Ba hay bốn mức điểm sàn không có gì mới!
23/04/2014
Ngay sau khi ngành GD&ĐT đưa ra thông tin: dự kiến, sẽ có 3 hoặc 4 mức điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014, nhiều nhà quản lý giáo dục đã có ý kiến về vấn đề này.
Chả ích gì!
Đó là lời nhận xét chung của nhiều nhà quản trị ĐH các trường ĐH Bách khoa, ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG HN)… bởi lý do: các trường ĐH tốp trên chưa bao giờ phải cân nhắc đến điểm sàn (ĐS) khi tuyển sinh. Nhiều trường tự định ra ĐS ở mức cao hơn.
Lấy ĐHQG HN là một ví dụ, ĐS để bước chân vào ĐH này bao giờ cũng là 17-18, cao hơn ĐS quốc gia từ 3 đến 4. Trên thực tế, ông Mai Trọng Nhuận, nguyên GĐ ĐHQG HN cho rằng, các trường đã tự đặt ra nhiều ĐS từ trước nay, bằng chính điểm chuẩn của họ, trường 20, trường 25, có trường 27 điểm còn trượt.
Ông Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ngoài công lập, khối trường được cho rằng ĐS ảnh hưởng nhiều nhất, cũng khẳng định: so với mọi năm, chủ trương “3 hay 4” chả có gì mới, đây chỉ là cách “chơi chữ” của các nhà quản lý giáo dục, nghe cho có vẻ khoa học mà thôi. Ông Khuyến nói, ngay cả chuyện phân tầng đại học để cho các trường tự xếp hạng cũng chỉ là câu chuyện nói có vẻ đại ngôn bởi từ lâu, điểm chuẩn của các trường đã xác định thứ hạng của họ.
Ngay như trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN, một trường hầu như tuyển sát sàn trở lên cũng có quan điểm rất rõ ràng. “Điểm quốc gia đã lọc cho 20% người đỗ thì cớ gì phải bỏ”, ông Kim Sơn, Chánh văn phòng nhà trường nói.
Ông Sơn cho rằng học sinh chọn học, ra trường có việc làm, và ngày càng có nhiều người tự tìm đến học, đó là sự xếp hạng hay nhất nên “chúng tôi chả ngại chuyện xếp hạng hay tuyển sát ĐS”, ông Kim Sơn khẳng định. Vì vậy, theo ông Sơn, 3 hay 4 thì trường này vẫn tuyển sát nút và lấy từ cao xuống!
Đắn đo khi nhận mức C hay D?
Ông Đoàn Văn Vệ, Trưởng phòng đào tạo trường ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG HN) cho rằng 3 hay 4 mức điểm sàn (ĐS) đều không ảnh hưởng gì tới đa số các trường ĐH.
Ông Vệ dự báo: chẳng hạn gọi 3 hay 4 mức ĐH là A, B, C, D thì các trường chủ yếu chắc sẽ nhận mình ở tốp A, B và không trường nào muốn nhận mình ở tốp C hay D.
Những trường phải nhận ở nhóm C hay D cũng sẽ phải cân nhắc và xa hơn, năm nay nhận C hay D thì liệu sang năm liệu có nằm trong nhóm C hay D không?
Hệ số còn quá cứng nhắc
Ngay cả quyền quyết định nhân hệ số 2 một môn mà Bộ GD&ĐT cho quyền các trường quyết định cũng chả có gì mới. “Nhiều trường đã âm thầm tự làm từ lâu để tuyển sinh được mềm dẻo hơn theo chuyên ngành đào tạo (chủ yếu là môn ngoại ngữ hoặc môn năng khiếu)”, ông Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch các trường ngoài công lập nói.
Một nhà quản trị ĐH ở ĐH Bách khoa nhìn nhận vấn đề ở góc độ rộng hơn: trọng số (nhân hệ số 2) một môn học mà Bộ mới đưa ra là quá cứng nhắc. Nhà quản lý này đặt các câu hỏi tại sao chỉ là một môn được nhân hệ số và tại sao lại chỉ là hệ số 2?
Theo ông Bộ nên để quyền tự quyết cho các trường với quy định mềm dẻo hơn, chẳng hạn: có thể nhân hệ số 1-2 môn thi, với hệ số từ 1-2… để các trường tùy ngành đào tạo mà có thể nhân hệ số 2 môn với các trọng số, có thể là, 1,5 hoặc 2,0 mới hợp lý.
Bộ cần nắm chỉ tiêu đúng thực lực các trường
Ông Lê Viết Khuyến nói: chính sách tuyển sinh như năm nay, tốp trên cũng rối, tốp dưới cũng… bối rối vì không chấm dứt được tình trạng thí sinh ảo.
Lý do ông Khuyến đưa ra là đề thi tuyển sinh không chuẩn nên 20% thí sinh đạt điểm cao nhất của môn này là 7 thì rất có thể của môn khác chỉ là 5 hoặc 3. Điều này dẫn đến sự không hợp lý của phương án ĐS là tổng điểm 3 môn thi mà Bộ đưa ra.
Điều Bộ nên làm là, dựa vào phổ điểm thi của thí sinh, định ĐS riêng của từng môn và các ĐS phải là riêng đối với các vùng đặc thù khác nhau để thể hiện tính công bằng cho vùng miền, như ông Khuyến đề nghị. Theo ông Khuyến, hình thức ưu tiên cộng thêm 2 điểm, 3 điểm cho thí sinh chỉ là trò chơi “bốc thuốc”.
Cũng theo ông Khuyến: để giải quyết vấn đề của tuyển sinh, điều mà Bộ GD&ĐT cần làm nghiêm túc là phải nắm chỉ tiêu, đúng thực lực của các trường, không để các trường tự đặt chỉ tiêu theo kiểu “phóng thiên phóng địa”, sinh ra hiện tượng như vừa qua: một trường ĐH chỉ có mười mấy giảng viên với hơn 10 ngành đào tạo mà tự định ra 800-900 chỉ tiêu tuyển sinh!
Ông Khuyến kết luận: Bộ GD&ĐT thả lỏng chỉ tiêu như hiện nay thì “3 hay 4” hay phương án nào cũng không cứu vãn được tình thế tuyển sinh hiện nay.
Ông Lê Viết Khuyến khẳng định: với chức năng to lớn của mình, việc của Bộ GD&ĐT không phải chi ly tới mức 3-4 ĐS mà là tổ chức thật tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
“Ở các nước tiên tiến cũng chỉ 70-75% học sinh tốt nghiệp. Nếu làm tốt thì trong tương lai, kết quả kỳ thi này có thể làm một căn cứ để các trường ĐH có thể hoạch định phương án tuyển sinh. Đó mới là giao quyền tự chủ cho các trường” – Ông Khuyến nói.
Hồ Thu
Nguồn: tienphong.vn