Dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia: Nhiều băn khoăn
08/01/2015
Theo các chuyên gia, dù dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT đã toát lên tinh thần nghiêm túc, đảm bảo tính khách quan nhưng nhiều quy định chưa ổn, thậm chí còn làm rắc rối kỳ thi một cách không đáng có.
GS TSKH Lâm Quang Thiệp (nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD&ĐT): Phương án thi còn “bảo thủ”
Tổ chức thi theo cụm do các trường ĐH chủ trì là nội dung tích cực của dự thảo quy chế thi, góp phần đảm bảo chất lượng kỳ thi. Tuy nhiên, theo tôi, còn một yếu tố khác có tác động quyết định đến chất lượng kỳ thi, đó là công nghệ đo lường, thể hiện ở việc lựa chọn môn thi, phương pháp ra đề và chấm thi.
Theo dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi của Bộ, phương án 1 được lựa chọn (thi 8 môn, trong đó 4 môn vẫn giữ phương pháp tự luận) trong khi đây là phương án “bảo thủ” nhất. Thực tế trong quá trình lấy ý kiến góp ý cho việc tổ chức kỳ thi, nhiều trường ĐH đã đề nghị chọn phương án 2, tôi cũng vậy. Bộ trưởng cũng từng phát biểu rằng Bộ sẽ thay đổi dần, nhưng điều này lại không được thể hiện trong dự thảo quy chế.
Dự thảo quy chế nên thể hiện được lộ trình cải tiến công nghệ thi, nghĩa là các năm sau sẽ chuyển dần sang phương án 2, chỉ 5 đề thi Toán - tiếng Việt - Ngoại ngữ - Khoa học Tự nhiên - Khoa học Xã hội. Trong đó hai đề sau là đề tích hợp.
Một số người lo lắng về đề thi “tích hợp” khi mà chương trình học chưa tích hợp. Thật ra đề tích hợp có thể bao gồm các đề đơn môn độc lập, hoàn toàn chưa cần chương trình học tích hợp. Phương pháp trắc nghiệm cho phép làm các đề như vậy, chẳng hạn mỗi môn chỉ cần 15 – 20 câu trắc nghiệm, tích hợp 3 – 4 môn chỉ cần 45 – 80 câu.
Bên cạnh rất nhiều ưu điểm, phương pháp trắc nghiệm có nhược điểm là không đánh giá được khả năng diễn đạt và năng lực giải quyết vấn đề. Ta có thể khắc phục nhược điểm này bằng cách thêm vào đề toán và đề tiếng Việt một câu tự luận ngắn, đòi hỏi thí sinh không làm quá 30 phút. Hạn chế thời gian làm bài tự luận buộc thí sinh phải suy nghĩ cẩn thận trước khi viết, giám khảo thì đỡ tốn công chấm bài.
PGS Văn Như Cương: Tự nhiên làm rắc rối thêm.
Tôi còn băn khoăn về một số nội dung cụ thể trong dự thảo quy chế, trong đó có quy định sử dụng thang điểm 20. Đây là một quy định đưa ra chẳng giải quyết được vấn đề gì! Trước kia chúng ta cho điểm 10, nhưng các ý con được chấm chính xác đến 0,25 điểm – tức 1/4 điểm.
Như vậy thực chất bài thi trước đây của ta được sử dụng thang điểm 40. Bây giờ quyết định cho điểm 20 và vẫn chấm chính xác đến 0,25 điểm nên thực chất thành thang điểm 80.
“Việc sử dụng thang điểm 20 và chấm chi tiết đến 0,25 có thể áp dụng được một cách thuận lợi với các môn khoa học tự nhiên, nhưng với các môn khoa học xã hội và nhất là những môn có đề mở trong lĩnh vực này, đây là một thách đố ”. - PGS Văn Như Cương
|
Lý lẽ của Bộ là để chi tiết hóa, để phân biệt giữa em này với em khác không chỉ ở mức ¼ điểm trên 10 mà là ¼ điểm trên 20 (nghĩa là chênh nhau 1/8 điểm). Nếu muốn đạt mục đích đó, tại sao không cho điểm 10 như cũ rồi phân hóa đến 1/8 chứ không chỉ là 1/4?
Thậm chí có ý kiến cho rằng, Bộ cứ giữ nguyên điểm tối đa là điểm 10, rồi chấm chi tiết đến 0,1 chứ không chỉ là 0,25 thì yêu cầu phân hóa còn đảm bảo hơn.
Việc điểm thi dùng thang điểm 20, còn điểm quá trình học tập ở lớp 12 dùng thang điểm 10 dẫn tới rắc rối khiến khi tính toán để xét tốt nghiệp người ta phải làm thêm một thao tác nhân đôi điểm học lên hoặc chia đôi điểm thi xuống. Nếu nâng cả hệ thống điểm lên thành điểm 20 thì đó là một vấn đề lớn, có rất nhiều cái cần phải bàn.
TS Lê Viết Khuyến (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD&ĐT):
Tôi e ngại khi Bộ quy định mỗi thí sinh chỉ cần thi tối thiểu 4 môn, trong đó 3 môn bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn trong số các môn còn lại.
Trước đây thi tốt nghiệp là 6 môn, trong đó có một số môn đến cuối tháng 3 mới được công bố với mục đích là tránh tình trạng học lệch. Việc chỉ thi 4 môn rõ ràng hướng học sinh vào chuyện học lệch, và điều này là trái với phương châm giáo dục từ nhiều thập niên của Đảng – Nhà nước ta.
Bộ nói rằng, để tránh học sinh học lệch, khi xét tốt nghiệp có dành 50% số điểm cho điểm bình quân năm học 12 của học sinh. Nhưng quy định này chỉ hiệu quả trong điều kiện giáo dục chúng ta không có bệnh thành tích.
Khi bệnh thành tích vẫn tràn lan như hiện nay, kết quả điểm trung bình khó mà có thể tin cậy! Tại sao Bộ không cho thi 5 môn (như đã từng đề cập trong quá trình bàn phương án tổ chức kỳ thi), trong đó ba môn đơn (văn, toán, ngoại ngữ) và hai môn tổng hợp (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội)?
Có thể hiện nay đề thi tích hợp còn là chuyện xa vời, nhưng trước mắt ta hoàn toàn có thể ra đề tổng hợp của một số môn thi trong một đề thi. Nếu làm được việc này sẽ giải quyết được việc học lệch.
Phần quy định về làm đề và đáp án viết còn rất sơ sài. “Bệnh” của kỳ thi tốt nghiệp THPT lâu nay là đề thi không chuẩn nhưng nhiều năm Bộ lại né tránh, chỉ năm vừa rồi công bố đề thi chuẩn và căn cứ để đưa ra nhận xét này là phổ điểm đẹp (nhưng có thật là đẹp không và đẹp thế nào Bộ lại không công khai!?).
Theo tôi, cần phải đặt yêu cầu đối với đội ngũ làm đề, chẳng hạn kỹ thuật ra đề phải như thế nào đó để đề thi chuẩn, đừng rơi vào trường hợp tất cả thí sinh đều đỗ hết! 99,2% đỗ hết thì kỳ thi chẳng có ý nghĩa.
Giả sử không có tiêu cực quay cóp, ném bài nọ kia, đề thi như thế là không chuẩn! Ngược lại, nếu chỉ đỗ 10 – 15% thì đề thi quá khó, và cũng không chuẩn. Đề thi đạt chuẩn phải là đề thi tạo ra phổ điểm đối xứng, có điểm thấp có điểm cao.
Quý Hiên (ghi)
Nguồn: tienphong.vn