Bản tin » Hướng nghiệp - Chọn nghề

Hay là mở lại khối E?

Từ nhiều năm qua, sự quan tâm của học sinh phổ thông đối với các môn khoa học xã hội ngày càng giảm sút, rất nhiều trường trung học phổ thông đã không đủ học sinh để mở ban khoa học xã hội.

 

Hệ quả của nó là trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học, các ngành khoa học xã hội phải mở rộng tuyển sinh cả khối A và khối B, điểm chuẩn cũng hạ xuống sát với mức sàn để mong đạt chỉ tiêu. Biện pháp mang tính “chữa cháy” này của các trường đại học cuối cùng lại làm  cho vấn đề trở nên bế tắc hơn khi “thị phần” của khối C  (và D) trong các kỳ tuyển sinh bị thu hẹp.

 

Không thể trách học sinh trong việc chọn ban để học, chọn khối để thi. Nhu cầu học (phổ thông) - chọn ngành nghề ( ĐH – CĐ) – tìm kiếm cơ hội làm việc (sau khi ra trường) là một vòng tròn khép kín, các yếu tố có quan hệ tương hỗ với nhau. Khi cơ hội chọn ngành học và tìm kiếm việc ngày càng bị thu hẹp thì sự thờ ơ của các em  trong quá trình học phổ thông cũng là tất yếu. Về lâu dài, điều này sẽ tạo ra  những bất ổn khó lường cho xã hội.

 

Có lẽ chúng ta đang quá cứng nhắc và thụ động trong việc tuyển sinh vào đại học, xem kỳ thì vào đại học chỉ là hệ quả của việc đào tạo ở phổ thông mà chưa thấy rõ tác dụng định hướng tâm lý học tập cho  các em từ quá trình này.

 

Tỷ lệ  2% học sinh chọn ban KHXH ở bậc THPT, 7,61% sv theo học  nhóm ngành Xã hội nhân văn ở bậc ĐH thật sự là điều đáng báo động. Thiết nghĩ, Bộ GD& ĐT cần có những thay đổi hợp lý trong việc quy định khối thi tuyển sinh vào ĐH – CĐ để mang lại kết quả tích cực cho việc “cứu vãn” các ngành KHXH và cải thiện sự chênh lệch quá lớn trong quá trình đào tạo trung học phân ban ở phổ thông.

 

Hiện nay, nhóm ngành kinh tế đang thu hút lượng thí sinh dự thi đông đảo nhất. Nhóm ngành này tuyển sinh 2 khối A và D, trong đó khối A là chủ yếu.

 

Tất cả chúng ta đều biết trong suốt quá trình đào tạo cử nhân kinh tế, chẳng bao giờ các em cần sử dụng kiến thức lý – hóa, những môn có thể đã từng là “sở trường” thời trung học.

 

Ngay cả với môn toán, nhóm ngành này cũng không yêu cầu cao như các ngành kỹ thuật; trong khi đó, vốn liếng ngoại ngữ, khả năng diễn đạt, soạn thảo văn bản hành chính… lại là điều không thể thiếu.

 

Rất nhiều em giỏi khối A có thể trở thành người chọn nhầm nghề, không phát huy được năng lực của bản thân. Nếu quy định  tỷ lệ tuyển sinh khối D là 90% (và sẽ tiến tới 100%)  cho nhóm ngành này, chắc chắn sẽ tạo ra những chuyển biến  tích cực đối với môn Văn và ngoại ngữ ở bậc phổ thông, nhất là khi tâm lý thực dụng “học để thi” đang ngự trị.

 

Với nhóm ngành ngoại ngữ, hiện nay chúng ta chỉ tuyển khối D và môn toán buộc phải dùng để thi đầu vào cũng trở nên thừa thãi trong quá trình học tập sau đó.

 

Nên  khôi phục lại khối E (ngoại ngữ, văn, sử- có thể chọn thêm môn địa) như những năm 1995 – 2000  và chỉ tuyển khối E cho nhóm ngành này, bởi người học ngoại ngữ cần sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa xã hội hơn là giỏi làm việc với các con số. Với ngành Luật và các ngành XH-NV còn lại, khối C và E sẽ là những lựa chọn hợp lý nhất.

 

Song song với việc cải cách khối thi, việc quy định chỉ tiêu đào tạo cho từng nhóm ngành cũng là điều cần phải chấn chỉnh. Nếu đào tạo tràn lan, những ngành thời thượng sẽ bóp chết những ngành khác và chúng ta sẽ rơi vào khủng hoảng (cả thừa và thiếu) nguồn nhân lực trong tương lai không xa.

 

Nếu thay đổi khối thi theo hướng này, việc chọn ngành học sẽ rông mở hơn rất nhiều đối với ban KHXH và các trường đai học cũng sẽ chọn được những đối tượng có năng lực phù hợp hơn với ngành nghề đào tạo. Những điều chỉnh linh hoạt, kịp thời từ những người lãnh đạo ngành giáo dục chắc chắn sẽ tạo ra không khí phấn khởi , tích cực cho việc dạy và học các môn khoa học xã hội ở bậc phổ thông, tạo nên tiền đề tốt đẹp cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

 

Nguyễn Đức Thạch (giáo viên Trường THPT Chu Văn An – Ninh Thuận)

26/04/2011 – vietnamnet.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang