Điểm sàn đại học, cao đẳng 2014 cần được xây dựng như thế nào?
13/02/2014
Trước những ý kiến về điểm sàn năm vừa qua không hợp lý, không sát thực tế, Bộ GD-ĐT cho biết, tiếp tục lấy ý kiến góp ý rộng rãi của dư luận xã hội, các chuyên gia giáo dục cho phương án xây dựng điểm sàn năm 2014.
Điểm sàn cần được thay thế bằng các tiêu chí khác?
Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức theo phương án “3 chung”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, điểm sàn năm 2013 chưa hợp lý, chưa sát với thực tế, mặc dù là thừa nguồn tuyển nhưng nhiều trường đại học, cao đẳng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, đối với tuyển sinh ĐH, CĐ, điểm sàn cần được thay thế bằng các tiêu chí khác.
Chỉ tiêu tuyển sinh vẫn do Bộ GD-ĐT thẩm định và giao cho các trường. Nhưng các trường, đặc biệt là các trường ngoài công lập nhiều năm tuyển không đủ chỉ tiêu có thể đưa ra tiêu chí thay thế cho điểm sàn, chẳng hạn chuyên ngành liên quan đến môn học nào nhiều thì bài thi môn đó phải có điểm số cao theo quy định là bao nhiêu.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Năm 2013, Bộ đã thay đổi cách xác định điểm sàn, dựa vào phổ điểm và công bố công khai phổ điểm để mọi người thấy được việc xác định khoa học về điểm sàn, không xác định trên số dịch chuyển như xã hội nghi ngờ và cách xác định này được xã hội đồng tình. Hiện nay, Bộ chưa tính đến phương án xác định điểm sàn nào khác. Vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng cần phải thay đổi cách xác định điểm sàn, vì vậy chúng tôi muốn tham khảo ý kiến thêm để xác định điểm sàn 2014 như thế nào”.
Thứ trưởng Ga khẳng định: Đã thi “3 chung” thì phải có điểm sàn để xác định ngưỡng tối thiểu để vào đại học. Hiện nay, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập yêu cầu xác định điểm sàn mới, vậy điểm sàn mới như thế nào? Tiêu chí xác định điểm sàn?... cần phải có thông tin cụ thể. Trong phương án các trường đề nghị xác định tuyển sinh riêng, các trường đều đề xuất ngưỡng tối thiểu vào trường. Tôi nghĩ các trường cũng đã xác định được ngưỡng tối thiểu để vào ĐH, CĐ.
Lấy ý kiến rộng rãi về điểm sàn 2014!
Năm trước số lượng thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên còn dôi dư rất nhiều nhưng tại sao nhiều trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu, có phải do điểm sàn. Ý kiến của lãnh đạo Bộ GD-ĐT về vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT: Phân luồng của ta hiện nay đang rất yếu. Hầu như học sinh của ta hiện nay đều tốt nghiệp phổ thông. Trong khi đó, chúng ta có nhiều hệ đào tạo như trung cấp nghề, cao đẳng nghề… Việc điểm sàn đảm bảo chất lượng đầu vào cho các hệ khác nhau nhưng nó cũng tác dụng đến việc phân luồng. Không có điểm sàn thì không thể phân luồng cho hệ trung cấp, cao đẳng nghề... nguyên tắc là như vậy.
Thi “3 chung” thì điểm sàn là giải pháp tình thế tốt nhất hiện nay. Đầu năm Bộ cương quyết giữ điểm sàn mà đến bây giờ Bộ có vẻ như bắt đầu có thay đổi tìm giải pháp khác cho điểm sàn, liệu có áp lực nào không?
Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT: Hiểu như vậy là hiểu nhầm ý kiến của Bộ. Vừa qua, phương án tuyển sinh của Bộ và quy chế tuyển sinh đã được công bố để lấy ý kiến rộng rãi và Bộ đang tiếp thu.
Trong quá trình tiếp thu, có ý kiến đề xuất rằng, xem xét phương án điểm sàn bằng cách đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn khác để thay thế. Mặc dù các ý kiến đề xuất như vậy nhưng họ chưa đưa ra được các tiêu chí, tiêu chuẩn thay thế đó là gì. Chúng tôi mong tiếp nhận các ý kiến góp ý về vấn đề này.
Năm 2013, khi xác định phương án điểm sàn, Bộ cũng đã đưa ra để tham khảo ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, các nhà giáo hiến kế xây dựng điểm sàn. Năm nay tiếp tục lấy ý kiến về phương án xây dựng điểm sàn. Bộ không bỏ sót bất cứ ý kiến nào của dư luận xã hội.
Hồng Hạnh
Nguồn: dantri.com.vn