Mỏi mòn đợi sinh viên nộp hồ sơ nhập học
25/09/2015
Kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung thứ hai, nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu (CT) xét tuyển. Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường CĐ như “ngồi trên đống lửa” vì thời điểm nhập học không còn xa mà… người học chẳng thấy đâu.
Chưa mùa tuyển sinh nào mà Trường CĐ nghề Kinh tế Công nghệ TP Hồ Chí Minh phải chật vật như năm nay. Trường có 1.600 CT xét tuyển bậc CĐ và 500 CT bậc Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) với hình thức xét học bạ, thế nhưng đến nay, số sinh viên nhập học bậc CĐ của trường chưa đến 500 em. Công tác tuyển sinh đối với bậc TCCN của đơn vị này còn khó khăn hơn khi hiện tại, số sinh viên đăng ký nhập học chỉ ngấp nghé 30 em, mới đạt 6% CT cần xét tuyển. Bà Huỳnh Bảo Châu, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường CĐ nghề Kinh tế Công nghệ TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Mọi năm, tháng 9 là giai đoạn tuyển sinh hiệu quả nhất của trường, nhưng năm nay, tình hình hoàn toàn ngược lại, đợi hoài chẳng thấy sinh viên. Những thay đổi trong tuyển sinh năm nay đang phần nào làm khó các trường CĐ vì khi có quá nhiều chọn lựa và đường vào ĐH rộng mở hơn, thí sinh không mặn mà với bậc CĐ hay TCCN”.
Cùng cảnh đìu hiu còn có nhiều trường CĐ khác như: CĐ Đại Việt Sài Gòn (xét tuyển được chưa tới 100 CT/2.200 CT); CĐ Bách Việt (tuyển được khoảng 60% trong tổng số 2.400 CT); CĐ Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh (tuyển được khoảng 300 trong tổng số 700 CT)…
Không riêng các trường CĐ, nhiều trường ĐH tại TP Hồ Chí Minh cũng đang nóng lòng đợi sinh viên. Chẳng hạn, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành còn tới 1.400 CT cho cả ba bậc trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo. Số thí sinh mà Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cần bổ sung trong đợt xét tuyển tiếp theo là 170 CT ở bậc ĐH và 300 CT bậc CĐ…
Theo thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Tuyển sinh - Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh, năm nay, công tác tuyển sinh bậc CĐ của trường gặp nhiều khó khăn hơn mọi năm. Kết thúc ba đợt xét tuyển, bậc ĐH cơ bản đã hoàn thành CT đặt ra là khoảng 770 sinh viên nhập học. Bậc CĐ chỉ thu hút khoảng 30 hồ sơ đăng ký trên tổng số 80 CT. Con số sinh viên nhập học còn “khiêm tốn” hơn: 10 em. Như vậy, mỗi ngành đào tạo chỉ lác đác một đến hai sinh viên đăng ký. Do không xét tuyển thêm, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh quyết định cho các sinh viên bậc CĐ của trường nhập học vào ngày 5-10 tới. Sau đó, các em sẽ được học một chương trình tích hợp với bậc ĐH theo số tín chỉ thấp hơn nhằm bảo đảm khối kiến thức cũng như chương trình đào tạo, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm… Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích cho biết thêm: “Điều mà nhà trường lo lắng nhất trong năm nay chính là số hồ sơ ảo quá cao. Mặc dù chúng tôi đã tuyển dư ra thêm 10% so với CT để bù đắp lượng sinh viên rút hồ sơ, nhưng hiện vẫn chưa chắc sẽ tuyển đủ CT đã đề ra”.
Còn đại diện Trường CĐ nghề Kinh tế Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu tuyển không đủ CT, đến thời điểm nhập học, trường sẽ chấp nhận chịu lỗ kinh phí để không gây xáo trộn tâm lý sinh viên.
Lý giải về nguyên nhân khiến bậc CĐ của các trường năm nay “heo hút” sinh viên, thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết: “Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép liên thông từ bậc TCCN lên ĐH cho nên những em có sức học kém sẽ chọn vào TCCN rồi sau này đi làm có điều kiện sẽ học lên. Bên cạnh đó, những đổi mới của công tác tuyển sinh năm nay giúp cánh cửa vào ĐH của thí sinh rộng mở hơn, vì thế nhiều thí sinh muốn vào ĐH thay vì học ở bậc lưng chừng như CĐ”.
Ở khía cạnh khác, thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn lại cho rằng, bên cạnh tâm lý muốn vào ĐH của thí sinh, vẫn còn nhiều lý do khiến các trường CĐ khó thu hút hồ sơ. Thứ nhất, phần lớn các trường vẫn chưa cung cấp thông tin đầy đủ đến thí sinh và gia đình. Không biết trong các đợt tuyển sinh, các trường đã tiếp xúc với thí sinh nhiều tỉnh, thành phố để các em có thể hiểu được năng lực đào tạo, định hướng đào tạo và khả năng việc làm của từng ngành nghề đào tạo trong trường chưa, hay chỉ tập trung tại khu vực TP Hồ Chí Minh? Điểm thứ hai là phụ thuộc vào chất lượng đào tạo và đầu ra của mỗi trường. Khi trường chưa tự tạo được danh tiếng cho riêng mình, việc khó tuyển là điều dễ hiểu.
Trong khi đợi chờ những thay đổi phù hợp hơn vào năm sau, ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung kế tiếp, nhiều trường vẫn đang mòn mỏi đợi sinh viên đến nộp hồ sơ nhập học.
KIM NGÂN
Nguồn: nhandan.org.vn