Hồ sơ thi ĐH, CĐ 2014 giảm mạnh
30/04/2014
Ngày 29-4, hạn cuối nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ, theo ghi nhận, số lượng hồ sơ giảm mạnh so với năm ngoái. Nhiều trường có ngành bị đình chỉ tuyển sinh rồi được phép tuyển sinh, kéo dài xét tuyển đến ngày 9-5
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM cho biết lượng hồ sơ đăng ký thi ĐH, CĐ của học sinh thành phố giảm khoảng 20.000 bộ so với năm 2013 (trên 143.000 hồ sơ). Tại Đồng Nai, lượng hồ sơ thu được khoảng 42.000 bộ, giảm đến 6.000 hồ sơ so với năm 2013.
Cân nhắc đến phút cuối
Ông Ngô Đình Dưỡng, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên - Chuyên nghiệp Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh này nhận tổng cộng 31.431 hồ sơ ĐKDT, trong đó có 27.090 hồ sơ thi ĐH, giảm 3.000 bộ so với năm ngoái. Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên - Chuyên nghiệp Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, sở này nhận tổng cộng 21.944 hồ sơ thi ĐH, CĐ, giảm 4.665 bộ so với năm ngoái. Đại diện các sở GD-ĐT Hậu Giang, Cà Mau, Đắk Lắk, Trà Vinh cũng thông tin hồ sơ ĐKDT năm 2014 giảm so với năm ngoái.
Tính đến 15 giờ hôm qua, 29-4, thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường ĐH không nhiều biến động. Tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM. TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo, cho biết lượng hồ sơ nộp trực tiếp vào trường về cơ bản không thay đổi so với năm 2013 khi nhận được khoảng 1.600 bộ. Theo ông Nguyễn Anh Đức - Trưởng Phòng Công tác học sinh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM - trường này nhận được trên 1.700 hồ sơ nộp trực tiếp. So với năm 2013, lượng hồ sơ nộp trực tiếp không thay đổi.
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TP HCM, cho biết năm nay, tổng hồ sơ của thí sinh tự do nộp tại Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT là trên 28.000 bộ, tăng khoảng 3.000 bộ so với năm 2013. Tuy nhiên, nguyên nhân tăng hồ sơ thi ĐH, CĐ là do Sở GD-ĐT TP HCM không trực tiếp nhận của thí sinh tự do mà đưa về các trung tâm giáo dục thường xuyên nên thí sinh chuyển hướng qua Cơ quan Đại diện của Bộ GD-ĐT để nộp.
E dè xét tuyển
Theo ông Nguyễn Anh Đức, năm nay Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM chỉ có 4/21 ngành thực hiện xét tuyển, gồm: công nghệ in, kinh tế gia đình, kỹ thuật công nghiệp và sư phạm tiếng Anh. Số lượng xét tuyển từ 25%-30% chỉ tiêu mỗi ngành, tức khoảng 95 chỉ tiêu cho cả 4 ngành. Tuy nhiên, trong số hơn 1.700 hồ sơ nộp trực tiếp tại trường, chỉ có khoảng 100 hồ sơ xét tuyển. “Lượng hồ sơ xét tuyển nộp trực tiếp không nhiều, có thể là do hình thức xét tuyển còn quá mới nên thí sinh không dám mạo hiểm hoặc tiêu chí xét tuyển quá cao” - ông Đức nhận định.
Ông Trần Thanh Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, cho biết năm nay, tổng chỉ tiêu hệ ĐH và CĐ chính quy là 1.500. Trường thực hiện xét tuyển dựa trên kết quả THPT với tỉ lệ 60% chỉ tiêu, đồng thời xét tuyển dựa trên kỳ thi 3 chung của bộ 40% chỉ tiêu. Hiện nay, trường mới nhận được 1.000 hồ sơ tham gia xét tuyển.
Tại Trường ĐH Công nghệ TP HCM, tất cả ngành đào tạo đều thực hiện xét tuyển. Tuy nhiên, hồ sơ tham gia xét tuyển vẫn còn thưa thớt. Ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng Phòng Tuyển sinh - Truyền thông của trường, cho biết yêu cầu xét tuyển của trường là phải có kết quả bảng điểm 6 học kỳ và hạn chót nộp hồ sơ xét tuyển đến hết ngày 30-6 nên có lẽ thí sinh không vội nộp.
Ông Hồ Viễn Phương, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết tại thời điểm này, trường nhận được 986 hồ sơ của thí sinh nộp trực tiếp, trong đó khoảng 300 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển/18 ngành. Như vậy, mỗi ngành chưa tới 17 hồ sơ.
Ông Phương cho rằng năm nay là năm đầu tiên thực hiện xét tuyển ĐH nên tâm lý thí sinh còn e dè. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khác là thông tin xét tuyển còn chưa đến với thí sinh một cách đầy đủ và chính xác. Ngay cả nhiều giáo viên chủ nhiệm còn chưa nắm rõ nguyên tắc xét tuyển, lẫn lộn xét tuyển thì không được thi tuyển nên cứ yêu cầu thí sinh đăng ký thi tuyển cho chắc.
“Linh động” nhận hồ sơ đến ngày 9-5
Quyết định cho phép tuyển sinh trở lại của Bộ GD-ĐT chỉ cách thời hạn cuối để các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ ĐKDT ít ngày nên nhiều trường đã “linh động” kéo dài thời gian nộp hồ sơ thay vì chốt ngày 29-4 theo lịch của bộ để tránh thiệt thòi cho thí sinh. Ông Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, cho biết trường kéo dài nhận hồ sơ ĐKDT ngành nhiếp ảnh và các bài thi điều kiện chuyên ngành tại trường từ ngày 18-4 đến hết 9-5. Lãnh đạo Trường ĐH Nông Lâm (Bắc Giang) cho hay thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển tại trường đến ngày 10-5, trường sẽ gửi thông báo phỏng vấn cho thí sinh trước ngày 20-6.
Theo ông Cao Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), ngày 29-4 là hạn cuối nhưng với những ngành mới được tuyển sinh trở lại thì có thể “mềm hóa”, kéo dài thời gian nhận hồ sơ đến ngày 9-5. “Chúng tôi nhận hồ sơ từ Bộ GD-ĐT vào ngày 9-5 nên đến thời điểm này có thể vẫn nhận hồ sơ trực tiếp của thí sinh, như thế có lợi hơn cho các em” - ông Cao Văn nói.
Hàng loạt ngành tuyển sinh trở lại
Hàng loạt trường ĐH trên cả nước vừa được lãnh đạo Bộ GD-ĐT ký quyết định cho phép tuyển sinh trở lại trong năm 2014. Trong danh sách này, được tuyển sinh trở lại nhiều nhất là các trường đóng tại TP HCM. Có thể kể đến Trường ĐH Sư phạm TP HCM với ngành ngôn ngữ Nhật; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) ngành ngôn ngữ Tây Ban Nha; Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM) ngành hải dương học; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM ngành công nghệ may; Trường ĐH Quốc tế Miền Đông ngành kỹ thuật phần mềm, truyền thông và mạng máy tính; Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng ngành điều dưỡng, ngôn ngữ Trung Quốc…
|
Nguồn: nld.com.vn