trong thời kỳ quá độ, không thể chấp nhận cái cũ nữa, nhưng cũng không thể thay đổi đột ngột quá, mà cần có thời điểm quá độ để học sinh thích ứng. Vì vậy, trong năm sau sẽ tiếp tục có điều chỉnh để tiến dần tới các mục tiêu” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời.

Về vấn đề xét tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, năm 2014 đã làm việc này, điểm thi lớp 12 chiếm 50%. Không có chuyện các trường nâng điểm vì tại các trường giáo viên, học sinh có sự giám sát lẫn nhau. Phổ điểm năm 2014 cũng không có sự đột phá so với những năm trước. Qua đợt sơ tuyển của ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho thấy không có sự chênh lệch lớn giữa điểm ở học bạ và trình độ của thí sinh. Về băn khoăn năm nay thí sinh chỉ thi tốt nghiệp mà chưa muốn xét tuyển đại học thì năm sau có được đăng ký xét tuyển hay không, bộ trưởng cho biết kết quả thi năm 2015 được bảo lưu theo đúng quy chế.

Một số ĐBQH cũng đặt vấn đề, dù có kỳ thi chung này, nhưng nếu hầu hết các trường ĐH-CĐ từ chối sử dụng kết quả thi chung mà thực hiện tuyển sinh riêng thì sao. “Vậy có phải sau 12 năm thi 3 chung thì lại trở lại tuyển sinh riêng, có tốn kém hay không?” - ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm đặt câu hỏi. Giải trình điều này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói, việc các trường có sử dụng kết quả thi hay không là quyền của họ, vì Luật Giáo dục đại học đã giao quyền tự chủ tuyển sinh. “Các trường không sử dụng kết quả kỳ thi, quay về trước 3 chung, về lý thuyết là thế, nhưng thực tế chưa hẳn. Thực tế, năm 2014 cho phép tự chủ tuyển sinh riêng nhưng ít trường thực hiện; qua lấy ý kiến phương án thi nhiều trường đại học cũng ủng hộ phương án thi của bộ”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tự tin. Trong quá trình thực hiện, nếu có các vấn đề phát sinh Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo.

Lo ngại 2 loại cụm thi có thể gây mất công bằng?

Đặc biệt, điều mà hầu hết các ĐBQH băn khoăn là việc tổ chức thi theo cụm, lại là 2 loại cụm thi. ĐB Phùng Văn Hùng đặt vấn đề, thi 2 loại cụm thi sẽ có nơi này nơi nọ không tổ chức nghiêm, vậy nếu xảy ra tình trạng tiêu cực, có chênh lệch điểm thi giữa các điểm thi thì tính sao, ví dụ kết quả thi ở miền núi cao hơn ở Hà Nội? ĐB Dương Trung Quốc nói, thi là phải bảo đảm công bằng nhất, nghiêm nhất: “Chúng ta đang bàn làm sao để thí sinh thi thuận lợi nhất. Có nhất thiết phải thi thành 2 loại cụm thi không? Đề nghị nếu cháu nào định đi học đại học thì thi cụm, còn cháu nào chỉ thi để tốt nghiệp thì vẫn như hiện nay, để các cháu thi tại chỗ, Bộ GD-ĐT tăng cường khâu giám sát, thanh tra để việc thi cử nghiêm túc”. Nhiều ĐB cũng có chung đề xuất là chỉ tổ chức thi cụm cho thí sinh có nhu cầu thi đại học, còn nếu thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp thì thi tại chỗ như hiện nay để tránh tốn kém. Giải trình về điều này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, dự kiến có khoảng 20 cụm thi trong cả nước. “Tổ chức thi theo cụm ra sao, bộ sẽ bàn với các tỉnh, các trường để đưa phương án khả thi nhất” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hứa.

Kết luận phiên giải trình, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết, đa số đồng ý tổ chức 1 kỳ thi để bảo đảm tinh thần đổi mới của Nghị quyết 29, nếu tổ chức tốt sẽ bảo đảm giảm áp lực, tốn kém của xã hội mà vẫn đánh giá được năng lực học sinh, bảo đảm đủ cơ sở tin cậy để các trường ĐH-CĐ. Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi cũng lưu ý, nếu phương án không bảo đảm yêu cầu thì tương lai hoàn toàn có thể thay đổi theo đúng tinh thần của nghị quyết. “Các ĐB cũng băn khoăn về hiệu quả kết hợp 2 mục đích của kỳ thi này, vì vậy cần tổ chức kỳ thi thật tốt để bảo đảm mục đích kết hợp này. Giải pháp giao cho các trường đại học chủ trì cụm thi là giải pháp mạnh, có thể bảo đảm kết quả để xã hội tin cậy. Tuy nhiên, cũng cần có lộ trình để tránh gây sốc. Nhưng về lâu dài giải pháp giao các trường đại học tổ chức thi phải làm triệt để để bảo đảm tính nghiêm túc của đề thi”, ông Đào Trọng Thi nói. Về việc tổ chức theo cụm thi, nhất là cụm thi ở địa phương, ông Đào Trọng Thi cho rằng, cần tính toán kỹ hơn. Chắc chắn tính nghiêm túc của 2 cụm thi này sẽ khác nhau, như vậy thi ở cụm thi đại học điểm có thể sẽ thấp hơn ở cụm thi địa phương. Như vậy là không công bằng cho thí sinh. “Nếu cụm thi ở địa phương là để tạo thuận lợi cho thí sinh ở vùng xa, khó khăn, vậy nên tổ chức thi tại chỗ cho học sinh miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa. Tức là vẫn thi như cũ. Còn cháu nào muốn vào đại học thì thi ở cụm thi do trường đại học tổ chức. Điều này Bộ GD-ĐT cần tiếp tục tính toán kỹ” - ông Đào Trọng Thi gợi ý. Ngoài ra, phải lường trước trường hợp kết quả thi ở cụm thi của trường đại học sẽ thấp hơn, vì thế Bộ GD-ĐT phải tính toán đề thi thế nào nhằm bảo đảm điểm xét tốt nghiệp.

PHAN THẢO (sggp.org.vn)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang