Bài thi đánh giá năng lực cho thấy nhiều ưu việt
03/10/2014
Ngày 15/10 tới, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đăng ký phương án tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực của mình lên Bộ Giáo dục - Đào tạo và đây sẽ là phương án tuyển sinh riêng của trường trong năm học 2014-2015.
Điều đáng nói, rất nhiều trường ĐH trong cả nước đã tỏ ra hào hứng và có ý định tham gia cùng với phương án này, vì những ưu việt của nó và thậm chí mong muốn sẽ áp dụng luôn phương án này cho một kỳ thi quốc gia năm 2015.
Đánh giá đúng năng lực của thí sinh
Ông Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trong những tuần đầu tháng 9/2014, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thí điểm phương án tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực cho kỳ thi tuyển chọn sinh viên vào học bậc ĐH trong các chương trình tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao (sau khi đã trúng tuyển vào ĐHQGHN) và tuyển chọn học viên cao học (dùng bài thi đánh giá năng lực thay cho môn cơ bản).
Đề thi dạng trắc nghiệm khách quan, gồm 140 câu hỏi (gồm kiến thức toán, văn và khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội), thi trên máy tính với đề thi được tổ hợp khác nhau, thí sinh không thể nhận trợ giúp từ bên ngoài. Đánh giá chung, các kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, không ra lỗi phần mềm. Qua phân tích kết quả đánh giá năng lực và so sánh với kết quả kỳ thi ba chung của Bộ GD - ĐT, cho thấy đề thi có chất lượng tốt, bài thi đánh giá năng lực về cơ bản đã đánh giá đúng năng lực người học.
Điều này đã thể hiện được những ưu điểm của phương án này. Trình bày cụ thể về kết quả của phương án, Phó giám đốc trường ĐH Quốc gia Hà Nội, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết: Kết quả phân tích phổ điểm bài thi Tổng hợp đánh giá năng lực chung cho thấy điểm thi tiệm cận đường cong chuẩn; tức là đề thi đánh giá được phổ rộng các năng lực của thí sinh.
Kết quả lấy ý kiến phản hồi của 1.061 thí sinh dự thi bậc ĐH và 547 thí sinh thi bậc sau ĐH về cấu trúc và thời gian làm bài thi đánh giá năng lực cho thấy, trên 2/3 thí sinh đánh giá bài thi có độ khó trung bình, đồng thời thí sinh cũng cho rằng có nhiều câu hỏi có tính phân loại tốt; gần 3/4 thí sinh trả lời “đủ thời gian làm bài thi”; trên 60% thí sinh trả lời đề thi đánh giá đúng năng lực để học ngành đăng ký; trên 80% ý kiến cho rằng đề thi đánh giá đủ kiến thức cần thiết về mọi mặt của sinh viên; khoảng 2/3 ý kiến trả lời hình thức thi trên máy tính tiện lợi và đơn giản sử dụng.
Các thí sinh đều nhận thấy kỳ thi chỉ một bài duy nhất, thi trong một buổi, gọn nhẹ, dễ triển khai, đơn giản, thiết thực, tiết kiệm, dễ được xã hội đồng tình, ủng hộ; đề thi dạng trắc nghiệm khách quan thi trên máy tính với đề thi được tổ hợp khác nhau, hạn chế tối đa tiêu cực; cấu trúc đề thi định hướng học sinh cần học toàn diện…
Từ những kết quả này, trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, đây sẽ phương án chính thức của trường cho việc tuyển sinh riêng năm 2015. Thậm chí, nếu Bộ GD-ĐT chấp thuận, có thể triển khai thành phương án của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Có thể triển khai rộng mô hình
Đó là khẳng định chung của lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ GD-ĐT, cũng như lãnh đạo nhiều trường ĐH với phương án tuyển sinh riêng này.
Ông Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, nếu ngành giáo dục chọn đây là phương án tuyển sinh của năm 2015, thì ĐH Đà Nẵng sẽ ủng hộ và sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực này cho việc xét tuyển vào các trường thành viên của mình. Tuy nhiên, theo ông Quang Vinh, phương án đổi mới cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để xã hội hiểu rõ và học sinh có thời gian chuẩn bị.
Bên cạnh đó, ĐH Quốc gia Hà Nội cần đưa ra quy chế thi cụ thể. “Tuy nhiên, nếu để triển khai rộng phương án này, cũng cần sự cho phép của Bộ GD-ĐT để các trường có căn cứ thực hiện”, ông Quang Vinh nhấn mạnh.
Về phía mình, GS.TS Nguyễn Trọng Giảng - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng sẽ chọn phương án tuyển sinh riêng này cho năm tới, nếu như Bộ GD-ĐT cho phép.
Đại diện Bộ GD-ĐT, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết: “Về việc lấy kết quả bài thi đánh giá năng lực làm cơ sở để xét tốt nghiệp, ĐH Quốc gia nên làm đề án cụ thể để trình Bộ GD - ĐT. Chúng tôi sẽ đưa thông tin lên mạng Internet để lấy ý kiến xã hội cũng như các Sở GD - ĐT trong vòng 1 tháng.
Nếu được sự đồng thuận cao, đặc biệt các sở GD - ĐT, thì Bộ sẽ giao cho trường ĐH Quốc gia Hà Nội hoàn chỉnh đề án và áp dụng vào thực tế”.
Trong lúc đang “rối beng” hiện nay của việc tìm phương án cho “một kỳ thi quốc gia”, có lẽ, việc các địa phương, các trường ủng hộ phương án bài thi đánh giá năng lực này của trường ĐHQGHN sẽ là một “cánh cửa” mới cho Bộ GD-ĐT, để nhanh chóng đưa ra những kế hoạch cụ thể cho kỳ thi không còn nhiều thời gian để chuẩn bị này.
Lê Vân (baotintuc.vn)