Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Đề án tuyển sinh giai đoạn 2014-2016 của Đại học Đà Nẵng

05/02/2014
  
Dưới đây là những nội dung chính trong Đề án tuyển sinh Cao đẳng, Đại học hệ chính quy của ĐH Đà Nẵng:
 
I. MỤC ĐÍCH VÀ NGUYÊN TẮC LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN TUYỂN SINH
1.  Mục đích
Đại học Đà Nẵng là đại học trọng điểm quốc gia ở khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, đào tạo đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực. Trong những năm qua, công tác tuyển sinh của Đại học Đà Nẵng theo kỳ thi chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức có nhiều thuận lợi. Năm 2013, gần 55 ngàn thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng tại trường thành viên của Đại học Đà Nẵng với 11130 chỉ tiêu tuyển sinh. Hầu hết các ngành tuyển đủ chỉ tiêu theo nguyện vọng một với điểm chuẩn khá cao so với khu vực. Một số ngành có điểm chuẩn đầu vào thuộc hàng cao nhất trong cả nước.
Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giao quyền tự chủ cho các trường trong công tác tuyển sinh, năm 2014 Đại học Đà Nẵng vừa tổ chức tuyển sinh theo kỳ thi chung, vừa tổ chức tuyển sinh riêng với mục đích:
-  Thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
-  Thực hiện chuyển dần phương thức tuyển sinh chung sang phương thức tuyển sinh riêng theo tinh thần tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.
-  Đảm bảo chất lượng, phù hợp ngành nghề đào tạo, thực tiễn địa phương và nhu cầu nhân lực xã hội cần.
2. Nguyên tắc
Việc lựa chọn phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2014 của Đại học Đà Nẵng theo những nguyên tắc sau:
- Tiếp tục tuyển sinh theo kỳ thi chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trong năm 2014 đối với những ngành đang tuyển sinh ổn định, có số lượng thí sinh đăng ký dự thi lớn và có điểm chuẩn đầu vào cao trong những năm trước.
- Tuyển sinh riêng đối với những ngành có môn thi năng khiếu. Việc lựa chọn môn thi và môn xét tuyển phải đảm bảo tuyển chọn được thí sinh có năng lực phù hợp với ngành đào tạo.
- Kết hợp tuyển sinh theo kỳ thi chung và tuyển sinh riêng đối với một số ngành đặc thù vừa nhằm thu hút sự quan tâm của thí sinh, vừa tăng nguồn tuyển và lựa chọn được thí sinh có năng lực phù hợp ngành đào tạo. Việc tuyển sinh riêng đối với các ngành thuộc nhóm này sẽ là mô hình để nhân rộng hình thức tuyển sinh riêng trong những năm sắp đến.
Trong 2 năm tiếp theo, Đại học Đà Nẵng tiếp tục tăng cường quy mô và đa dạng hình thức tuyển sinh riêng để đến năm 2017 có thể tự chủ hoàn toàn trong công tác tuyển sinh.
 
II. PHƯƠNG ÁN TUYỂN SINH
1. Phương thức tuyển sinh
1.1. Phương thức thi chung
Năm 2014, Đại học Đà Nẵng đăng ký thực hiện kỳ thi chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức (trừ 2 ngành có môn thi năng khiếu. Ngoài ra ĐHĐN sẽ xét tuyển vào 6 ngành tại một số trường thành viên với một tỷ lệ chỉ tiêu nhất định cho mỗi ngành).
Việc tổ chức kỳ thi chung được thực hiện theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành.
1.2. Phương thức tuyển sinh riêng
1.2.1. Xét tuyển
Đại học Đà Nẵng dành 150 chỉ tiêu để xét tuyển vào các ngành:
TT
Ngành
Mã số
Chỉ tiêu
Đơn vị
1
Quản lý Nhà nước
D310205
25
Trường ĐH Kinh tế
2
Quản trị kinh doanh
D340101
25
Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum
3
Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành
D340103
25
4
Kế toán
D340301
25
5
Kiểm toán
D340302
25
6
Kinh doanh thương mại
D340121
25
a) Tiêu chí xét tuyển:
a1) Đối với ngành Quản lý Nhà nước (Trường Đại học Kinh tế)
- Điểm trung bình chung năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 của thí sinh (Điểm TB) đạt từ 6 điểm trở lên.
- Điểm trung bình các môn Văn, Sử năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 (5 học kỳ) của thí sinh đạt từ 5,5 điểm trở lên.
- Điểm  xét tuyển = Điểm TB + Văn TB + Sử TB
a2) Đối với 5 ngành xét tuyển của Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum
- Điểm tốt nghiệp PTTH/tổng số môn thi đạt từ 6 điểm trở lên.
- Tổng điểm trung bình các môn Toán, Lý, Hóa (hoặc tiếng Anh) năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 (5 học kỳ) của thí sinh đạt từ 18 điểm trở lên.
- Điểm  xét tuyển = Điểm tốt nghiệp PTTH/ tổng số môn thi + Toán TB + Lý TB + HóaTB (hoặc Anh TB).
b) Nguồn tuyển: thí sinh trong cả nước.
Ngoài việc xét tuyển, các ngành trên vẫn tuyển sinh từ kỳ thi chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức với tổng cộng 135 chỉ tiêu.
1.2.2. Thi tuyển các ngành có môn thi năng khiếu
Các ngành thi tuyển có môn thi năng khiếu gồm:
TT
Ngành
Mã số
Chỉ tiêu
Đơn vị
1
Kiến trúc (Khối thi: V2)
D580102
130
Trường ĐHBK
2
Giáo dục Mầm non
D140201
110
Trường ĐHSP
a) Tiêu chí xét tuyển:
a1) Ngành Kiến trúc:
- Điểm trung bình môn Văn năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 (5 học kỳ) của thí sinh đạt từ 5,5 điểm trở lên.
-Thi tuyển các môn: Toán (đề thi của kỳ thi chung do Bộ GD&ĐT tổ chức), Vẽ mỹ thuật (đề thi của Đại học Đà Nẵng).
- Điểm xét tuyển = Toán*1,5 + Vẽ mỹ thuật*2 + Văn TB.
a2) Ngành Giáo dục mầm non
- Thi tuyển các môn: Toán, Văn (khối D, đề thi của kỳ thi chung do Bộ GD&ĐT tổ chức), Năng khiếu (đề thi của Đại học Đà Nẵng).
- Điểm xét tuyển = Toán + Văn + Năng khiếu.
b) Nguồn tuyển: thí sinh trong cả nước.
2. Quy trình tổ chức xét tuyển, thi tuyển
2.1. Hồ sơ xét tuyển, thi tuyển
Hồ sơ xét tuyển, thi tuyển gồm:
- Hồ sơ đăng ký dự thi theo mẫu quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Bảng đăng ký xét tuyển vào Đại học Đà Nẵng (download trên trang web tuyển sinh của ĐHĐN tại địa chỉ http://ts.udn.vn).
2.2. Thời gian, phương thức nhận hồ sơ
Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển, thi tuyển, vào Đại học Đà Nẵng theo thời gian quy định của kỳ thi chung do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Phương thức nhận hồ sơ xét tuyển, thi tuyển, vào Đại học Đà Nẵng theo phương thức nhận hồ sơ của kỳ thi chung do Bộ GD&ĐT tổ chức.
2.3. Thời gian thi các môn năng khiếu
Thời gian thi các môn năng khiếu theo thời gian quy định của kỳ thi chung do Bộ GD&ĐT tổ chức.
2.4. Thời gian công bố kết quả xét tuyển, thi tuyển
Sau khi có kết quả thi tuyển, Đại học Đà Nẵng công bố các kết quả xét tuyển, thi tuyển, cùng lúc với công bố kết quả thi đại học, cao đẳng hệ chính quy theo kỳ thi chung do Bộ GD&ĐT tổ chức.
2.5. Chính sách ưu tiên
Các đối tượng ưu tiên chính sách hay khu vực được cộng điểm ưu tiên  theo qui chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành.
2.6. Lệ phí tuyển sinh
Lệ phí tuyển sinh được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
3. Phân tích ưu, nhược điểm của phương án tuyển sinh
Việc tổ chức thi tuyển theo kỳ thi chung kết hợp với xét tuyển một số ngành và thi tuyển các môn năng khiếu như đề xuất trong phương án nhằm thu hút sự quan tâm của thí sinh và giúp nhà trường lựa chọn được thí sinh có năng lực phù hợp ngành đào tạo. Sinh viên trúng tuyển đảm bảo đủ điều kiện về kiến thức văn hóa thông qua mức sàn tối thiểu về kết quả học tập ở phổ thông tương đối cao.
Ưu điểm:
- Lựa chọn được sinh viên có năng lực phù hợp với ngành đào tạo.
- Phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
- Đáp ứng nguồn nhân lực và các ngành nghề mà xã hội đang cần.
- Định hướng được việc lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh PTTH.
Nhược điểm:
- Thí sinh có thể vừa nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học các ngành khác, vừa nộp hồ sơ xét tuyển nên tồn tại số ảo khi xét tuyển.
 
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Chuẩn bị thi
Đại học Đà Nẵng thành lập Hội đồng tuyển sinh và các Ban giúp việc tổ chức công tác tuyển sinh.
Hội đồng tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2014 của Đại học Đà Nẵng sẽ chỉ đạo việc tổ chức các đợt tuyển sinh năm 2014, bao gồm các đợt thi trong kỳ chung do Bộ GD&ĐT tổ chức và tuyển sinh riêng. Ban Đề thi sẽ chỉ đạo trực tiếp công tác ra đề thi riêng các môn năng khiếu, in sao đề thi chung theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.
Thông tin chi tiết về kỳ thi tuyển sinh sẽ được thông báo bằng văn bản đến các Sở Giáo dục và Đào tạo, trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên trang web của Đại học Đà Nẵng (www.udn.vn) và các trường thành viên. Thông tin về tuyển sinh riêng được in trên tờ rơi và gửi đến các trường PTTH trong khu vực vaf casc Tỉnh Thành trong cả nước. Ngoài ra, mục Tư vấn tuyển sinh trực tuyến của Đại học Đà Nẵng tại địa chỉ http://ts.udn.vn sẽ giải đáp kịp thời các thắc mắc của thí sinh, phụ huynh trước và sau các đợt thi tuyển sinh.
2. Ra đề thi các môn thi năng khiếu
Môn Vẽ mỹ thuật thi vẽ theo mẫu vật được bố trí sẵn tại phòng thi.
Môn Năng khiếu (đối với tuyển sinh ngành Giáo dục mầm non) thi 3 phân môn gồm: Đọc diễn cảm, Kể chuyện, Hát.
3. Chấm thi
Việc tổ chức chấm thi các môn năng khiếu được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Công tác hậu kiểm
Sau khi thí sinh trúng tuyển nhập học, toàn bộ hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh trúng tuyển được Đại học Đà Nẵng chuyển về cơ sở đào tạo. Các trường thành viên có trách nhiệm kiểm tra các minh chứng xác nhận các chính sách ưu tiên, đối chiếu kết quả học tập thí sinh đã khai báo trong Bảng đăng ký xét tuyển vào Đại học Đà Nẵng với học bạ phổ thông trung học của thí sinh. Trường hợp phát hiện thí sinh khai báo sai, thí sinh sẽ được xử lý theo quy định.
5. Công tác khác
Các công tác liên quan đến kỳ thi bao gồm: thanh tra, giám sát quá trình tổ chức thi, chấm thi; phúc khảo và kiểm tra việc phúc khảo; công bố kết quả tuyển sinh; triệu tập thí sinh trúng tuyển; công tác đảm bảo an toàn cho kỳ thi; công tác tài chính v.v được thực hiện theo các quy định hiện hành trong tuyển sinh.
 
IV. LỘ TRÌNH VÀ CAM KẾT:
1. Lộ trình:
Năm 2014: Thực hiện thi như đã trình bày trong mục II của Đề án này.
Năm 2015 – 2016: Tổ chức rút kinh nghiệm, nghiên cứu tiếp tục tăng cường quy mô và đa dạng hình thức tuyển sinh riêng.
Năm 2017: Tự chủ hoàn toàn về tuyển sinh Cao đẳng, Đại học vào các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng
2. Cam kết:
- Tổ chức tuyển sinh theo quy định của Quy chế và dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Thực hiện nghiêm túc, an toàn, đúng quy định trong tất cả các khâu của công tác tuyển sinh.
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho các thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển, đảm bảo nghiêm túc, công bằng, khách quan và chống mọi hiện tượng tiêu cực.
- Công bố rộng rãi, công khai các thông tin về hoạt động tuyển sinh của Nhà Trường để xã hội, phụ huynh và thí sinh theo dõi, giám sát.
- Xử lí nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật các hiện tượng tiêu cực, hành vi vi phạm Quy chế tuyển sinh.
- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kịp thời. Kết thúc kỳ tuyển sinh năm 2014, ĐH Đà Nẵng tiến hành tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và đề xuất cụ thể các ngành tuyển sinh riếng năm 2015-2016.
 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang