Tuyển sinh ĐH-CĐ 2014: Dè dặt với tuyển sinh riêng
28/04/2014
Đến thời điểm này, hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 vào các trường ĐH-CĐ của thí sinh đang được các sở GD-ĐT của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước tổng hợp và kiểm dò. Thống kê sơ bộ kết quả hồ sơ ĐKDT năm nay đã dần định hình với nhiều điểm nổi bật như hồ sơ ảo vẫn nhiều, nhóm ngành công nghệ kỹ thuật thu hút nhiều hồ sơ, thông tin tuyển sinh riêng chưa thu hút thí sinh và đặc biệt hồ sơ có xu hướng giảm.
Hồ sơ giảm, ảo vẫn nhiều
Theo nhận định của nhiều sở GD-ĐT, tình hình hồ sơ ĐKDT tuyển sinh năm 2014 có xu hướng giảm nhưng tình trạng một thí sinh nộp từ 2 hồ sơ trở lên vẫn chiếm đa số.
Thống kê từ Phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Bình Thuận cho biết, hồ sơ năm nay của tỉnh là 24.098 hồ sơ (năm 2013 là 30.000 hồ sơ). Trong đó, Trường ĐH Sư phạm TPHCM có 2.077 hồ sơ, Trường ĐH Sài Gòn 1.913 hồ sơ, Trường ĐH Nông lâm TPHCM 1.638 hồ sơ. Những trường như ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghiệp TPHCM có hồ sơ từ 1.000 – 1.483 hồ sơ. Dù học sinh lớp 12 giảm hơn so với năm 2013 nhưng thống kê cho thấy, trung bình khoảng 1,8 hồ sơ/thí sinh.
Theo đại diện Sở GD-ĐT Trà Vinh, toàn tỉnh năm nay có khoảng 8.000 hồ sơ ĐKDT, giảm nhẹ so với năm 2013. Trong khi đó, Sở GD-ĐT Bình Thuận cho biết hồ sơ thí sinh của tỉnh này tương đương so với năm 2013 (khoảng 30.000 hồ sơ). Sở GD-ĐT Hậu Giang năm nay có 6.000 hồ sơ ĐKDT, giảm nhẹ so với năm 2013. Trong khi đó, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai năm nay tổng hồ sơ là 42.188, giảm gần 6.000 hồ sơ so với năm 2013.
Ngay tại TPHCM, học sinh của nhiều trường THPT vẫn nộp từ 2-3 hồ sơ ĐKDT. Sau khi nhập liệu và kiểm tra hồ sơ, đại diện Trường THPT Trung Lập (Củ Chi) cho biết năm nay mỗi học sinh đều nộp 2 hồ sơ ĐKDT, trong đó có một bộ hồ sơ là vào một trường CĐ. Trong khi đó, Trường THPT Gia Định có hơn 1.000 học sinh, trung bình mỗi em nộp 2-3 hồ sơ. Học sinh đã phân hóa ngay từ đầu chuyện chọn ngành và khối thi, nhiều nhất là khối A, A1, B. Toàn trường chỉ có 2-3 hồ sơ ĐKDT khối C. Trong đó, hồ sơ đăng ký tập trung nhiều vào những trường như ĐH Quốc tế và ĐH Kinh tế - Luật thuộc ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tại Trường THPT Bình Chánh có 656 học sinh lớp 12 ĐKDT vào nhiều trường như ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Sài Gòn và khối A chiếm nhiều hồ sơ nhất.
Tại các trung tâm luyện thi ở TPHCM, Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn năm nay dẫn đầu khi có hơn 6.000 hồ sơ ĐKDT (giảm khoảng 1.000 hồ sơ so với năm 2013). Những trung tâm luyện thi còn lại có lượng hồ sơ ít hơn so với mọi năm: Trung tâm Luyện thi Nguyễn Thượng Hiền hơn 1.600 hồ sơ, Trung tâm Luyện thi Trường Dự bị đại học TPHCM hơn 1.400 hồ sơ. Riêng thí sinh ở những trung tâm này dường như không quan tâm đến các trường tuyển sinh riêng mà chủ yếu tập trung vào những trường lớn như ĐH Y Dược TPHCM, các trường thành viên ĐH Quốc gia TPHCM.
Tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT, bộ phận tuyển sinh đã nhận hơn 28.000 hồ sơ đăng ký của thí sinh. Trong đó, thí sinh khá dè dặt với thông tin tuyển sinh riêng của nhiều trường. Đa phần các thí sinh chọn 2 phương án tuyển sinh, nhưng trong đó trọng tâm vẫn chọn phương án thi 3 chung. Hiện tượng một thí sinh thi ĐH chọn một khối thi nhưng nộp hồ sơ ĐKDT vào đến 3 trường, chưa kể đến hồ sơ thi CĐ.
Chọn cả 2 phương án
Tính đến thời điểm này, Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM dẫn đầu về lượng hồ sơ của thí sinh tự do khi tăng khoảng 5.000 hồ sơ so với cùng thời điểm năm 2013. Lý do hồ sơ của đơn vị này tăng là vì năm nay Sở GD-ĐT TPHCM không nhận hồ sơ của thí sinh tự do. Theo thống kê sơ bộ, trong khoảng hơn 28.000 hồ sơ, trong đó thí sinh tập trung khá nhiều vào các trường như ĐH Sài Gòn (gần 2.000 hồ sơ), ĐH Sư phạm TPHCM (gần 1.000 hồ sơ), ĐH Y Dược TPHCM (hơn 800 hồ sơ), ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (hơn 600 hồ sơ), ĐH Công nghiệp TPHCM (gần 700 hồ sơ), ĐH Tài chính Marketing (hơn 500 hồ sơ), ĐH Nông Lâm TPHCM (hơn 450 hồ sơ) và các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn đến vài trăm hồ sơ). Trong khi đó, các trường CĐ có nhiều hồ sơ đăng ký gồm CĐ Kinh tế đối ngoại, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, CĐ Tài chính Hải quan.
Theo nhận định của chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT Nguyễn Quốc Cường: “Việc lựa chọn ngành nghề của các thí sinh đã có sự chuyển biến khá nhiều. Thí sinh đã chuyển hướng từ nhóm ngành kinh tế, tài chính ngân hàng qua nhóm ngành công nghệ như: công nghệ cơ khí - kỹ thuật, công nghệ ô tô, về nhóm ngành khoa học xã hội, luật, tâm lý học…”.
Đối với nhiều trường có phương thức tuyển sinh riêng (chủ yếu là xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp và điểm 3 năm THPT) thí sinh khá dè dặt và phần lớn thí sinh đăng ký chọn cả 2 phương án. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đến cuối ngày 22-4 nhận được hơn 1.200 hồ sơ ĐKDT nộp trực tiếp tại trường. Trong đó, đa phần thí sinh thắc mắc nhiều đến tuyển sinh riêng và chọn cả 2 phương án thi (thi “3 chung” và đăng ký xét tuyển). Ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TPHCM cho biết: Hiện nay trường nhận gần 1.000 hồ sơ của thí sinh nộp trực tiếp tại trường. Hầu hết thí sinh ĐKDT vào trường đều chọn 2 phương án tuyển sinh của trường. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sau 4 ngày nhận hồ sơ trực tiếp tại trường cũng thu hơn 1.000 hồ sơ của thí sinh.
Trong khi đó, đại diện nhiều sở GD-ĐT cho rằng: “Do có quá nhiều trường tuyển sinh riêng nên cán bộ thu nhận hồ sơ của sở không thể nắm rõ từng trường mà thí sinh phải tự tìm hiểu để nộp hồ sơ. Việc thu nhận hồ sơ tuyển sinh riêng nên để thí sinh đến các trường làm hồ sơ, nếu để các sở gánh là không thể”.
Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi trực tiếp tại các trường tổ chức thi đến 17 giờ ngày 29-4. Các sở GD-ĐT bàn giao hồ sơ và lệ phí tuyển sinh cho các trường ĐH-CĐ, bàn giao lệ phí tuyển sinh cho Bộ GD-ĐT tại Hà Nội: ngày 9-5 và tại TPHCM: ngày 12-5.
|
THANH HÙNG
Nguồn: sggp.org.vn