Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Hết cú sốc “30 điểm vẫn trượt đại học”

02/07/2018


Với đáp án của 5 môn thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH) cùng những phân tích, so sánh với đề thi năm 2017 của các chuyên gia, dự kiến điểm thi năm nay sẽ không còn tái diễn “mưa, lốc” điểm 10, hay tình trạng 30 điểm vẫn rớt đại học. Theo đó, điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) nhiều ngành, nhiều trường sẽ giảm mạnh. 

Rất hiếm điểm 10

Nhiều giáo viên cho rằng đáp án môn Ngữ văn do Bộ GD-ĐT công bố sẽ là thách thức đối với cán bộ chấm thi. Trong đó, ở phần đọc - hiểu và nghị luận xã hội, các giáo viên nhận định đáp án chỉ làm cho có, phó thác tất cả cho cán bộ chấm thi. Nếu canh theo đáp án mà chấm thì sẽ rất khó và thiệt thòi cho thí sinh. Vì vậy, cán bộ chấm thi cần phải công tâm, chấm kỹ, đề cao sự khác biệt và chấp nhận những khác biệt nếu nó có đủ lý lẽ để thuyết phục.

Thầy Nguyễn Hữu Dương, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (TPHCM), đánh giá đề thi Ngữ văn năm nay có tính thời sự, giáo dục, sư phạm, có tính phân hóa cao, giải quyết khéo léo yêu cầu đánh giá tốt nghiệp và tuyển sinh đại học (ĐH). Đa số thí sinh có thể đạt được điểm trung bình, còn điểm khá, giỏi sẽ không nhiều. 

Nhận định về môn Toán, TS Hoàng Hữu Vinh, Trường THPT Vĩnh Viễn, cho rằng có nhiều câu cực khó, ngay cả thí sinh giỏi cũng không làm được. Đa số thí sinh không đủ thời gian để hoàn tất bài thi trong vòng 90 phút. Dự báo điểm sẽ thấp hơn năm 2017. Số học sinh đạt 4 - 5 điểm sẽ nhiều nhất. Học sinh giỏi thật sự sẽ đạt mức 8 điểm, dù đề thi chính thức này có độ khó thấp hơn một số đề thi thử của các trường chuyên. Số học sinh đạt điểm 9 - 10 sẽ ít hơn năm 2017. Nếu học sinh đạt điểm 10 thì chắc chắn là có những câu nhờ may mắn. 

Với tổ hợp bài thi KHTN năm nay, nhiều khả năng điểm sẽ thấp hơn năm ngoái. Trong đó, môn Vật lý dễ thở nhất và phổ điểm từ 5 - 7 điểm. Tuy nhiên, môn Hóa học lại khó hơn và điểm 9 - 10 sẽ rất hiếm, phổ điểm tập trung ở mức 5 - 6. Môn Sinh học mức điểm 6 sẽ nhiều nhất và điểm 10 còn hiếm hơn cả môn Vật lý, hoặc nếu có thì thí sinh vừa giỏi, vừa luyện thi và có cả… may mắn.

Ở tổ hợp bài thi KHXH, với đáp án của Bộ GD-ĐT, nhiều giáo viên đánh giá thí sinh trung bình dễ dàng đạt được 5 điểm. Phổ điểm cũng tập trung từ 5 - 7 điểm. Môn Địa lý được cho là khó và mức điểm cũng tương đương với môn Lịch sử. Môn Giáo dục Công dân, đáp án có thể gây tranh cãi vì câu hỏi chưa chặt chẽ, thiếu dữ liệu, nên điểm thi sẽ khó bằng với năm 2017.   

Cuối cùng là bài thi Ngoại ngữ, với môn Tiếng Anh, mức độ phân hóa nhiều hơn so với năm 2017 nên điểm cao tuyệt đối sẽ ít. Phổ điểm tập trung nhiều ở mức 5 - 6 điểm.

Điểm chuẩn sẽ biến động 

Nhận định sơ bộ về các tổ hợp xét tuyển phổ biến như Toán - Lý - Hóa (khối A), Toán - Văn - Anh (D1), Toán - Hóa - Sinh (B), Văn - Sử - Địa (C), TS Phạm Hồng Danh, Trưởng bộ môn Toán cơ bản Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng: “Đề thi năm nay khó và phân hóa nhiều hơn năm 2017. Do đó, điểm khá giỏi, điểm tuyệt đối ở các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, tiếng Anh sẽ giảm mạnh và số điểm 10 sẽ rất hiếm. Vì vậy, những trường có các tổ hợp xét tuyển có Toán, Ngoại ngữ hay tổ hợp bài thi KHTN chắc chắn điểm chuẩn sẽ giảm, thậm chí giảm mạnh”.

Còn Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết: “Trường xét tuyển tập trung các tổ hợp A, A1, B, D1. Nếu đúng như đánh giá của giáo viên THPT thì dự báo điểm chuẩn nhiều ngành của trường sẽ giảm. Những ngành điểm chuẩn cao nhất sẽ giảm từ 1 - 2 điểm so với năm 2017”. 

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng dự đoán: Những ngành “hot” có điểm chuẩn từ 23 - 27 điểm chắc chắn năm nay sẽ bị tụt xuống ở mức 21 - 24 điểm. Dù lượng thí sinh dự thi tăng, nguồn xét tuyển dự kiến dồi dào và bỏ quy định điểm sàn (trừ những ngành sư phạm), nhưng với đề thi phân hóa mạnh nên số thí sinh điểm cao sẽ giảm mạnh so với năm 2017. Còn những ngành, trường tốp giữa với mức điểm chuẩn từ 17 - 22 sẽ giảm khoảng 1 - 2 điểm. Những trường tốp dưới, mức điểm trúng tuyển từ 15 - 16 điểm dự kiến sẽ không có sự xáo trộn, vì phổ điểm các môn tập trung ở mức 5 - 6 điểm/môn. 

Ở nhóm ngành KHXH, điểm chuẩn ngành Ngữ Văn sẽ ít biến động, nhưng ở những ngành điểm chuẩn cao như Quan hệ quốc tế, nhóm ngành du lịch - nhà hàng khách sạn, điểm chuẩn sẽ giảm từ 1 - 2 điểm. Với nhóm ngành kinh tế, đặc biệt là Kinh tế đối ngoại, Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh ở những trường như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Đối ngoại, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Kinh tế - Luật và ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), điểm chuẩn cũng giảm từ 1 - 3  điểm.

Điều đáng nói là năm nay “cú sốc” 30 điểm vẫn rớt ĐH như năm 2017 chắc chắn sẽ khó tái hiện. Có 2 lý do: Điểm ưu tiên khu vực đã bị cắt giảm 50% (tối đa từ 1,5 điểm xuống còn 0,75 điểm); Đề thi các môn thuộc tổ hợp KHTN khá khó ở những câu phân hóa nên số thí sinh đạt điểm 10 cực hiếm. Do đó, những ngành như Y đa khoa của các trường y hay những ngành thuộc khối công an, quân đội sẽ khó có chuyện 29 - 30 điểm vẫn bị rớt.

THANH HÙNG
Nguồn: sggp.org.vn – 02/07/2018

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]