Kì thi THPT quốc gia 2015: Sự cải tiến của kỳ thi "3 chung"
22/09/2014
Kì thi THPT quốc gia chủ yếu sẽ được sẽ tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Việc hình thành cụm thi do Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm phụ thuộc vào lượng thí sinh chỉ đăng ký dự thi tốt nghiệp, không có nguyện vọng vào ĐH, CĐ.
Ngày 19/9, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã có buổi thảo luậnvới lãnh đạo ĐH Thái Nguyên, Sở GD-ĐT Thái Nguyên xung quanh về kì thi THPT quốc gia. Mục đích của buổi làm việc này nhằm giải đáp cũng như trao đổi những khâu kỹ thuật hợp lý để đảm bảo sự an, nghiêm túc và sự công bằng ở kì thi THPT quốc gia.
TS Mai Văn Trinh cho biết, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức trên cơ sở kế thừa, phát triển những ưu điểm, của Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Để đảm bảo tính nghiêm túc và độ tin cậy của kết quả thi thì chủ yếu sẽ tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Với các cụm thi tại địa phương, cùng với tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương trong tổ chức thi sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với Kỳ thi.
Đăng ký dự thi vào trung tuần tháng 3
Tại buổi làm việc này, PGS.TS Mai Văn Trinh đã đưa ra những thông tin khá quan trọng trong việc tổ chức kì thi THPT quốc gia.
Cụ thể, nếu như trước đây ở kì thi “3 chung”, vào khoảng trung tuần tháng 3 hàng năm thí sinh sẽ làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ và đăng ký nguyện vọng luôn thì ở kì thi THPT quốc gia TS phải xác định dự thi ĐH, CĐ hay chỉ đăng ký dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Khi thí sinh xác định dự thi ĐH, CĐ đồng nghĩa với việc phải đảm bảo điều kiện để được công nhận tốt nghiệp (bắt buộc dự thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn tự chọn) và điều kiện để đáp ứng xét tuyển của từng trường ĐH, CĐ mà thí sinh muốn đăng ký.
Ví dụ: Thí sinh X đăng ký dự thi ĐH, CĐ thì bắt buộc phải đăng ký các môn để được công nhận tốt nghiệp THPT là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn (giả sử là Hóa)
Trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội tuyển sinh ngành Kinh tế Đối ngoại ở các khối A, D1 (thông tin tuyển sinh của các trường sẽ được công bố trước khi thí sinh đăng ký dự thi - PV). Nếu thí sinh muốn đăng ký nguyện vọng vào khối A của ngành này thì chỉ cần dự thi thêm môn Lý; còn nếu đăng ký khối D1 thì không cần phải dự thi thêm (nếu môn Ngoại ngữ dự thi trước đó là Tiếng Anh).
Như vậy khi đăng ký dự thi với mục đích vào khối A của Trường ĐH Ngoại thương thí sinh phải đăng ký các môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại Ngữ, Hóa và Lý.
Đối với thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ thì điểm khác với kì thi “3 chung” trước đây đó là chưa xác định nguyện vọng dự tuyển của mình mà đợi sau khi có kết quả thi mới đăng ký dựa trên tiêu chí của các trường ĐH, CĐ đã công bố thông tin trước tháng 1 hàng năm mà có sử dụng kết quả của kì thi THPT quốc gia (mô hình giống như xét tuyển NV2, NV3 của kì thi tuyển sinh “3 chung”).
TS Mai Văn Trinh cho hay: Việc đăng ký dự tuyển sau khi đã có kết quả thi sẽ giúp thí sinh tránh được rủi ro là đạt điểm cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH như những năm trước đây, thí sinh lựa chọn được những trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực của mình, đáp ứng tốt hơn tính đa dạng về ngành nghề của giáo dục đại học; cho phép các trường tuyển được các thí sinh có năng lực sát hơn với ngành nghề đào tạo.
Bên cạnh đó, các trường ĐH, CĐ tự chủ và linh hoạt trong việc đề xuất các khối thi phù hợp với yêu cầu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo. Ngoài việc phải xác định tổ hợp kết quả các môn thi tương ứng với khối thi đã thực hiện như những năm vừa qua để xét tuyển thì các trường có thể xác định các tổ hợp môn thi khác để xét tuyển nhưng phải theo nguyên tắc: đối với ngành năng khiếu, sử dụng kết quả thi của ít nhất 1 môn văn hóa kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển; đối với các ngành còn lại, sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có môn Toán hoặc (và) môn Ngữ văn để xét tuyển. Như vậy thí sinh sẽ linh hoạt trong việc chọn các khối thi phù hợp, và sẽ giảm mạnh số thí sinh ảo.
Nguyên tắc bắt buộc của kì thi THPT quốc gia đó là, đối với thí sinh xác định dự thi ĐH, CĐ phải về các cụm thi do các trường ĐH chủ trì, hình thức giống như việc tổ chức của kì thi “3 chung”. Bộ GD-ĐT sẽ mở rộng thành nhiều cụm thi do các trường ĐH chủ trì (tương tự các cụm thi ở Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ) nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn dự thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Sự cải tiến này nhằm bớt chi phí so với kì thi “3 chung” bởi trước đây, nếu thí sinh tham dự cả 2 kỳ thi thì ít nhất phải làm bài với 7 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 môn thi tuyển sinh ĐH hoặc CĐ); nhiều thí sinh tham dự 3 đợt thi với 10 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1 và 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2); có những thí sinh tham dự tất cả 4 đợt thi với 13 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2 và 3 môn thi trong đợt tuyển sinh CĐ). Nhưng trong Kỳ thi THPT quốc gia mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 4 môn thi tối thiểu, nhiều nhất là 8 môn thi và phổ biến sẽ là 5 hoặc 6 môn thi; với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ 2014 về trước) thì số môn thi còn giảm đi, do vậy áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều. Thí sinh, gia đình và xã hội cũng sẽ giảm được chi phí cho Kỳ thi.
Hạn chế hình thành cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì
Với các thí sinh đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp, không có nguyện vọng lấy kết quả thi để dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ, tại các địa phương không có cụm thi do trường đại học chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì. Việc hình thành cụm thi này phụ thuộc vào số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Theo thống kế của Bộ GD-ĐT, hàng năm có khoảng 20% thí sinh có nguyện vọng này.
Nếu ở kì thi “3 chung” khi thí sinh không làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ thì đồng nghĩa là hết cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, ở kì thi THPT quốc gia mặc dù chỉ xác định đăng ký để xét tốt nghiệp THPT nhưng thí sinh vẫn còn cơ hội trúng tuyển vào ĐH, CĐ bởi việc đăng ký nguyện vọng diễn ra sau khi có kết quả thi.
TS Mai Văn Trinh cho hay, bằng tốt nghiệp THPT là điều kiện cần để thí sinh được vào học ĐH, CĐ. Tuy nhiên, điều kiện đủ để được tuyển vào học được qui định tại Đề án tuyển sinh riêng của từng trường. Hiện nay, mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc (nhất là kỳ thi năm 2014) nhưng nhìn chung dư luận xã hội vẫn chưa thực sự tin cậy vào kết quả thi.
Do những thí sinh thi tại cụm thi địa phương chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, vẫn có thể được xét tuyển vào ĐH, CĐ nhưng cơ hội hạn chế, phụ thuộc vào qui định của các trường ĐH, CĐ. Do đó TS cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký tham dự Kỳ thi phù hợp với nguyện vọng, năng lực cá nhân và điều kiện của gia đình. Mặt khác, ngoài việc sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ được quyền tuyển sinh riêng theo Đề án tuyển sinh của trường. Do đó, với các thí sinh dự thi tại các cụm thi địa phương vẫn có cơ hội để vào học ở các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả Kỳ thi để tuyển sinh.
Lo lắng về khâu chấm thi
ĐH Thái Nguyên sẽ là một cụm thi để phục vụ các thí sinh ở khu vực đông Bắc và đơn vị đã rất tự tin đảm bảo sự an toàn, nghiêm túc của kì thi. GS.TS Đặng Kim Vui khẳng định: Với việc hàng năm ở kì thi “3 chung” nhà trường tổ chức cho khoảng 70-80.000 thí sinh dự thi nên sẽ không gặp khó khăn gì nhiều. Điểm khác so với trước đây là chỉ còn một đợt thi nên số thí sinh tập trung về trường sẽ lớn đòi hỏi cần phải có sự chuẩn bị chu đáo hơn. Bên cạnh đó, lực lượng giảng viên của các trường ĐH không đủ để giám sát kì thi, coi thi nếu số lượng thí sinh quá lớn nên chắc chắn phải phối hợp với giáo viên phổ thông.
Một số lãnh đạo của các trường thành viên ĐH Thái Nguyên bày tỏ băn khoăn về việc chấm môn thi tự luận sẽ bị kéo dài, đặc biệt là môn Văn bởi đây là môn thi bắt buộc để công nhận tốt nghiệp.
Trước sự lo lắng này, TS Mai Văn Trinh giải thích: Chắc chắn sẽ không để việc thí sinh tập trung về một cụm thi do các trường ĐH chủ trì quá lớn. Theo dự tính của Bộ GD-ĐT thì tối đa mỗi cụm thi này chỉ có khoảng tối đa 50.000 thí sinh tham dự, với số lượng này thì không vượt khỏi tầm tổ chức của ĐH Thái Nguyên.
Liên quan đến chấm thi tự luận TS Mai Văn Trinh phân tích: Nếu như ở kì thi “3 chung” thì đến tận 16/7 mới kết thúc kì thi tuyển sinh và sau đó các trường mới tiến hành chấm thi thì ở kì thi THPT quốc gia việc kết thúc vào giữa trung tuần tháng 6. Điều này có nghĩa chúng ta có thêm hơn 1 tháng so với trước đây để tổ chức chấm thi nên chắc chắn sẽ không có sự cập rập về thời gian.
TS Mai Văn Trinh cũng chia sẻ: Tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia cũng sẽ có một số khó khăn. Thứ nhất, các trường ĐH, các sở GD-ĐT chủ trì tổ chức cụm thi trong thời gian 4 ngày, dài hơn so với 2 ngày đối với từng đợt thi từ năm 2014 trở về trước, nhưng xét về tổng thể so với việc các trường ĐH phải tổ chức 2 hoặc 3 đợt thi trước đây thì tổng thời gian tổ chức thi được rút ngắn. Thứ hai, những cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia coi thi, chấm thi có thể sẽ phải di chuyển nhiều hơn, xa hơn so với những năm trước, nhưng cán bộ, giáo viên, giảng viên và các nhà trường sẽ nỗ lực cố gắng khắc phục những khó khăn này để dành phần thuận lợi nhất cho thí sinh và gia đình các em.
Nguyễn Hùng
Nguồn: dantri.com.vn