Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Các trường đại học cam kết không xác định điểm sàn thấp

18/06/2018


Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo - GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng, năm 2018, có 381 đơn vị tham gia xét tuyển với 449.559 chỉ tiêu, tăng 1,2% so với năm 2017. 

Hệ thống đăng ký tuyển sinh sơ bộ ghi nhận 2,75 triệu nguyện vọng, tỷ lệ nguyện vọng/chỉ tiêu đạt 6,04 (tức tỷ lệ chọi 1/6); 89,51% số nguyện vọng tập trung vào 5 tổ hợp tuyển sinh truyền thống, còn lại là 400 tổ hợp với 10,49% nguyện vọng. Đáng chú ý, năm nay, dù yêu cầu đầu vào sư phạm cao, số thí sinh đăng ký vẫn giữ được như trước đây. 

Năm nay, việc xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) có 2 điểm mới nổi bật là các trường tự xác định điểm sàn và chỉ tiêu tuyển sinh (trừ ngành sư phạm, Bộ GD-ĐT vẫn xác định điểm sàn). Những trường đã kiểm định được tự xác định chỉ tiêu, còn các trường chưa được kiểm định thì tự xác định chỉ tiêu nhưng không vượt quá so với chỉ tiêu các năm trước. Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ hướng đến hậu kiểm thay vì tiền kiểm như trước đây nhưng nếu phát hiện trường nào sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Nhiều trường mong muốn Bộ GD-ĐT đẩy mạnh việc công bố chỉ tiêu sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng như thước đo chất lượng đào tạo.

“Tuy các trường năm nay được tự xác định điểm sàn, chỉ tiêu tuyển sinh nhưng hầu hết đều cho biết sẽ không tuyển sinh bằng mọi giá. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cũng bước đầu yên tâm để triển khai việc giám sát”, bà Phụng nói. 

Trách nhiệm của các trường ĐH cũng được thể hiện qua việc dù được tự xác định chỉ tiêu nhưng chỉ tiêu tuyển sinh chỉ tăng hơn 1% so với năm trước. Điều này nhờ một phần vào sự giám sát chặt chẽ của bộ, của báo chí, xã hội khi các trường bắt buộc phải công khai, minh bạch thông tin về tuyển sinh, đào tạo. Đơn cử, vừa qua, khi có thông tin về “tổ hợp lạ” ở một số trường, dư luận lên tiếng, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường điều chỉnh. “Thống kê cho thấy những tổ hợp truyền thống vẫn được tuyệt đại đa số thí sinh lựa chọn. Vì vậy, các trường không nên cố đưa ra các tổ hợp lạ để thu hút thí sinh vì thực tế là không hiệu quả”, bà Phụng khuyến cáo. Đến thời điểm này, theo Bộ GD-ĐT, hầu hết các trường ĐH cam kết sẽ không xác định điểm sàn thấp nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào. 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng các trường ĐH phải hết sức coi trọng công tác dự báo, cơ cấu nghề nghiệp để xác định chỉ tiêu, mở ngành đào tạo để tránh tình trạng “đưa chỉ tiêu nhiều nhưng thí sinh không vào”. Các trường cần chú trọng tới điều kiện chất lượng đào tạo, chấp nhận tuyển sinh ít trong một vài năm để củng cố cơ sở vật chất, bảo đảm tăng chỉ tiêu bền vững trong tương lai. Hiện có 60% các trường ĐH tham gia xét tuyển theo nhóm, hạn chế thí sinh “ảo”. 

Về việc xử lý “ảo” trong tuyển sinh ĐH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là trách nhiệm của các trường. Học sinh có quyền đăng ký vào rất nhiều trường và khi đủ điều kiện trúng tuyển vào nhiều trường thì các em có quyền chọn một trường mà mình thích. Các trường phải coi việc này là bình thường và thuộc trách nhiệm giải quyết của trường, không nên đẩy ra xã hội. 

LÂM NGUYÊN
Nguồn: sggp.org.vn – 18/06/2018

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]