Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Dừng tuyển sinh đại học 207 ngành: Phải truy ngược trách nhiệm

10/02/2014

Theo một thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), 207 ngành của 71 cơ sở đào tạo phải dừng tuyển sinh từ năm 2014.

Nhiều chuyên gia cho biết họ hoan nghênh động thái kể trên của Bộ GD&ĐT, nhưng không nên chỉ dừng lại ở việc tạm dừng tuyển sinh mà cần truy ngược lại trách nhiệm của những cá nhân liên quan.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, từ cuối tháng 3/2013 Bộ GD&ĐT đã tiến hành khảo sát, thống kê các cơ sở đào tạo trình độ ĐH. Kết quả rà soát, Bộ GD&ĐT thông báo dừng tuyển sinh với 207 ngành trình độ ĐH của 71 cơ sở đào tạo từ năm 2014. 

Nguyên nhân khiến các ngành này buộc phải dừng tuyển sinh là do không có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất một giảng viên có trình độ tiến sĩ và ba giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký. 

Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, chậm nhất đến 31/12/2015, nếu các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh của 207 ngành đó được khắc phục thì cơ sở đào tạo báo cáo với Bộ GD&ĐT để được xem xét cho phép tuyển sinh trở lại. Nếu không, Bộ GD&ĐT sẽ thu hồi quyết định cho phép đào tạo của ngành liên quan.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT thể hiện quyết tâm chấn chỉnh chất lượng đào tạo của các trường ĐH, tuy nhiên các đợt rà soát mới chỉ dừng lại ở điều kiện đảm bảo tỉ lệ giảng viên cơ hữu.

Năm 2010, Bộ đã cảnh báo 139 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ của 55 cơ sở đào tạo do thiếu giảng viên cơ hữu. Năm 2012, Bộ đã thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ 57 chuyên ngành của 27 cơ sở đào tạo. Mới đây, Bộ rà soát các chuyên ngành thạc sĩ và thông báo dừng tuyển sinh với 161 chuyên ngành không đủ giảng viên cơ hữu.

Tuy nhiên, thông báo sau lần rà soát này khiến dư luận giật mình khi mà có nhiều trường công lập gần như bị dừng tuyển sinh hoàn toàn. Chẳng hạn Trường ĐH Hà Tĩnh, một trường mới được thành lập năm 2007 trên cơ sở nâng cấp và sáp nhập ba trường CĐ Sư phạm Hà Tĩnh, Trung cấp Kinh tế Hà Tĩnh và Phân hiệu Trường ĐH Vinh tại Hà Tĩnh. Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, 14 ngành sẽ không được tuyển sinh từ năm 2014.

Nhưng Trường ĐH Hà Tĩnh vẫn chưa phải là cơ sở có nhiều ngành bị dừng đào tạo nhất mà vị trí này thuộc về Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh với 15 ngành đào tạo.

Một số trường khác có số lượng ngành bị dừng đào tạo nhiều là: Trường ĐH Hùng Vương – Phú Thọ (10 ngành), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Quảng Bình (đều 8 ngành/trường), Trường ĐH Phương Đông và Trường ĐH Quy Nhơn (7 ngành/trường)… Trong số các trường có ngành bị ngừng tuyển sinh không chỉ có các trường ĐH nhỏ mới được nâng cấp hoặc tư thục mà còn có cả những trường trọng điểm.

Cần truy cứu trách nhiệm của cơ quan quản lý

Trao đổi với Tiền Phong, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết cách đây ba năm, trong báo cáo kết quả giám sát về các điều kiện đảm bảo chất lượng GD ĐH, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cảnh báo về tình trạng quy mô đào tạo vượt xa năng lực đào tạo. Khi nêu những hạn chế, bất cập trong phần đánh giá chung, báo cáo đã nhấn mạnh về “những bất hợp lý trong việc thành lập, nâng cấp các trường ĐH, CĐ và mở ngành đào tạo”. 

Nhiều trường ĐH, CĐ được thành lập, nâng cấp hoặc chuyển từ đào tạo chuyên ngành sang đào tạo đa ngành không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; Việc mở trường và mở ngành tràn lan dẫn tới tình trạng mất cân đối về hình thức, trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu vùng miền. 

“Nhiều trường ham tuyển sinh, bởi cứ tuyển sinh được là thu được học phí. Động thái này của Bộ GD&ĐT là rất cần thiết, miễn là họ làm nghiêm túc, không làm oan cho các trường”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

GS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập cho biết ông cũng ủng hộ những động thái mà Bộ GD&ĐT thực hiện nhằm thiết lập một nền GD ĐH nghiêm túc. Tuy nhiên, Bộ không nên chỉ dừng lại ở việc thông báo dừng tuyển sinh mà phải kiểm điểm lại bởi cho mở ngành hay đóng ngành cũng đều là những việc thuộc thẩm quyền trách nhiệm của Bộ. 

 “Theo tôi biết, những ngành được thông báo dừng tuyển sinh cũng đều được Bộ cho mở ngành và cho tuyển sinh. Bây giờ Bộ nói các ngành đó điều kiện không đảm bảo chất lượng nên phải dừng tuyển sinh, vậy với những sinh viên đã vào học rồi thì có được học tiếp không và học tiếp ở đâu? Ai phải chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng cho những sinh viên này?”, GS Trần Xuân Nhĩ đặt vấn đề.

GS Trần Xuân Nhĩ còn cho rằng, Bộ GD&ĐT cần phải lần ngược trở lại quá trình từ khi mở ngành đến khi bị dừng tuyển sinh của 207 ngành có tên trong thông báo dừng tuyển sinh của Bộ để xem mắc mớ ở khâu nào, thời điểm nào. Vấn đề này liệu có liên quan và liên quan tới mức độ nào tới “trào lưu” mở trường, nâng cấp trường ĐH trong cách đây vài ba năm? “Có năm mà gần như bình quân mỗi tuần lại thêm một trường ĐH mới. 

Do đó dẫu quy trình thành lập trường, mở ngành rất chặt chẽ nhưng trước hiện tượng đó giới chuyên gia không thể nghi ngại, dường như có một sự sơ hở, lỏng lẻo ở khâu nào đó. Đâu đó có người lý giải khi mở ngành thì đủ điều kiện, trong quá trình hoạt động có sự thay đổi về nhân sự nên giờ thành không đủ điều kiện.

Nhưng tôi cho rằng có những trường hợp ngay từ khi mở ngành đã không đủ điều kiện nhưng vì những lý do nào đó mà cơ quan quản lý vẫn cho họ tuyển sinh. Dẫu cho những người làm sai hiện không tại vị thì vẫn cần phải truy cứu trách nhiệm”, GS Trần Xuân Nhĩ đề nghị.

“Việc dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo ĐH lần này mới chỉ là căn cứ vào kết quả rà soát tỉ lệ lực lượng giảng viên cơ hữu. Tôi tin rằng nếu rà soát các điều kiện khác nữa, chẳng hạn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện… thì số ngành không được tuyển sinh chắc chắn không thể dừng lại ở con số trên”. GS Nguyễn Minh Thuyết

Quý Hiên
Nguồn: tienphong.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang