Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Thi cụm địa phương vẫn có cửa vào ĐH

18/09/2014

Những thắc mắc liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia - nhất là vấn đề cụm thi, môn thi thay thế... - đã được Bộ GD-ĐT giải đáp ngày 17-9

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm 2015, thi tốt nghiệp THPT được chia làm 2 cụm: Thí sinh chỉ có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT đăng ký dự thi ở cụm địa phương; thí sinh có nhu cầu tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ thi ở các cụm do trường ĐH, CĐ phụ trách.

Cân nhắc khi đăng ký cụm thi

Trước những băn khoăn liệu thí sinh đăng ký dự thi tại cụm địa phương có còn cơ hội vào học ở các trường ĐH, CĐ hay không, lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT khẳng định vẫn có cơ hội.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, cho biết bằng tốt nghiệp THPT là điều kiện cần để thí sinh được vào học ĐH, CĐ; điều kiện đủ để được tuyển vào học được quy định tại đề án tuyển sinh riêng của từng trường. Những thí sinh thi tại cụm địa phương chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT vẫn có thể được xét tuyển vào ĐH, CĐ nhưng cơ hội hạn chế, phụ thuộc vào quy định của các trường. “Thí sinh cần cân nhắc kỹ về nguyện vọng, năng lực cá nhân và điều kiện của gia đình trước khi đăng ký tham dự kỳ thi” - ông Trinh khuyên.

Mặt khác, theo Bộ GD-ĐT, ngoài việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ được quyền tuyển sinh riêng theo đề án của mình. Ông Trinh cho rằng thí sinh cần theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường để thi vào các trường này, tận dụng được những cơ hội để vào trường ĐH, CĐ phù hợp.

Giám đốc sở quyết định môn thi thay thế

Theo quy định mới, thí sinh sẽ thi 4 môn tối thiểu (3 môn bắt buộc: toán, văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý). Những thí sinh, học viên không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện “không bảo đảm chất lượng dạy và học” thì không bắt buộc phải thi môn này. Thay vào đó, thí sinh được chọn môn thay thế trong số các môn tự chọn.

Trả lời những thắc mắc thế nào là “không bảo đảm chất lượng dạy và học”, việc thay thế bằng môn khác sẽ thực hiện ra sao..., Bộ GD-ĐT giải thích: Điều kiện dạy học không bảo đảm thể hiện ở các khía cạnh chính: giáo viên dạy ngoại ngữ thiếu hoặc chưa đạt chuẩn, việc thực hiện chương trình không liên tục, do học sinh chuyển trường nên phải học đổi môn ngoại ngữ, trường ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trang thiết bị dạy học, thực hành chưa đáp ứng yêu cầu... Những thí sinh học ngoại ngữ trong điều kiện như trên sẽ được tự chọn môn thi thay thế.

Theo Bộ GD-ĐT, việc thay thế môn ngoại ngữ bằng môn khác sẽ được cụ thể hóa trong quy chế thi và các văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Giám đốc sở báo cáo Bộ GD-ĐT để quyết định việc không bắt buộc thi môn ngoại ngữ đối với thí sinh của các trường thuộc phạm vi quản lý.

Vẫn tuyển thẳng học sinh giỏi vào ĐH

Bộ GD-ĐT khẳng định thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2015 và 2014 (bảo lưu) vẫn được ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ theo đúng quy định của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ.

Những thí sinh nêu trên vẫn phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Những thí sinh tham dự kỳ thi chọn vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2015 thì không phải thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

 YẾN ANH (nld.com.vn)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang