Học ĐH,CĐ không chính quy: Không được tạm hoãn nhập ngũ
17/01/2015
Thiếu tướng, GS. TS, NGND Nguyễn Thiện Minh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Các đối tượng học sinh đang học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, sinh viên đang học trong các trường cao đẳng và đại học không chính quy sẽ không thuộc đối tượng xét tạm hoãn”.
Trao đổi với Dân trí về Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2015, Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh, cho biết: “Nếu Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi được thông qua, về xét tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình: “Đối với học sinh, sinh viên thì đối tượng tạm hoãn trong dự thảo Luật hiện nay sẽ được thu hẹp. Tại điểm e, Khoản 1, Điều 44, Mục 3, Chương IV trong dự thảo Luật quy định: “Đang học tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; đang học chương trình đại học thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân” mới được tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Như vậy, các đối tượng học sinh đang học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, sinh viên đang học trong các trường cao đẳng và đại học không chính quy sẽ không thuộc đối tượng xét tạm hoãn.
Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự mới sẽ được Quốc hội Khóa XIII thông qua vào năm 2015, còn có hiệu lực thi hành từ ngày nào là do Quốc hội quy định. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2015 việc gọi công dân nhập ngũ vẫn thực hiện theo Luật và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn hiện hành, cho đến khi Luật Nghĩa vụ quân sự mới được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành.
Như vậy, chỉ có sinh viên học hệ chính quy tập trung mới được xem xét tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Theo ông tại sao lại đưa ra quy định như này? Quy định này liệu có được áp dụng chính thức, hay sẽ điều chỉnh khi Luật ban hành?
Hiện nay các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học trên toàn quốc rất nhiều; tương ứng là lượng học sinh, sinh viên hàng năm vào học tại các trường rất lớn.
Trong khi đó để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, làm chủ các loại vũ khí công nghệ cao để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng nghĩa với việc chất lượng gọi công dân nhập ngũ hàng năm phải có đủ sức khỏe và trình độ thì mới đáp ứng được yêu cầu đó.
Học sinh, sinh viên các trường hệ chính quy tập trung mới là đối tượng tạm hoãn, có nghĩa là sau khi tốt nghiệp họ sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự như các trường thuộc hệ khác, chỉ là vấn đề thực hiện nghĩa vụ quân sự trước hay sau mà thôi.
Khi Luật được Quốc hội thông qua và ban hành, các Bộ, ngành liên quan sẽ xây dựng Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Tôi nghĩ vấn đề này sẽ được áp dụng chính thức.
Những sinh viên thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ nhưng sau đó lại chuyển trường thì có thể tiếp tục thuộc diện hoãn gọi nhập ngũ hay không, thưa ông?
Tại Khoản 2, Điều 2 Thông tư liên tịch số 175/2011/TTLT-BQP-BGDĐT ngày 13/9/2-11 quy định: “Công dân nêu tại điểm điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều này chỉ được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong một khoá đào tạo tập trung đầu tiên, trường hợp tiếp tục học tập ở các khoá khác thì không được tạm hoãn gọi nhập ngũ”.
Như vậy nếu công dân chuyển trường mà tiếp tục học theo đúng ngành đào tạo đúng nội dung, chương trình thì mới thuộc diện tạm hoãn. Còn nếu chuyển trường học không đúng ngành đào tạo, học lại từ đầu thì không thuộc đối tượng xét tạm hoãn.
Các đối tượng trúng tuyển đại học, cao đẳng nhưng không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ, việc bảo lưu kết quả học tập và thủ tục cụ thể theo Luật mới sẽ như thế nào?
Tôi cho rằng không có gì thay đổi so với Luật và Nghị định, Thông tư hướng dẫn cũ.
Tại Khoản 5, Điều 1 của Thông tư liên tịch số 13/TTLT-BQP-BGDĐT ngày 22/01/2013 của Liên Bộ: Quốc phòng – Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “Công dân đã nhập ngũ vào Quân đội, nếu có Giấy báo nhập học vào các trường đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề trước hoặc sau thời điểm nhập ngũ thì báo cáo đơn vị quản lý biết để thông báo cho nhà trường (nơi phát hành Giấy báo nhập học) bảo lưu kết quả trúng tuyển của thí sinh đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ theo quy định tại Khoản 4 Điều 56 Luật Nghĩa vụ quân sự”.
Thông tư Liên tịch số 13/2013/TTLT-BQP-BGDĐT ban hành ngày 13/01/2013 của Liên bộ Quốc phòng – Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi đã khẳng định: “Công dân đi du học tại các trường ở nước ngoài có thời gian đào tạo mười hai tháng trở lên” nằm trong “Đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ”. Quy định này không loại trừ những người đỗ đại học (thậm chí là thủ khoa) nhưng dường như “loại trừ” những người đi du học. Đây cũng là kẽ hở để nhiều phụ huynh tìm cách cho con trốn nghĩa vụ quân sự. Ông có ý kiến gì về việc này?
Vấn đề này là do cơ chế, chính sách của Nhà nước để đào tạo nguồn nhân lực nên được tạm hoãn. Sau khi học ở nước ngoài về vẫn thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân; công dân phải có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Nghĩa vụ quân sự.
Theo tôi, với những học sinh có kiến thức vững vàng khi đã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng thì 18 tháng đến 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ kiến thức cũng chưa thể mai một được, còn việc học tập của các em là suốt đời; hơn nữa kể cả khi vào học ngay nếu không thật sự cầu thị, phấn đấu, tu dưỡng thì cũng chưa chắc đã đủ kiến thức để theo kịp được, trong khi môi trường quân đội cũng là một trường học lớn, không chỉ rèn luyện cho từng cá nhân về bản lĩnh, nhân cách mà còn tạo điều kiện cho các em phát triển tài năng.
Như vậy, tôi nghĩ rằng phụ huynh học sinh, sinh viên nên phân tích, động viên con em mình thực hiện tốt nghĩa vụ của mình khi Tổ quốc cần. Những gia đình tìm cách cho trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử lý theo quy định của Pháp luật.
Xin trân trọng cám ơn Thiếu tướng!
Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng – Bộ GD-ĐT cho biết: Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự mới sẽ được Quốc hội Khóa XIII thông qua vào năm 2015, còn có hiệu lực thi hành từ ngày nào là do Quốc hội quy định. Như vậy, kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2015 việc gọi công dân nhập ngũ vẫn thực hiện theo Luật và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn hiện hành, cho đến khi Luật Nghĩa vụ quân sự mới được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành.
|
Hồng Hạnh (thực hiện)
Nguồn: dantri.com.vn